Trong huấn luyện làm chủ khai thác tổ hợp tên lửa này, lữ đoàn chủ yếu sử dụng tài liệu, sơ đồ, tranh vẽ, thuyết minh kỹ thuật có sẵn, đồng bộ kèm theo.
Quá trình huấn luyện trên khiến bộ đội khó hình dung, mất nhiều thời gian, không tạo được sự sáng tạo, đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, khí tài.
Từ thực tế trên, nhóm kỹ thuật viên của Trạm Kỹ thuật (Lữ đoàn 679) do Thượng úy Lâm Văn Quân chủ trì, cùng với các đồng chí Thượng úy Nguyễn Duy Long, Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng hoạt động của tên lửa P-28M thuộc tổ hợp REĐUT-M trên quỹ đạo bay trong các chế độ bắn.
Mô phỏng tên lửa rời khỏi bệ phóng bay đến mục tiêu.
Đề tài thực hiện từ tháng 3-2015 đến tháng 9-2015. Nhóm tác giả đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng hoạt động của tên lửa P-28M trên quỹ đạo bay trong các chế độ bắn.
Thiết bị thực hiện được chức năng: Mô phỏng quỹ đạo bay và các chế độ bắn của tên lửa P-28M trên ma-két rộng 2,5x1,5m có điều khiển bằng vi xử lý PIC18F4550; kết nối với máy tính; mô phỏng 3D hoạt động của tên lửa P-28M trên quỹ đạo bay bằng phim.
Phần mềm có thể cài đặt ở các loại máy tính khác nhau với cấu hình và dung lượng cho phép. Phần mềm mô phỏng 3D tổng quan các hoạt động của tên lửa P-28M trên quỹ đạo bay từ khi bắn tới khi tiêu diệt mục tiêu.
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, nhóm nghiên cứu đã thu thập, phân tích tài liệu về tên lửa P-28M; nghiên cứu phương án, triển khai bệ phóng, đài điều khiển, quy tắc bắn; về động cơ phóng, động cơ hành trình, hoạt động của các hệ thống điều khiển trên tên lửa P-28M; lựa chọn hệ vi điều khiển, phần mềm đồ họa 3D, xử lý phim, vẽ ảnh, chỉnh sửa ảnh, ngôn ngữ lập trình phù hợp.
Các kỹ thuật viên còn nghiên cứu về giao tiếp máy tính với vi điều khiển thông qua cổng USB; chế tạo ma-két mô phỏng quỹ đạo bay và chế độ bắn của tên lửa P-28M; thiết kế phim mô phỏng 3D hoạt động của tên lửa P-28M trên quỹ đạo bay trong các chế độ bắn, giao diện điều khiển hoạt động của ma-két và tạo phim mô phỏng 3D.
Sản phẩm đề tài có tính thực tiễn khá cao, làm thay đổi tư duy, cách tiếp cận vũ khí trang bị kỹ thuật bằng phương pháp trực quan sinh động.
Thiết bị đưa vào ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật của bộ đội, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Thiết bị có độ bền cao, hoạt động tin cậy, sử dụng tốt trong các điều kiện thời tiết phức tạp, tiết kiệm kinh phí, thời gian huấn luyện.
Hội đồng Khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật Lữ đoàn 679 đã nghiệm thu đề tài, lập hồ sơ tham dự xét Giải thưởng Phan Vinh của Quân chủng Hải quân năm 2015.