Tiêm kích nhẹ FA-50PH: Hổ giấy vô dụng của Không quân Philippines

Hoàng Minh |

Được coi là niềm tự hào của không quân nước này, nhưng phi đội tiêm kích nhẹ FA-50PH khó có thể sống sót nếu phải đối mặt với một cuộc chiến trên không.

Kỳ vọng lắm...

Hồi cuối năm 2015, Philippines đã tổ chức lễ tiếp nhận và biên chế hai máy bay tiêm kích nhẹ FA-50PH phản lực siêu âm. Đây là phiên bản được phát triển từ máy bay huấn luyện KAI T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc.

Sự kiện này cũng đánh dấu việc KQ Philippines vận hành trở lại các máy bay tiêm kích phản lực, vốn chấm dứt vào năm 2005 khi nước này loại biên toàn bộ các phi đội F-5.

Đây là hai chiếc đầu tiên trong tổng số 12 máy bay FA-50PH mà Philippines sẽ nhận trong giai đoạn 2015-2017.

Người dân Philippines đã tỏ ra rất tự hào với bộ đôi máy bay mới tiếp nhận này. Điều đó càng được khẳng định với màn trình diễn bay đôi trong lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập KQ Philippines.

Nhiều người đã nghĩ rằng những chiếc FA-50PH sẽ giúp Philippines có sức mạnh để bảo vệ không phận và lãnh hải của mình.

Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại, có vẻ những chiếc tiêm kích này sẽ phù hợp với vai trò máy bay biểu diễn, hơn là máy bay chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia.


Hai trong số những chiếc tiêm kích nhẹ đầu tiên của Không quân Philippines.

Hai trong số những chiếc tiêm kích nhẹ đầu tiên của Không quân Philippines.

Thất vọng nhiều...

Vấn đề đầu tiên chính là vũ khí, yếu tố quyết định tới khả năng chiến đấu của một máy bay tiêm kích. Philippines nhận 12 máy bay trong giai đoạn 2015-2017, nhưng phải tới năm 2018 họ mới nhận được các vũ khí cho FA-50PH.

Cuộc đấu thầu để chọn ra nhà cung cấp 93.600 viên đạn loại 20mm cho pháo chính và đạn mồi bẫy cho máy bay cũng đã bị hủy bỏ.

Như vậy, ngoài số tên lửa AIM-9 đời cũ vốn được trang bị cho F-5, các máy bay FA-50PH sẽ hoàn toàn không có một vũ khí nào để tự vệ, chứ chưa nói tới tấn công.

Thậm chí, số tên lửa AIM-9 được cho là đã sản xuất từ năm 1962 và quá niên hạn sử dụng từ lâu, chỉ có tác dụng lắp lên máy bay để trưng bày triển lãm.

Ngay cả khi có tên lửa và đạn pháo 20mm, chỉ 3-4 chiếc trong tổng số 12 máy bay là có khả năng tấn công ngoài tầm nhìn (BVR).

Các trang mạng quân sự của Philippines cho rằng chỉ có một số máy bay được lắp hệ thống radar và điện tử cho khả năng BVR, số còn lại sẽ chỉ có thể sử dụng vũ khí trong tầm nhìn như tên lửa tầm nhiệt hay bom không điều khiển.

Bên cạnh đó, theo trang web chính phủ Philippines, nước này đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu để tìm nhà sản xuất bộ phát tín hiệu (transmitter) và radar điều khiển hỏa lực (FCR) cho FA-50PH.

Điều này dẫn tới hai khả năng: Một là FCR của một trong hai máy bay đã hư hỏng và không có linh kiện thay thế.

Khả năng thứ hai thậm chí còn tồi tệ hơn, đó là hai chiếc máy bay đầu tiên được bàn giao mà không có FCR và Philippines đang phải lấp chỗ trống bằng một loại FCR khác. Gói thầu này có trị giá 39,5 triệu Peso, tương đương 2 triệu USD.


Các phi công Philippines bên máy bay mới nhận.

Các phi công Philippines bên máy bay mới nhận.

Như vậy, trong vòng hai năm tới, FA-50PH coi như không có khả năng chiến đấu trong nhiệm vụ chính là tiêm kích đối không hạng nhẹ.

Nếu phải đối mặt với những máy bay tiêm kích hạng nặng, được trang bị tận răng như Su-27 hay Su-30, những chiếc FA-50PH yếu ớt này sẽ dễ dàng bị phát hiện và bắn hạ từ khoảng cách vài chục, thậm chí là cả trăm km.

Ngay cả khi đeo tên lửa AIM-9 để tự vệ, nhiều khả năng máy bay của Philippines sẽ phải xơi những quả R-27 hay RVV-AE khi còn chưa kịp thấy đối phương.

Việc không có mồi bẫy hay hệ thống gây nhiễu radar càng khiến FA-50PH dễ trở thành bia mục tiêu cho Su-30 của Trung Quốc tập bắn.

Cuối cùng, một yếu tố không kém phần quan trọng chính là con người. Đã 10 năm kể từ khi Philippines vận hành một loại máy bay tiêm kích phản lực, các phi công F-5 ngày đó khó có thể chuyển loại lên FA-50PH.

Trong khi đó, phi công mới lại mất rất nhiều thời gian để làm quen với máy bay, chưa nói tới việc làm chủ hoàn toàn phương tiện khí tài.

Màn biểu diễn của FA-50PH tại lễ kỷ niệm ngày thành lập KQ Philippines là minh chứng rõ ràng cho nhận định này. Các phi công nước này không dám cất hạ cánh theo biên đội. Họ phải cất cánh từng chiếc một, sau đó mới lập đội hình để bay qua buổi lễ.

Trong khi những phi công lão luyện của các nước khác có thể thực hiện bài cất hạ cánh theo biên đội, với những chiếc tiêm kích hạng nặng và khoảng cách giữa hai máy bay là rất nhỏ.

Nhìn chung, FA-50PH có thể coi là một bước chuyển mình rõ rệt của KQ Philippines.

Tuy nhiên, cũng giống với nhiều dự án hiện đại hóa quân đội khác, người Philippines vẫn tiếp tục mua về những loại trang bị khí tài có tiềm năng, nhưng lại cắt đi toàn bộ các yếu tố quan trọng nhất trong chiến đấu.

FA-50PH có thể là một con hổ với người Philippines, nhưng nó chỉ xứng làm con hổ giấy vô dụng với những nước khác trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại