Hôm 1/1 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã công bố những hình ảnh đầu tiên về tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu hộ vệ rời khỏi Biển Đông, trở về cảng nhà Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông sau đợt thử nghiệm đầu tiên.
Chỉ vài ngày sau, Hải quân Ấn Độ cũng tung ra hình ảnh đội tàu hạm đội miền Tây tham gia hộ tống tàu sân bay INS Vikramaditya trên đường về nước.
Hai hình ảnh xuất hiện gần thời điểm đã làm xuất hiện nhiều luồng ý kiến so sánh và bình luận. Trong đó, phần lớn ý kiến cho rằng Ấn Độ dường như đang "đáp trả" việc Trung Quốc khoe mẽ sức mạnh nhóm tàu sân bay Liêu Ninh.
Đội hình hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh
Xét về mức độ "hoành tráng" của mỗi bên, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm 3 tàu khu trục (2 tàu khu trục Type 051C, 1 tàu khu trục Type 052C), 3 khinh hạm Type 054A, 1 tàu đổ bộ Type 071, 3 tàu ngầm cùng 8 máy bay.
Trong khi đó, nhóm hộ tống tàu sân bay INS Vikramaditya sau khi đến vùng biển Ả Rập đã được đội tàu chiến thuộc hạm đội miền Tây hộ tống. Tổng cộng, đội tàu hộ tống tàu sân bay INS Vikramaditya bao gồm tàu sân bay INS Viraat, 3 tàu khu trục lớp Delhi, 1 tàu khinh hạm lớp Talwar, 3 tàu khinh hạm lớp Trishul, 1 tàu khinh hạm lớp Godavari, tàu tiếp dầu INS Deepak cùng nhiều tàu tuần tra.
Đội hình hộ tống tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ
Giới quân sự phương Tây đánh giá, biên đội hộ tống tàu sân bay Ấn Độ ấn tượng hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo chuyên gia quân sự David Cenciotti từng cộng tác với tạp chí The Aviationist, nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc thiếu đi một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là tàu tiếp dầu. Điều này chỉ cho thấy hải quân Trung Quốc vẫn còn gặp hạn chế ở khâu hậu cần và khả năng vươn xa chưa thể hoàn thiện, trong khi đó hải quân Ấn Độ đã có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay hoạt động xa bờ.
Bên cạnh đó, mặc dù các tàu hộ tống đi theo đều đóng vai trò nòng cốt trong cụm tàu sân bay Liêu Ninh nhưng giới phân tích khẳng định các tàu hộ tống trên không đủ sức bảo vệ Liêu Ninh.