Vụ tàu Mistral: "Tướng Đờ Gôn hẳn phải giận 'sôi máu' dưới mồ"

Vy Lam |

Đó là bình luận của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khi nói về việc Pháp từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga do nhượng bộ các đồng minh NATO.

Theo hãng tin RT (Nga), trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia 24, ông Rogozin cho rằng việc Pháp từ chối chuyển giao tàu đổ bộ Mistral cho Nga không thể coi là bất khả kháng.

Trên thực tế, nó cho thấy sự yếu kém về địa - chính trị của quốc gia này.

Ông Rogozin nói:

Không một ai phía Nga chấp nhận những lời giải thích như có một số điều kiện chưa đủ chín muồi để giao tàu.

Chúng tôi không coi đây là trường hợp bất khả kháng như mô tả trong hợp đồng, nó đơn thuần cho thấy sự yếu kém về địa - chính trị của Pháp.

Nước Pháp đang nhượng bộ trước những áp lực từ phía các đồng minh NATO. Tôi nghĩ giờ này tướng De Gaulle (Đờ Gôn) hẳn phải đang giận 'sôi máu' dưới mồ.

Ông Rogozin cho rằng việc Pháp từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga cho thấy sự yếu kém về địa - chính trị của Pháp

Ông Rogozin cho rằng việc Pháp từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga cho thấy sự yếu kém về địa - chính trị của Pháp

Cũng theo ông Rogozin, việc các công ty đóng tàu của Pháp không thể thực hiện những nghĩa vụ quy định trong hợp đồng có thể sớm dẫn đến việc kiện tụng.

Ông Rogozin cho biết:

Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận 2 con tàu này. Tuy nhiên, trong trường hợp có gì thay đổi, các luật sư của chúng tôi sẽ vào cuộc.

Chúng tôi sẽ yêu cầu hoặc giao tàu hoặc trả tiền bồi thường đầy đủ. Đây không phải là vấn đề về danh tiếng nước Nga, mà là danh tiếng của nước Pháp.

Ông Rogozin cũng khẳng định rằng Pháp không thể bán 2 tàu Mistral cho nước thứ 3: "Đơn giản là về mặt luật pháp thì không thể".

French Mistral Carrier For Russia

Tàu Vladivostok tại nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire (Pháp) hồi tháng 9/2014. Ảnh: Reuters

Hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro đóng 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral được ký kết giữa Nga và Pháp năm 2011.

Chiếc tàu đầu tiên mang tên Vladivostok được hạ thủy năm 2013 và chiếc thứ 2 mang tên Sevastopol dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2015.

Khi Vladivostok tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển, Pháp đã đình chỉ việc chuyển giao con tàu này.

Lý do Pháp đưa ra là tình hình quốc tế phức tạp, cũng như những biện pháp trừng phạt mà Phương Tây áp đặt lên Nga sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

Russian Warships Dispute

Các thủy thủ Nga lên tàu Smolny để về nước hôm 18/12. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, các phương tiện truyền thông đưa tin 400 thủy thủ được đào tạo để vận hành tàu Vladivostok đã rời Pháp về nước.

Mặc dù theo lý do được công bố, các thủy thủ về Nga là để đón năm mới cùng gia đình, nhưng vẫn có một số nguồn tin suy đoán rằng các thủy thủ Nga về nước là bởi nhận thức được rằng, Pháp sẽ không bao giờ chuyển giao tàu.

Đầu tuần này, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov khẳng định nền quốc phòng của Nga không hề bị tổn hại nếu không có các tàu Mistral.

"Chúng tôi chấp nhận mọi phương án - hoặc tàu, hoặc tiền. Tôi có thể nói thật rằng, thiếu Mistral, nền quốc phòng của chúng tôi không hề bị tổn hại" - ông Ivanov nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại