Thực hư chuyện "quốc gia châu Á giấu tên" mua JF-17 Trung Quốc

Nhật Minh |

Theo Diplomat, chỉ trong vòng vài tháng tại 2 triển lãm khác nhau, Trung Quốc và Pakistan đều đưa ra những tuyên bố trùng hợp một cách kỳ lạ về JF-17.

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đưa tin, Trung Quốc và Pakistan có thể cuối cùng đã tìm được khách hàng đầu tiên cho mẫu máy bay JF-17 Thunder.

Đây là sản phẩm do Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn máy bay Thành Đô – Trung Quốc hợp tác chế tạo.

Tại triển lãm hàng không Dubai (diễn ra từ ngày 8-12/11), Trung Quốc thông báo mẫu tiêm kích thế hệ 4 JF-17 đã tìm được khách hàng sau nhiều năm quảng bá,

Trong thông báo gửi đến tờ China Daily, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) cho biết AVIC và PAC đã ký hợp đồng với một khách hàng giấu tên (Theo Diplomat thì đây là một quốc gia châu Á).

Tuy nhiên, thông báo không nói rõ hợp đồng được ký kết khi nào, với số lượng bao nhiêu. Đây là lần đầu tiên AVIC xác nhận thông tin về hợp đồng JF-17.

Theo Diplomat, điều đáng lưu ý là, tại triển lãm hàng không Paris hồi tháng 6 năm nay, Chuẩn tướng Không quân Pakistan Khalid Mahmood cũng đưa ra một thông báo tương tự.

"Hợp đồng đã được ký với một quốc gia châu Á" - ông Khalid nói.


Tiêm kích JF-17 tại triển lãm hàng không Paris 2015.

Tiêm kích JF-17 tại triển lãm hàng không Paris 2015.

Khi đó, ông Khalid từ chối cho biết tên khách hàng cũng như số lượng máy bay bán được, chỉ tiết lộ rằng các đợt chuyển giao sẽ bắt đầu vào năm 2017 (Diplomat cho biết, China Daily cũng tiết lộ thời điểm chuyển giao máy bay vào năm 2017).

Vì vậy, Diplomat nhận định, những thông báo định kỳ về việc ký kết thỏa thuận cung cấp JF-17 có thể là chiêu trò tinh quái của nhà sản xuất để khiến mẫu máy bay này trở nên hấp dẫn hơn với các quốc gia khác.

Tháng 6 vừa qua, xuất hiện thông tin Sri Lanka có kế hoạch mua 18-24 chiếc JF-17, lô đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2017. Tuy nhiên sau đó, Không quân Sri Lanka đã phủ nhận thông tin này.

Gần đây, để vượt mặt Pakistan, Ấn Độ đang tìm cách bán tiêm kích hạng nhẹ Tejas cho Sri Lanka.

Myanmar có vẻ là một trong những khách hàng châu Á tiềm năng nhất của JF-17, do Không quân nước này đang vận hành một lượng lớn các máy bay do Trung Quốc sản xuất.

Một số lực lượng không quân khác cũng đang cân nhắc mua JF-17, trong đó có Argentina, Bangladesh, Bulgaria, Nigeria, Philippines, Venezuela, Zimbabwe.

JF-17 được sản xuất tại Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) ở phía tây Islamabad, với khả năng sản xuất 25 máy bay mỗi năm. Song, ngành công nghiệp máy bay quân sự của Pakistan có vẻ không đáp ứng được nhu cầu nội địa đối với JF-17.

Quân đội Pakistan gần đây đã đặt hàng thêm 110 chiếc JF-17 từ Trung Quốc, điều này làm dấy lên nghi ngờ về năng lực xuất khẩu thực sự của ngành công nghiệp máy bay Pakistan.

Máy bay chiến đấu JF-17 tại triển lãm hàng không Paris 2015

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại