Vào tháng 3 năm nay, Lan Yun, tổng biên tập tạp chí Modern Ships đã tiết lộ với các phương tiện truyền thông rằng chuyến hải trình đầu tiên của tàu sân bay Liêu Ninh dự kiến diễn ra trong 1-3 tháng và có thể sẽ ‘tới vùng biển gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản và thậm chí là đảo Guam của Mỹ’.
Tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào biên chế quân đội Trung Quốc cuối tháng 9/2012. Con tàu được Trung Quốc tân trang lại từ một vỏ tàu cũ của Ukraine do Liên Xô đang xây dựng dở dang.
Thông báo mới lần này về chuyến hải trình của tàu sân bay Liêu Ninh được đưa ra cùng lúc với một chuỗi các báo cáo về con tàu, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 64 của hải quân Trung Quốc vào thứ Ba tới (23/4).
Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: AFP
Tờ China Daily ca ngợi tàu sân bay là loại tàu “mang tới một sự thay đổi lớn cho tiềm lực quân đội của những nước sở hữu chúng”, lấy ví dụ điển hình là tàu sân bay HMS Argus của Hải quân Hoàng gia Anh được đưa vào sử dụng từ năm 1918.
Liu Zhigang, phó thuyền trưởng tàu sân bay Liêu Ninh ca ngợi rằng con tàu này có thể “giữ vai trò dẫn dắt cho sự chuyển đổi của Hải quân Trung Quốc, từ bảo vệ bờ biển cho tới những trách nhiệm cao cả hơn tại các đại dương”.
“Hải quân Trung Quốc cần đặt chân tới mọi nơi mà các quốc gia khác có thể tới để củng cố sự phát triển của đất nước. Hải quân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với lực lượng hải quân từ bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chúng tôi có thể tân trang một con tàu sân bay và khiến nó đủ khả năng tác chiến với tốc độ nhanh hơn rất nhiều các chuyên gia khác có thể dự đoán” - Liu Zhigang khẳng định.
Mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân viễn dương của Bắc Kinh để tăng cường quyền kiểm soát tại các vùng biển diễn ra trong lúc Trung Quốc đang có sự xâm phạm chủ quyền gay gắt với các nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc cũng đã bày tỏ lo lắng của mình trước chiến lược xoay trục của Mỹ hướng tới Châu Á. Bắc Kinh coi đây là mối đe dọa đối với sự phát triển của quốc gia.
Hôm Thứ Ba (16/4), đại diện phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhận định rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ tại Châu Á- Thái Bình Dương “không có lợi cho việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực”.
Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển ít nhất 2 chiếc tàu sân bay nội địa và trong tương lai sẽ tiến tới dự án xây dựng tàu sân bay hạt nhân. Hiện Trung Quốc là nước đứng đầu về chi tiêu quốc phòng tại châu Á. Năm 2012, nước này đã chi 166 tỷ đô la cho quốc phòng, tăng khoảng 7,8% so với năm ngoái và tăng 175% so với năm 2003.