Đây là thông tin được một quan chức cao cấp thuộc Viện công nghệ phóng tên lửa Trung Quốc cho biết trên China Daily.
Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên của loại tên lửa này sẽ được tiến hành vào tháng 9-2016. Trường Chinh 5 (Long March 5) là dòng tên lửa đẩy có công nghệ hiện đại nhất của Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh 5
Các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu được tiến hành từ tháng 9/2015 với tổng số hơn 130 ngày.
Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng, tên lửa Trường Chinh 5 đã vận hành tốt tại các cơ sở dưới mặt đất tại Trung tâm phóng vệ tinh Wenchang, ông Li Dong, một nhà thiết kế cao cấp và giám đốc dự án Trường Chinh 5, cho biết.
Theo ông Li Dong, Hằng Nga 5 (Chang'e 5), tàu thăm dò mặt trăng sẽ hạ cánh trên mặt trăng và lấy các mẫu vật trước khi trở về trái đất, cũng đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm này.
Ông cho biết, các cuộc thử nghiệm này rủi ro và phức tạp nhất mà Trung Quốc từng tiến hành đối với các tên lửa đẩy và có sự tham gia của khoảng 300 kỹ sư.
Kết quả thử nghiệm sẽ được sử dụng để cải thiện hiệu suất của quả tên lửa sản xuất hàng loạt đầu tiên. Đây là quả tên lửa đẩy sẽ được phóng vào tháng 9-2016.
Tên lửa đẩy Trường Chinh dài gần 57 m, đường kính 5 m, trọng lượng phóng khoảng 800 tấn, tải trọng mang tối đa 25 tấn lên quỹ đạo trái đất tầm thấp và 14 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh, tương đương với trọng lượng của các tên lửa đẩy Delta IV và Atlas V của Mỹ.
Sau khi Trường Chinh 5 được đưa vào hoạt động, nó sẽ được sử dụng để phóng các tàu thăm dò mặt trăng cỡ lớn và trạm vũ trụ có người lái mà Trung Quốc dự kiến sẽ đưa lên quỹ đạo vào khoảng năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng việc phóng tên lửa Trường Chinh 5 là một bước tiến mới của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trên thị trường tên lửa không gian.
Kết quả của các cuộc kiểm tra sẽ được sử dụng để tiến hành các hoạt động sản xuất tên lửa lần đầu tiên trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tới nay, các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã thực hiện 200 nhiệm vụ kể từ năm 1970 khi tên lửa Trường Chinh 1 đưa thành công vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc là Đông Phương Hồng 1 vào quỹ đạo.