Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông khiến chính quyền Obama chịu “sức ép ngàn cân”?

Anh Tuấn |

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không ra đảo ở Biển Đông đã khiến đảng Cộng hòa Mỹ lên tiếng phê phán Tổng thống Barack Obama rằng chính sách của ông đã khiến Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động trong vùng tranh chấp.

Hoa Kỳ cần phải xem xét thêm những lựa chọn cần thiết nhằm trừng phạt những hành vi của Trung Quốc”, thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ cho biết.


Tàu USS Lassen của Mỹ đã tiến vào vùng biển 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng.

Tàu USS Lassen của Mỹ đã tiến vào vùng biển 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng.

Các chiến dịch tuần tra nhằm đảm bảo tự do đi lại trên biển của Mỹ, bao gồm đưa tàu chiến vào trong khu vực 12 hải lý của các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, là một trong những bước đi quan trọng nhằm cản trở Bắc Kinh tiếp tục hoạt động của mình.

Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có 2 lần tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra và không mang lại kết quả rõ rệt. “Hiện những hoạt động tuần tra tự do đi lại trên biển của Hoa Kỳ là chưa đủ”, ông McCain nói.

Thượng nghị sĩ McCain cũng bày tỏ ý kiến không hài lòng với cuộc họp giữa Tổng thống Obama với nguyên thủ các nước thành viên ASEAN tại bang California vào ngày 15 và 16/2 vừa qua.

Cuộc họp được tổ chức nhằm tìm biện pháp gây sức ép lên Trung Quốc, đồng thời nâng cao quan hệ với những nước này. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh không hề nhắc đến hay chỉ trích Trung Quốc.

Thành viên của đảng Cộng hòa từ lâu đã chỉ trích chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Obama là quá mềm yếu và thiếu nhất quán.

Họ lấy dẫn chứng rằng từ thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ hứa sẽ đưa tàu tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng cho đến khi thực hiện đã mất 5 tháng.

Đảng Cộng hòa cũng cho rằng chính quyền Obama đang tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, qua đó khiến căng thẳng ở Biển Đông tăng lên.

Người đứng đầu Bộ Tham mưu Mỹ, khu vực Thái Bình Dương là tướng Harry Harris sẽ phải trình bày về những bước đi đáp trả đối với việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Biển Đông vào ngày 23/2 tới.

Vấn đề tên lửa Trung Quốc cũng là một chủ đề nóng trong cuộc đua tranh cử Tổng thống năm 2016. Các ứng cử viên của đảng Cộng hòa luôn có quan điểm phản đối Trung Quốc và chắc chắn họ sẽ có những phát biểu mạnh mẽ sau sự việc trên.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, đang chuẩn bị những biện luận nhằm tránh bị coi là có bước đi mềm yếu đối với Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington và Bắc Kinh “sẽ có một cuộc đàm thoại nghiêm túc, sâu sắc” về vấn đề tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông trong vài ngày tới.

Trong chuyến thăm lần trước vào tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này “sẽ không quân sự hóa Biển Đông”. Nhưng theo ông Kerry, một số bằng chứng xác đáng cho thấy “hoạt động quân sự đang gia tăng”.

Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thể thay đổi lập trường của Bắc Kinh khi họ đã bỏ qua những lời cảnh báo từ chính quyền Obama về việc ngừng các hoạt động quân sự.

Không những vậy, nhiều người tin rằng cuộc họp như vậy đang giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để củng cố sức mạnh trong khu vực tranh chấp trên biển.

Việc các tên lửa Trung Quốc điều ra Biển Đông cho thấy chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Mỹ đã thất bại và khiến Tổng thống Obama phải chịu sức ép lớn.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế - chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại