Tàu ngầm "made in Vietnam": Đừng thổi phồng, hãy ra biển lớn!

KS đóng tàu Nguyễn Thái Bình, Hội KHKT Biển TP HCM cho rằng, tác giả mới chỉ ngâm tàu xuống nước mà đã nói thử thành công là thế nào. Phải ra sông và đi được.

Chiếc tàu ngầm mini có tên Trường Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa, 56 tuổi, giám đốc một công ty cơ khí ở Thái Bình thiết kế, chế tạo đã hoàn thiện và qua bước lặn thử nghiệm trong bể thành công. Tuy nhiên lúc này có nhiều ý kiến trái chiều về thành công của tác giả.

Ra biển khởi động máy và lặn 1 giờ thì hãy bàn tiếp

Theo thuyết trình của nhóm thiết kế, tàu ngầm mini tên Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt động 800 km. Tàu có thể lặn sâu 50 m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp.

Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP – tức là tàu ngầm sẽ lặng lẽ hoạt động ngay trước “mũi” đối phương mà không bị lộ. Tàu có thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán 40 hải lý/h.

Ông Hòa cho rằng hiện giờ chiếc tàu ngầm do ông chế tạo đã có thể lặn nổi, giữ cân bằng trong bể nước. "Cuối cùng thì tàu ngầm Trường Sa mini có thể giữ cân bằng và nổi lên, lặn xuống trong bể nước", doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết. "Bây giờ con tàu đã sẵn sàng chạy thử ở bất cứ đâu", ông Hòa tự tin khẳng định.

Ông cho biết, sắp tới ông sẽ tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện tàu trơn tru cả về kỹ thuật lẫn hình thức bên ngoài. "Thử nghiệm trong bể rất khác so với khi vào thực tế, vì vậy, tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rồi mang ra biển chạy thử", ông Hòa cho hay.

KS đóng tàu Nguyễn Thái Bình, Hội KHKT Biển TP HCM cho rằng, tác giả mới chỉ ngâm tàu xuống nước mà đã nói thử thành công là thế nào. Phải ra sông và đi được.

Tuy nhiên, KS Bình cho rằng hệ thống khí tuần hoàn AIP rất phức tạp. “Bây giờ ông Hòa cứ cho tàu thử chạy 100m dưới nước. Ông Hòa cho rằng tàu lặn được 15 giờ thì chỉ cần lặn trong nước được 1 giờ thì mới nên bàn tiếp”, KS Bình nói.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cũng cho rằng: trong khoa học thiết kế một con tàu đã là phức tạp, thiết kế một chiếc tàu ngầm còn phức tạp hơn rất nhiều. Để con tàu này đưa vào sử dụng được vẫn còn nhiều việc và đây cũng là một bước dài”, ông Vinh nói.

Nên coi đây là một thí nghiệm

Ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của sản phẩm nghiên cứu cho biết, chiếc tàu ngầm mini không làm rập khuôn theo bất kỳ hình dáng chiếc tàu nào trên thế giới mà học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau.

Đặc biệt, con tàu này chạy bằng không khí tuần hoàn độc lập từng được áp dụng cho tàu ngầm lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản, con tàu ngầm mini của nhóm ông Hòa sẽ hoạt động lâu hơn nhiều. "Tàu có thể lặn vài ngày, thậm chí là hàng tuần mới phải nổi lên mặt nước. Tất nhiên, tàu ngầm thông thường không thể so với tàu ngầm hạt nhân được", ông Hòa nói.

Hiện các tàu ngầm đang được trang bị động cơ AIP trên thế giới cũng chỉ có tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp; Type-209/212/214 của Đức; tàu ngầm lớp Lada, Amur của Nga, tàu ngầm lớp Asashio, Soryu của Nhật Bản; tàu ngầm lớp Gotland, Södermanland, Archer của Thụy Điển; tàu ngầm S-80 của Tây Ban Nha; tàu ngầm lớp Type-041 lớp Nguyên (Yuan) của Trung Quốc.

Vì thế, việc nhóm ông Hòa sử dụng công nghệ AIP khiến nhiều người nghi ngờ cũng là có cơ sở.

KS Bình lo ngại: “Khi ngâm xuống nước cho nổ máy là có vấn đề ngay lập tức vì hệ AIP là không an toàn. Nếu chạy một lúc thử AIP ngại dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó thấy ông Hòa quay phim, chụp ảnh mặc comple chui xuống hầm, trong khoang chỉ 1 người mà xoáy trái, phải không nổi, rất ngại”, KS Bình lo ngại.

Còn ông Hòa thì cho rằng: “Hiện hệ thống khí tuần hoàn AIP vận hành tốt, điều này cho thấy tàu ngầm đã thử nghiệm thành công".

Dù cho rằng, kết quả ông Hòa làm được con tàu ngầm chỉ nên xem là một thí nghiệm thành công, song KS Bình rất hoan nghênh và xem đây là một hình ảnh dám nghĩ dám làm.

“Nếu một tư nhân dám bỏ tiền ra làm thì nên hoan nghênh nhưng nên nghe những nhà khoa học thật sự để làm từ đầu thì sẽ tốt hơn. Phải hiểu tàu ngầm là gì, AIP là gì chứ không đơn giản là việc đọc và lắp ghép con tàu”, KS Bình nói.

Theo ông Bình, tàu ngầm tự chế nhiều người trên các nước cũng làm nhưng chỉ là để chơi. Họ từng làm được tàu để chạy được 100m hay 200m thì nhiều người không phải là khoa học cũng làm thành công.

“Quan trọng là làm để trở thành thương mại dùng được, để chiến đấu được lại là chuyện khác. Cái này phải hiểu rõ. Làm tàu ngầm không phải là quá khó nhưng làm để làm gì lại là chuyện khác. Chúng ta không nên thổi phồng và xem đây là chuyện lạ”, KS Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Vinh cũng chia sẻ: “Ở góc độ chuyên môn về mặt khoa học, đây là một sáng tạo đáng ghi nhận”.

Dù vậy giới chuyên môn cho rằng: “Đây là một thí nghiệm tiện đâu làm đó chưa có tính toán khoa học. Do vậy chỉ nên xem là một thí nghiệm thành công thôi!”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại