Tên lửa liên lục địa mới của Nga gây bất an cho Mỹ và NATO

Ngày 3-7, báo điện tử “Washington Free Beacon” của Mỹ đưa tin, việc quân đội Nga thử thành công tên lửa chiến lược tầm trung và hoàn thành xây dựng một hệ thống radar mới ở miền nam đã khiến các quan chức quân sự Mỹ quan ngại có thể gây nên một mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh NATO.

Hồi đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thử thành công nguyên mẫu của một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu đẩy rắn mới, dự kiến sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M và Yars trong tương lai.

Tuy nhiên các quan chức tình báo Mỹ lại cho rằng, tên lửa mà Nga gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa này thực chất là một loại tên lửa chiến lược tầm trung và cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước “Lực lượng hạt nhân tầm trung” do Mỹ và Liên Xô ký năm 1987.

"Cộng đồng tình báo tin rằng đó chính là một tên lửa tầm trung nhưng Nga đã miêu tả là một tên lửa đạn đạo liên lục địa bởi vì nó sẽ vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” trang web này dẫn một quan chức tình báo Mỹ cho biết.

Tên lửa này đã được phóng từ một bệ phóng di động tại bãi phóng thử Kapustin Yar thuộc khu vực Astrakhan và đã tiêu diệt được mục tiêu đã định tại bãi phóng thử Sary Shagan ở Kazakhstan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga

Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng, theo những đánh giá nội bộ, tên lửa mới mà Nga đã phóng thử hồi đầu tháng 6 là một tên lửa thuộc sự quản chế của Hiệp ước “Lực lượng hạt nhân tầm trung” có tầm bắn dưới 3.418 dặm (5.500 km), Washington Free Beacon đưa tin.

Ông Victor Yesin, cựu tư lệnh lực lượng Tên lửa chiến lược, hiện là cố vấn Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, cho biết tên lửa này "là một tên lửa đạn đạo liên lục địa lớp Topol, không chịu sự quy định của Hiệp ước “Lực lượng hạt nhân tầm trung” do tầm bắn của tên lửa xa hơn 5.500 km". Ông này cho biết thêm, Nga đã chính thức thông báo với Mỹ về loại tên lửa này vào tháng 8-2011.

Trong khi đó, Nga cũng chuẩn bị hoàn thành xây dựng trạm radar phòng thủ tên lửa Voronezh-DM có phạm vi giám sát tới 6000km ở gần Armavir, bên bờ Biển Đen. Radar này được thiết kế để phát hiện các tên lửa phóng từ Châu Âu và Iran.

Việc triển khai radar này diễn ra khi Nga đang nỗ lực tìm kiếm sự hạn chế mang tính pháp lý đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO tại Châu Âu được thiết kế để bảo vệ lục địa này và Mỹ chống lại tên lửa tầm xa của Iran.

Radar phòng thủ tên lửa Voronezh-DM có phạm vi giám sát tới 6000km tại trạm Armavir

Hôm 19-6, Tư lệnh lực lượng phòng thủ Không gian Nga, Đại tướng Oleg Ostapenko, cho biết trạm radar này đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để đưa vào trực chiến. “Chúng tôi có kế hoạch sẽ hoàn thành công việc xây dựng trạm radar này vào khoảng cuối năm nay”- ông nói.

Một quan chức quân sự Mỹ cho biết trạm radar Armavir, cùng với việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và các tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới, sẽ gây nên một mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh NATO.

Liên Xô và Mỹ đã ký hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào ngày 8-12-1987. Hiệp ước có hiệu lực từ tháng 6-1988 và không có thời hạn cụ thể.

Theo đó, hiệp ước này cấm sản xuất các tên lửa đạn đạo và hành trình mặt đất mang đầu đạn hạt nhân và thông thường có tầm bắn từ 300 đến 3.400 dặm (500 đến 5.500km). Theo quy định của hiệp ước, tính đến ngày 1-6-1991, tổng cộng 2.692 tên lửa loại này đã bị tiêu hủy (bao gồm 846 quả của Mỹ và 1.846 quả của Liên Xô).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại