Type 052D, J-15 không giúp Liêu Ninh mạnh hơn...
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các tàu khu trục Type 052D của PLAN có thể mang lại cho Liêu Ninh năng lực phòng không tốt hơn các tàu khu trục Ấn Độ trong đội tàu Vikramaditya.
Tuy nhiên, theo tạp chí Kanwa (trụ sở tại Canada), Ấn Độ đã đặt mua các hệ thống phòng không tiên tiến từ Israel cho các tàu khu trục của họ. Vì vậy, khả năng phòng thủ của chúng đã được cải thiện đáng kể.
Tiêm kích J-15 thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh
Bên cạnh đó, trong khi các chuyên gia Trung Quốc tin rằng tiêm kích hạm J-15 của nước này vượt trội các tiêm kích MiG-29 do Nga sản xuất thì theo Kanwa, J-15 vẫn đang trong quá trình phát triển.
Kanwa cho rằng, MiG-29 đã được sử dụng trong nhiều hoạt động trên không khác nhau, trong khi Trung Quốc thừa nhận rằng J-15 sẽ không đạt được khả năng hoạt động đầy đủ trước năm 2020.
MiG-29K trên tàu sân bay Vikramaditya
Thêm vào đó, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có khả năng vận hành J-31 (mẫu tiêm kích tàng hình thứ 2 đang trong giai đoạn phát triển) trên tàu sân bay hay không.
Kanwa cho biết, các tiêm kích J-15 vẫn đang trải qua các cuộc thử nghiệm vũ khí trên boong tàu Liêu Ninh, bao gồm khả năng phóng tên lửa không đối không tầm trung PL-12, tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8B và tên lửa chống hạm YJ-83.
Một số báo cáo chưa được xác nhận còn cho biết Trung Quốc đang thử nghiệm phiên bản tác chiến điện tử và phiên bản tiếp liệu trên không của J-15.
Theo Kanwa, có vẻ lạc quan khi nói rằng Trung Quốc sẽ sản xuất tổng cộng 35 tiêm kích J-15 vào năm 2015 như nhiều chuyên gia Trung Quốc từng tuyên bố.
Tàu sân bay INS Vikramaditya
Kanwa nhận định, do Liêu Ninh và Vikramaditya đều không sử dụng máy phóng nên cả 2 con tàu chỉ có thể lựa chọn một loại máy bay cảnh báo sớm duy nhất là trực thăng Ka-31 do Nga chế tạo.
Thậm chí nếu Ấn Độ có thể thuyết phục Mỹ bán cho mình máy bay cảnh báo sớm E-2D, loại máy bay này cũng chỉ có thể được vận hành từ một căn cứ trên đất liền.
Cũng theo Kanwa, nếu các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc được trang bị boong phóng kiểu nhảy cầu, chúng không có gì khác biệt với tàu sân bay Liêu Ninh.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao từ nhà máy đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải (nơi được cho là đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên, gọi là Type 001A của Trung Quốc) tuyên bố rằng:
Tàu sân bay Type 001A sẽ vượt trội cả tàu sân bay Vikramaditya Ấn Độ và các tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.
... dù INS Vikramaditya nhiều lần gặp trục trặc
Tàu sân bay INS Vikramaditya được nâng cấp từ tàu tuần dương hạng nặng mang trực thăng thuộc đề án 11434 Admiral Goshkov.
Hợp đồng mua lại và đại tu tàu INS Vikramaditya được Ấn Độ ký kết với Nga vào năm 2004, ban đầu dự kiến có chi phí 974 triệu USD với thời hạn bàn giao vào năm 2008.
Tuy nhiên, chi phí hiện đại hóa con tàu sau đó đã tăng lên mức 2,3 tỷ USD, trong khi thời hạn bàn giao cũng liên tục bị lùi lại cho tới tháng 11/2013 do nhiều lần trì hoãn vì trục trặc.
Lá cờ của Hải quân Ấn Độ tung bay trên tàu sân bay INS Vikramaditya trong buổi lễ bàn giao ngày 16/11/2013.
Tháng 9/2012, trong thời gian chạy thử trên biển Barents, khi cơ động ở tốc độ cao nhất, 7 trong số 8 nồi hơi trên tàu sân bay Vikramaditya gặp trục trặc.
Sự cố này đã làm chiếc tàu giảm tốc đột ngột và chỉ có thể di chuyển với tốc độ 23 hải lý/giờ.
Nguyên nhân của sự cố được xác định là do gạch chịu nhiệt làm từ vật liệu mới đã không chịu nổi nhiệt độ cao, bị biến dạng gây nổ đường ống dẫn hơi nước chính của tàu.
Cuối tháng 9/2012, giám đốc Tập đoàn đóng tàu thống nhất Nga, Andrey Dyachkov, cho biết trong thời gian thử nghiệm, hệ thống làm lạnh và máy điều chế nitrogen trên tàu Vikramaditya cũng gặp trục trặc.
Tháng 12/2013, sau khi tàu Vikramaditya được bàn giao cho Ấn Độ, một nguồn tin từ cổng thông tin điện tử hải quân Ấn Độ cho biết:
Nồi hơi số 6 trên tàu sân bay INS Vikramaditya đã gặp sự cố vào đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6 tháng 12 khi tàu đang trên đường rời khỏi cảng Murmansk để về Ấn Độ.
Tàu sân bay Liêu Ninh được cho là đã gặp sự cố nổ nồi hơi vào tháng 10 năm nay, mặc dù sau đó Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Tàu sân bay Liêu Ninh cũng được cho là đã gặp sự cố và tê liệt trên biển do nổ nồi hơi vào tháng 10 năm nay.
Theo trang mạng War is Boring, tàu sân bay Liêu Ninh “đã bị nổ nồi hơi khiến hệ thống cung cấp điện của tàu bị ngưng tạm thời”.
Tuy nhiên, sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Trước đó, theo các thông tin được Trung Quốc công khai, Liêu Ninh chưa từng xảy ra sự cố.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định rằng, đó có thể là do con tàu này chỉ hoạt động ở phạm vi hẹp, chưa bao giờ đi xa khỏi các căn cứ lớn ven bờ, nơi có khả năng sửa chữa khẩn cấp.