Tôi sẽ không đăng ký sở hữu trí tuệ
Trao đổi với doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (53 tuổi, Thái Bình), người tự đóng tàu ngầm mini Trường Sa vào tối ngày 11/11, về việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho tàu ngầm Trường Sa nếu thành công, ông vui vẻ cho biết:
“Hiện tôi chưa nghĩ đến việc này. Và có lẽ tôi sẽ không đăng ký sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, tôi không làm vì mục đích kinh doanh, công việc chính của tôi là chế tạo máy, chi tiết máy, nếu tôi sản xuất ra một chiếc máy mới để phục vụ kinh tế cho công ty, chắc chắn tôi sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ. Còn chiếc tàu ngầm này chỉ mang mục đích khoa học, khám phá và là sở thích của riêng tôi, tôi không sản xuất tàu ngầm để bán hàng loạt.
Nếu như có người sản xuất nhiều tàu ngầm hơn từ sáng chế của tôi, để phục vụ mục đích kinh doanh cũng được, tôi sẵn lòng hoan nghênh và chỉ nhận mình là người đặt nền móng”.
Mọi thứ đã sẵn sàng cho tàu ngầm xuống nước
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết ngày 12/11, ông sẽ thử nghiệm hệ thống AIP lần cuối cùng, trước khi lắp ráp vào tàu ngầm để thử nghiệm trong bể nước.
Ông Hòa khẳng định: “Hệ thống AIP của người Việt Nam đã hoàn thành, những cuộc thử nghiệm này chỉ mang tính chất kiểm tra. Tôi rất hiểu hệ thống này dễ cháy nổ, do đó tôi phải thử nghiệm rất rất nhiều lần, mỗi lần cháy, nổ tôi đều biết được cái ngưỡng của nó và tính toán những công thức khác cho an toàn hơn. Nguyên liệu để hoạt động AIP của tôi là Oxy lỏng.”
Hiện tại, ông Hòa không cung cấp thêm hình ảnh về hệ thống AIP của mình cũng như về chiếc tàu ngầm. Ông cho biết muốn giữ bí mật cho đến khi chiếc tàu ngầm thử nghiệm thành công trong bể chứa, lúc đó sẽ công bố cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, ông cũng bật mí từ hình ảnh hệ thống này được đăng tải trên báo chí cuối tháng 10, hệ thống hiện tại của ông đã được cải tiến nhỏ gọn hơn cho phù hợp với không gian của boong tàu và bổ xung thêm một số chi tiết.
Về người sẽ lái thử nghiệm chiếc tàu ngầm Trường Sa trong bể chứa, ông Hòa cho biết mình sẽ là người trực tiếp lái thử nghiệm. “Vì tàu có thể chứa được hai người nên tôi đang cân nhắc sẽ để một vài ông bạn già nhiệt tình với tôi lái cùng” – doanh nhân Quốc Hòa vui vẻ chia sẻ.
Về tính năng của con tàu, ông dự tính Trường Sa sẽ có thể hoạt động một ngày một đêm nếu giữ nguyên trọng tải ban đầu. Độ sâu mà con tàu có thể lặn tối thiểu là 25m, tối đa là 50m, nhưng cần phải thử nghiệm cụ thể.
Còn về tốc độ của tàu, hiện tại sau khi lắp thêm nhiều trang thiết bị vào tàu, ông cho biết chưa thể tính được tốc độ cụ thể, nếu thành công và thử nghiệm dưới sông, biển, lúc đó sẽ có được tốc độ của tàu ngầm.
Với chiếc bể mà ông Hòa thử nghiệm, ông chia sẻ với thể tích này, ông chỉ có thể thử nghiệm việc vận hành AIP, vận hành động cơ trong không gian ngập nước, ngoài ra các yếu tố khác không thể thử nghiệm được.
Mục đích thực sự của tàu ngầm Trường Sa
Theo chia sẻ của ông Hòa ngày 8/11, lần đầu tiên ông có suy nghĩ việc chế tạo chiếc tàu ngầm mini có hệ thống tuần hoàn khí độc lập bắt đầu từ khi có thông tin Việt Nam ký hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636 của Nga với giá trị gần 2 tỷ USD.
Là một người đam mê khoa học, công nghệ, lại có tay nghề cùng với nhân lực, vật lực, ông Hòa quyết định thử đóng một chiếc tàu ngầm.
Đến khi càng gần đến ngày thành công, doanh nhân quê lúa Thái Bình mới đủ tự tin nghĩ đến những ước mơ xa hơn. Ông chia sẻ: “Vì sao tôi đặt tên là Trường Sa? Tôi đã nghĩ đến những mục đích xa hơn. Nếu tôi thành công, biết đâu các cơ quan quốc phòng sẽ nghiên cứu chế tạo ra những chiếc tàu ngầm hiện đại hơn. Của tôi chỉ phục vụ mục đích cá nhân, nếu hơn được thì là dân sự, kinh tế. Nhưng với quân đội, “Trường Sa” của họ biết đâu có thể mang theo cả vũ khí, radar.”
“Việt Nam từ trước đến nay luôn có những phát minh chẳng ai ngờ. Tuổi của tôi có trải qua chiến tranh, xét về góc độ khoa học, ông cha ta còn lạc hậu, còn thiếu thốn thông tin, kiến thức hơn chúng ta mà còn chế tạo được súng chống tăng, cải tiến tên lửa Nga để bắn rơi B-52 của Mỹ. Thì ngày nay, chẳng có lý gì ta không thể làm được tàu ngầm siêu nhỏ để phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ chủ quyền.”
Về cách thức hoạt động dưới nước của tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ: “Tôi thiết kế cho tàu của tôi có khả năng nằm dưới đáy sông, đáy biển (nhưng chỉ ở vùng nước nông cửa biển). Nếu các cơ quan hải quân sáng chế ra loại tàu ngầm hiện đại hơn, chịu được sức ép tốt hơn thì với tính năng đó, tàu ngầm mini sẽ chỉ như một viên đá dưới đáy biển. Trong việc phục kích, đánh úp, hay phối hợp với đặc công nước, tôi nghĩ rằng điều đó khả thi”.