Tên lửa phòng không vác vai, hoặc gọi cách khác là tên lửa phòng không xách tay (MANPADS), lần đầu tiên được Hoa Kỳ và Liên Xô triển khai trong những năm 1960, cung cấp cho bộ binh loại vũ khí phòng không tầm thấp cực kỳ lợi hại.
Theo Armscontrol.org, từ khi ra đời đến nay, hơn 20 quốc gia đã sản xuất vài triệu quả tên lửa loại này và hiện còn một số lượng rất lớn trong kho dự trữ. Ít nhất 102 quốc gia đã hoặc đang có tên lửa phòng không MANPADS.
MANPADS dựa trên 3 nguyên lý điều khiển là phương pháp ngắm quang học, dẫn bằng laser, và dẫn bằng tia hồng ngoại. Các tên lửa Igla, Strela thời Liên Xô và Stinger của Mỹ có thể đạt được cự ly bắn hiệu quả khoảng cách trên 3 dặm (khoảng 5,5 km).
Tên lửa vác vai Igla của Nga.
MANPADS ở Nam Tư
Theo Tạp chí “Phòng thủ Không gian” Nga, tại thời điểm năm 1999, các lực lượng vũ trang Nam Tư đã có tới 850 hệ thống tên lửa phòng không vác vai sử dụng đầu dẫn hồng ngoại xuất xứ từ Liên Xô.
Để đối phó với các tên lửa phòng không vác vai, Không quân Mỹ sử dụng các mồi bẫy, đặc biệt là mồi bẫy nhiệt, để hút đầu đạn vào các đám cháy kiểu “liều mình cứu chúa”.
NATO một thời từng coi mối đe dọa của tên lửa phòng không vác vai hồng ngoại là nguy cơ nghiêm trọng nhất trong tác chiến ở Châu Âu.
Họ đã bị bắn rơi nhiều máy bay, trong đó máy bay trinh sát không người lái (UAV) có tỷ lệ bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không tầm thấp và MANPADS rất cao.
Tại chiến trường Nam Tư năm 1999, người Serbia đã bắn rơi 25-27 UAV bằng Strela-1/2, trong đó có 16 chiếc của Mỹ.
Trước nguy cơ bị bắn hạ tại Cossovo tăng cao, các chỉ huy ở đây phải lệnh cho không quân NATO hoạt động ở độ cao tổi thiểu 3.000 m trở lên, dười tầm này chắc chắn MANPADS sẽ khai hỏa không thương tiếc.
MANPADS ở Afghanistan
Đại tá Constantine Shipachev, giảng viên cao cấp, Khoa nghệ thuật quân sự Không quân Nga viết:
“Phi công trực thăng Nga, đã liều mạng sống của mình, thực hiện rất nhiều chiến công, với lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan.
Có 20 phi công được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Nhưng có những tổn thất rất lớn, chúng ta đã mất 130 máy bay chiến đấu và 333 máy bay trực thăng, hàng chục phi công hy sinh”.
Sau này tổng kết, số máy bay bị phiến quân lực lượng Mujahideen Afghanistan bắn, chủ yếu bằng MANPADS Stinger FIM-92 các đời A, B của Mỹ.
CIA đã cung cấp cho lực lượng Mujahideen khoảng 1.500 đến 2.000 quả tên lửa Stinger.
Bắt đầu chiến dịch "Gió lốc", CIA đã cung cấp cho lực lượng Mujahideen khoảng 1.500 đến 2.000 quả. Các chỉ huy Taliban cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu tiên triển khai trên chiến trường chống Liên Xô, mỗi ngày Stinger hạ 1 máy bay.
Hơn nữa Stinger còn thể hiện rất rõ những ưu việt trên chiến trường có địa hình đồi núi như Afghanistan. Trước đó những loại như Oerlikon hay Blowpipe không làm được do vận chuyển và triển khai khó khăn.
Stinger còn đe dọa cả máy bay chiến đấu Mig. Hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của Stinger đã mang đến những thay đổi đáng kể trên chiến trường, góp phần dẫn đến quyết định rút quân của Liên Xô vào cuối thập kỷ 1980.
Sau này, bằng nhiều cách quân Taliban đã không giao nộp mà còn tìm cách cải tiến để Stinger có thể trở thành "sát thủ" của chính máy bay trực thăng Mỹ khi Washington mở chiến dịch tấn công Taliban năm 2001.
MANPADS ở Việt Nam - Kỷ lục thế giới?
Tên lửa phòng không MANPADS 9K32 Strela-2 (NATO định danh là SA-7 Grail) được sản xuất tại Liên Xô năm 1964, đưa vào sử dụng từ năm 1968 và viện trợ cho Việt Nam vào năm 1972, được Quân đội ta định danh là A-72.
9K32 Strela-2 kết cấu đơn giản với ống phóng dài 1,4m, đường kính 70mm và trọng lượng 15kg (gồm cả đạn nặng 9,8kg).
Trong 3 năm, chỉ với một tiểu đoàn tinh gọn (Tiểu đoàn 172), A72 đã tiêu diệt được tới 157 máy bay địch, trong đó có hàng chục xạ thủ hạ được 4 máy bay trở lên, xạ thủ “siêu” nhất hạ tới 16 máy bay, một kỷ lục thế giới.
Tên lửa vác vai A-72 của Việt Nam.
Tên lửa A72 khi Liên Xô sản xuất đã đưa ra hiệu suất chiến đấu là 0,3 (tức 1.000 quả đạn diệt 300 máy bay), thế nhưng ở Việt Nam, Tiểu đoàn 172 đánh 408 trận đã diệt 157 máy bay, đạt hiệu suất 0,375, cao hơn đáng kể so với tính toán thiết kế.
Có một bài viết ghi: Vào thời điểm ấy, tên lửa A72 mới “ra lò” trên thế giới được vài năm nên việc sử dụng nó trên chiến trường cực kỳ mới mẻ.
Cánh lính thuộc đơn vị ấy phần lớn là sinh viên các trường đại học Thủy lợi, Bách khoa, Ngoại giao, Sư phạm thuộc Trung đoàn 263 được điều về lập khung Tiểu đoàn 172, được huấn luyện cấp tốc theo chế độ cực kỳ bảo mật.
Lớp học có vệ binh gác, tài liệu, vở ghi, khí tài đều không được mang về. Sau đó, cả tiểu đoàn vượt Trường Sơn tới căn cứ Cà Chay tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ.
Ông Nghiêm Xuân Đán, người xã Tri Chỉ (Phú Xuyên, Hà Nội), là người Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay bằng tên lửa A72 trong trận đánh tại Núi Gió, gần Thị xã Bình Long, năm 1972.
Từ đây, Không quân Mỹ và VNCH rất kiêng nể phòng không “Việt Cộng”. Máy bay A-37 và trực thăng phải bay vọt lên cao, kết thúc thời kỳ “làm mưa, làm gió” của không quân trên chiến trường.
Trắc thủ Nguyễn Ngọc Chiến - Quân giải phóng Miền Nam, trong các năm 1974-1975, với 5 quả đạn A72 đã diệt 6 máy bay, đủ loại C-47, C-123, CH-54, HU1A...
Tại Mộc Hóa, Kiến Tường, bằng một quả A72, ông Chiến đã diệt 2 máy bay, trong đó chiếc CH-46 trúng đạn văng thành nhiều mảnh lửa khiến chiếc HU1A bay bên cạnh cũng bốc cháy theo.
Ông Chiến đã trở thành một trong hai người lập nên kỳ tích một quả đạn A72 diệt hai máy bay địch. Trước ông, còn có xạ thủ, Hoàng Anh Quyết cũng lập kỳ tích này, nhưng sau đó anh Quyết đã hy sinh.
Bảng danh sách xạ thủ A72 Việt Nam nổi tiếng nhất gồm có: Hoàng Văn Quyết (bắn rơi 16 máy bay), Nguyễn Văn Thoa (bắn rơi 13 máy bay), Nguyễn Đắc Luận (bắn rơi 9 máy bay), Trần Văn Xuân (bắn rơi 8 máy bay).
Riêng kỳ tích mà liệt sĩ, Anh hùng Hoàng Văn Quyết đạt được, bắn rơi 16 máy bay, hiện đang giữ kỷ lục của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam và có thể coi là một kỷ lục thế giới.
MANPADS “dư địa” còn rất sáng
Với giá thành rẻ, gọn nhẹ, tỷ lệ tổn thất cả người sử dụng và trang bị thấp, MANPADS được phát triển liên tục. Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov (Nga) cho rằng, ngày nay MANPADS của Mỹ hay Pháp đều được trang bị đầu dẫn đa phổ GOS.
Hầu hết các mẫu tên lửa MANPADS của các quốc gia trên thế giới hiện nay, đều có thể tấn công dễ dàng mục tiêu trên không trong giai đoạn ban đầu.
Nhưng khi mục tiêu bay quá phạm vi điều khiển thiết bị dẫn đường dưới mặt đất, thì chúng sẽ tự tìm theo nguồn nhiệt phát ra từ động cơ máy bay
Theo Tạp chí quốc phòng Jane’s (Anh), từ năm 2014, Quân đội Mỹ đang bắt đầu chương trình nâng cấp diện rộng đối với hàng nghìn tổ hợp tên lửa phòng không động Stinger FIM-92E Block 1.
Có khoảng 2.000 quả tên lửa Stinger sẽ được nâng cấp tại một nhà máy thuộc căn cứ quân sự McAlester (MCAAP), tiểu bang Oklahoma.
Hiện tại, Lục quân Mỹ đang được trang bị tổng cộng 850 tên lửa Stinger và Lính thủy đánh bộ là 1.155 quả. Quá trình nâng cấp sẽ tiêu tốn ít nhất 11 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Tên lửa MANPADS dòng Igla được đưa tới Việt Nam năm 1987, “Việt hóa” với cái tên A-87. Theo một số nguồn tin thì Việt Nam sử dụng 2 biến thể của Igla gồm: 9K310 Igla-1E cho phòng không hải quân và 9K38 Igla cho phòng không lục quân.
Biến thể 9K310 Igla-1E nặng 17,9kg (gồm đạn tên lửa nặng 10,8kg) có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 5.000m, độ cao 3.500m.
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 1996 Việt Nam ký hợp đồng mua 365 tên lửa 9K330 Igla-1E từ Nga trang bị cho tàu pháo Svetlyak Project 10412, tàu tên lửa BSP-500 và Tarantul Project 1241RE.
Igla-1E trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại thế hệ mới đa kênh có khả năng vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại. Nhờ động cơ cải tiến, tên lửa đạt tốc độ nhanh hơn.
Tên lửa có tốc độ nhanh hơn so với các thế hệ trước đó, tốc độ tên lửa nhanh gấp 2, 3 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2.530km/h).
Cải tiến sâu của Igla là khả năng khóa mục tiêu của đầu dò hồng ngoại, cải tiến ngòi nổ cận đích của tên lửa. Cho phép tên lửa có thể tấn công vào phần thân của máy bay chứ không nhất thiết phải là ống xả của động cơ như trước.
Igla-1E có thể vượt qua được loại mồi bẫy pháo sáng ALQ-144 được trang bị trên các máy bay chiến đấu của NATO. Biến thể cải tiến 9K38 Igla có kích thước tương tự 9K310 Igla-E nhưng có thể diệt mục tiêu ở cự ly xa hơn, 5.200m.
Đầu tự dẫn hồng ngoại tên lửa tiếp tục cải tiến tăng khả năng đối phó với biện pháp mồi bẫy, pháo sáng gây nhiễu của đối phương.
Mới đây, trang VKP Nga, dẫn một thông báo từ Bộ quốc phòng Nga mới đây cho biết, Quân đội Nga đã chính thức được trang bị hệ thống tên lửa phòng không vác vai cơ động 9K333 Verba.
Nó sẽ thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không di động thế hệ cũ của Nga là 9K338 Igla-S. Cả hai mẫu tên lửa trên đều do cục thiết kế chế tạo máy KBM phát triển và sản xuất.
Những bộ tên lửa phòng không 9K333 Verba đầu tiên sẽ được trang bị cho một đơn vị đổ bộ đường không và một lữ đoàn bộ binh cơ giới thuộc Quân khu miền Đông nước Nga.
Verba có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội hoàn toàn, so với các mẫu tên lửa phòng không vác vai cùng loại trên thế giới.
9K333 Verba có phạm vi tấn công hiệu quả lên tới 6,5km, độ cao 4,5km, trong khi đó tên lửa Igla trước đó chỉ đạt độ cao 3,5km, vượt trội hoàn toàn so với tên lửa phòng không di động Stinger của Mỹ vốn chỉ có phạm vi tấn công 4,8km và với độ cao 3,8km.
Xét về tính năng kỹ - chiến thuật, 9K333 Verba ưu việt hơn tất cả các hệ thống MANPADS hiện có trong trang bị của Quân đội Nga cũng như các loại tương đương của nước ngoài như Stinger Block 1 của Mỹ hay QW-2 của Trung Quốc.
Tên lửa phòng không vác vai Verba mới nhất của Nga. Ảnh: Military-today.com.
Sự khác biệt chính giữa tên lửa Igla và Verba thế hệ mới là nó được trang bị thế hệ đầu tự dẫn hồng ngoại đa quang phổ - GOS (trong khi đó Igla-S chỉ sử dụng đầu dẫn 2 phổ).
Tên lửa 9K333 có thể phân biệt chính xác các mục tiêu ngay cả khi bị tác động bởi hệ thống mồi bẫy nhiệt thụ động hoặc đối phương sử dụng tia laser.
Bên cạnh đó, đầu dò hồng ngoại mới của Verba có thể tìm được cả mục tiêu có mức bức xạ thấp, như máy bay tiêm kích, cường kích hay tên lửa hành trình. Thậm chí cả với các máy bay trực thăng đã được gắn thiết bị tản nhiệt từ động cơ.
Đó là với các tên lửa thế hệ cũ, nhưng với Verba nó có thể thực hiện tấn công trực diện vào mục tiêu với đầu dẫn đa phổ GOS.
Theo đó, nó không chỉ có khả năng phát hiện ra nguồn nhiệt từ động cơ máy bay mà còn tìm theo nguồn nhiệt phát ra từ cánh quạt lẫn thân máy bay trong suốt quá trình di chuyển trên không. Các hệ thống mồi bẫy nhiệt hoàn toàn không có tác dụng với 9K333 Verba.
Có một vấn đề thế giới đang quan tâm là MANPADS có trong tay lực lượng khủng bố sẽ rất nguy hiểm cho vận tải hàng không dân dụng, các tàu chở dầu, hoặc các kho chất nổ, hóa chất…
Bên cạnh các giải pháp, có một giải pháp là: Nhà sản xuất cấu trúc sẵn trong MANPADS các chip GPS, chỉ cho phép kích hoạt vũ khí với một mã số nhất định hoặc vô hiệu hóa tự động nhằm ngăn chặn lạm dụng của MANPADS trong tay bọn khủng bố.
Đó là một câu chuyện dài, do thời lượng, không bàn ở đây.
Trong các tầng tác chiến chống trả tập kích đường không, bảo vệ bộ binh, bảo vệ tên lửa chiến lược hay phòng thủ tầm gần cho tàu hải quân, MANPADS tuy nhỏ, gọn, nhưng luôn có vị trí xứng đáng với công năng đầy uy tín của nó.
Cuộc chạy đua nâng cấp, cải tiến MANPADS chưa dừng lại.