Tên lửa tối tân nhất của Mỹ phá hủy thành công chiến hạm

Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm thành công một vụ phóng tên lửa chống tàu tầm xa (LRASM).

Đây là một loại vũ khí dẫn đường chính xác, một tên lửa hành trình tầm xa được thiết kế để tìm kiếm và phá hủy các mục tiêu mà không phụ thuộc nhiều các hệ thống dẫn đường và cảm biến bên ngoài.

LRASM đánh trúng mục tiêu tàu cơ động

Theo người quản lý chương trình LRASM của DARPA, ông Artie Mabbett cho biết hôm 6/9, một nguyên mẫu LRASM đã được phóng từ một máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer vào ngày 28/8 trên vùng biển thử nghiệm Point Mugu, thuộc vùng biển phía Nam California. Tên lửa trang bị một đầu đạn trơ nhưng được tích hợp các hệ thống cảm biến tiên tiến, đã tấn công chính xác một mục tiêu thật là tàu không người lái đang cơ động trên biển.

"Thử nghiệm vừa qua là kết quả đỉnh cao nhất trong 5 năm phát triển và tích hợp của các cảm biến tiên tiến trong một tên lửa", ông Mabbett cho biết trong một hội nghị. "LRASM cũng là loại vũ khí đầu tiên mà chúng tôi tích hợp được các cảm biến tiên tiến và trình diễn toàn bộ hệ thống, tạo ra hiệu suất vượt xa với khả năng hiện tại của chúng tôi", ông Mabbet ca ngợi.

Ông Mabbett từ chối tiết lộ về bộ cảm biến của LRASM bởi chúng đã được phân loại, nhưng ông mô tả đó là một "bộ cảm biến đa chế độ và hoạt động trên tất cả các dải quang phổ".

LRASM được phóng thành công từ máy bay ném bom B-1B

LRASM là một phát triển của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR) và DARPA dựa trên loại tên lửa không - đối - hạm tăng tầm liên minh AGM-158B của Lockheed Martin mà hiện đang phục vụ trong Không quân Mỹ. Tên lửa hành trình này được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển ở khoảng cách xa lên tới 200 hải lý (370 km) ngay cả khi hệ thống định vị toàn cầu hoặc radar trang bị trên máy bay không thể dẫn đường và cung cấp thông tin về mục tiêu cho nó.

LRASM không giống như những tên lửa hành trình thông thường khác phải nhờ tới các hệ thống dẫn đường GPS hoặc radar trên máy bay dẫn bắn, mà nó tự sử dụng chính các cảm biến tích hợp trong tên lửa để tự động phát hiện, theo dõi và tham gia tấn công mục tiêu. Tên lửa này được trang bị một mô đun đo quán tính tiên tiến để tự dẫn đường khi hệ thống GPS không hoạt động.

Trong suốt chuyến bay thử nghiệm của tên lửa LRASM vừa qua, nó đã phát hiện ra mục tiêu tàu có chiều dài 80m đang cơ cơ động và tấn công chính xác.

Trước khi chuyến bay thử nghiệm diễn ra, bộ cảm biến và hệ thống dẫn đường của tên lửa đã được thử nghiệm trong một máy bay phản lực Sabreliner.

Theo kế hoạch, trong vài tháng tới, DARPA và Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hơn 2 lần phóng thử nghiệm tên lửa LRASM. Trong đó gồm một biến thể trang bị trên hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) của tàu chiến. Ngoài ra, một biến thể LRASM phóng từ tàu ngầm cũng sẽ được tiến hành sau khi phiên bản LRASM phóng trên không và trên tàu chiến thành công.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại