Quyết định điều động F-22 của Không quân Mỹ diễn ra đúng 1 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên có nguy cơ sụp đổ nếu tiếp tục tham vọng hạt nhân. Được biết, khi đến Hàn Quốc, phi đội tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ hạ cánh tại căn cứ không quân Osan gần Seoul.
Động thái này của Mỹ có thể khiến Triều Tiên coi sự xuất hiện của F-22 là một mối đe dọa, khi Mỹ muốn chứng tỏ điều họ có thể làm để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc khỏi bất cứ cuộc tấn công tiềm năng nào của Triều Tiên.
Tiêm kích F-22 đến Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, động thái này của Mỹ mang tính chất đe dọa nhiều hơn là răn đe thực tế bởi Triều Tiên chưa bao giờ phô trương sức mạnh của mình bằng Không quân trong khi đó, không chiến là khả năng mạnh nhất của F-22.
Sức mạnh đáng sợ nhất của Triều Tiên là kho tên lửa khổng lồ của nước này - vũ khí luôn khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực e ngại. Theo số liệu từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên được cho là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa các loại.
Hầu hết số hỏa tiễn này có thể đưa miền Nam vào tầm ngắm. Thậm chí, nhiều tên lửa Triều Tiên đủ sức bắn đến Nhật Bản lẫn các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Theo đó, Bình Nhưỡng đang có khoảng 700 tên lửa Scud-B/C tầm bắn từ 300 đến 500 km, khoảng 300 tên lửa Rodong tầm bắn 1.300 km.
Ngoài ra, Yonhap đưa tin chính quyền Bình Nhưỡng từ năm 2005 đến nay còn triển khai hàng chục vụ thử tên lửa tầm ngắn, với tầm bắn khoảng 120 km. Các thông tin trên càng củng cố thêm những dữ liệu mà người ta từng nghe về kho tên lửa của Triều Tiên.
Lâu nay, chuyên trang an ninh Global Security dẫn một số nguồn tin quân sự khẳng định nước này sở hữu khoảng 200 tên lửa Hwasong-5, 400 tên lửa Hwasong-6 (tầm bắn 300 - 700 km).
Tên lửa đạn đạo BM25 Musudan đạt tầm bắn từ 2.500 - 4.000km.
Bình Nhưỡng cũng có cả tên lửa tầm trung với Nodong-1 (tầm bắn 1.300 - 1.600 km), Nodong-2 (tầm bắn lên đến 2.000 km). Thậm chí, các loại Taepodong-1, Taepodong-2 đạt tầm bắn từ 4.000 - 6.000 km được cho là đã nằm trong kho tên lửa Triều Tiên.
Với một lực lượng hỏa tiễn hùng hậu như thế, những cơ sở trọng yếu của Seoul, Tokyo và Washington tại Đông Bắc Á đều có thể nằm trong tầm phá hủy của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, theo tính toán của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, trụ sở ở Washington, Bình Nhưỡng đang sở hữu lượng vật liệu phân hạch đủ để sản xuất ít nhất 10 đầu vũ khí. Con số này sẽ tăng tới 20 hoặc 100 vào năm 2020.
"Triều Tiên đã xây dựng được một hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân tương đối phát triển. Thực tế này sẽ giúp họ trở thành một cường quốc hạt nhân nhỏ trong những năm sắp tới", chuyên gia đánh giá trong bản báo cáo.
Tiêm kích F-22 tới Hàn Quốc