Tiêm kích bí mật MiG-41 là bản tàng hình hóa của MiG-21?

Tuấn Trung |

Nếu tiêm kích thế hệ năm MiG-41 có hình dạng như những bản đồ họa từng xuất hiện thì khả năng cao đó là một thiết kế nhằm tìm lại vinh quang của MiG-21 huyền thoại.

Thời kỳ hoàng kim của hãng chế tạo máy bay Mikoyan-Gurevich là thời điểm thập niên 1960 - 1970, khi các tiêm kích đánh chặn MiG giữ vị trí cả xương sống lẫn chủ lực của Không quân Liên Xô cũng như nhiều quốc gia đồng minh trên khắp thế giới.

Đỉnh cao của dòng chiến đấu cơ MiG không thể do ai khác nắm giữ ngoài MiG-21, chiếc phản lực huyền thoại có số lượng sản xuất nhiều nhất thế kỷ XX với những ưu điểm như mạnh mẽ, linh hoạt và cực kỳ tin cậy trong khai thác sử dụng.


MiG-21 - Tiêm kích đánh chặn tốt nhất của Mikoyan-Gurevich

MiG-21 - Tiêm kích đánh chặn tốt nhất của Mikoyan-Gurevich

Đáng tiếc là những hậu duệ của MiG-21 lại không mấy thành công, MiG-23 bị nhiều nước loại biên trước MiG-21 cả chục năm, MiG-25/31 ngoài tốc độ cao thì không được đánh giá tốt về độ cơ động, chi phí khai thác quá khủng khiến rất ít quốc gia tin dùng.

Nhưng gây thất vọng nhiều nhất là dòng MiG-29, nó từng được kỳ vọng sẽ là đối thủ xứng tầm với F-16 của Mỹ. Tuy nhiên khi F-16 đã trở thành tiêm kích nhẹ tốt nhất thế giới hiện đại thì MiG-29 lại lâm vào cảnh đìu hiu.

Tai tiếng nhiều nhất của MiG-29 nằm ở động cơ RD-33 thường xuyên phun khói đen mù mịt, khung thân có tuổi thọ rất thấp, thành tích chiến đấu tệ hại... khiến cho MiG để mất vị trí của mình vào tay đối thủ Sukhoi.

Thậm chí phải đến gần đây thiết kế của MiG-29 mới được coi là tạm hoàn thiện sau gần 40 năm ra đời, khi chiếc MiG-35 chính thức được chấp nhận đưa vào biên chế.


Cột khói đen mù mịt từ động cơ RD-33 của MiG-29

Cột khói đen mù mịt từ động cơ RD-33 của MiG-29

Nhằm tìm lại ánh hào quang năm xưa, Tập đoàn MiG đã công bố dự án chế tạo tiêm kích thế hệ năm nhằm cạnh tranh với PAK FA của Sukhoi.

Đây được coi là hướng đi nhằm đáp ứng nhu cầu của những quốc gia có tiềm lực hạn chế, họ cần một chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ giá thành thấp nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Do vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng Mikoyan-Gurevich không nên phát triển nguyên mẫu máy bay mới dựa trên dòng MiG-1.44 mà hãy thiết kế một bản tàng hình hóa của MiG-21. Những gì diễn ra cho thấy có vẻ như hãng chế tạo này đang tiếp thu luồng ý kiến trên.


Đồ họa tiêm kích MiG-41

Đồ họa tiêm kích MiG-41

Những hình ảnh đồ họa mới công bố về chiếc tiêm kích thế hệ năm được cho là MiG-41 cho thấy máy bay có thân tương đối ngắn, chỉ được trang bị 1 động cơ với 2 cánh đuôi đứng, và điểm đặc biệt nhất là phần mũi của nó trông rất giống MiG-21.

Ngoài ra, dễ nhận thấy đôi cánh của MiG-41 cũng có hình dạng khá giống với cánh delta trên MiG-21, khác biệt nhỏ nằm ở phần cánh tà và đầu cánh được mở rộng. Các chi tiết còn lại như cánh đuôi ngang, vị trí cửa hút gió, sống lưng cũng có nhiều nét tương đồng.

Nếu đây đúng là hình dạng của chiếc MiG-41 đang được nghiên cứu thì thực sự là một tin vui cho nhiều quốc gia quen dùng máy bay MiG trong đó có Việt Nam.

Lý do là bởi sau khi MiG-21 bị loại biên do hết hạn sử dụng, việc lựa chọn một dòng tiêm kích hạng nhẹ mới để thay thế vẫn rất khó khăn khi Nga từ lâu đã ngừng chế tạo phản lực 1 động cơ, sản phẩm tương đương của phương Tây thì lại gặp nhiều rào cản về giá và chính trị.

Trong trường hợp chiếc MiG-41 hoàn thành thử nghiệm và được chấp nhận đưa vào trang bị, đây sẽ là ứng viên tiêm kích nhẹ sáng giá nhất đối với Không quân Việt Nam, sẽ đảm nhiệm vai trò xương sống bên cạnh chủ lực là loại Sukhoi T-50.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại