Tàu khu trục Mỹ từng suýt bị tên lửa Iraq đánh chìm

Minh Đức |

(Soha.vn) - Đây là sự kiện tàu chiến Hải quân Mỹ đầu tiên và duy nhất đến nay bị tấn công bởi tên lửa chống hạm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hải quân Mỹ gần như thống trị mọi đại dương. Họ tung hoành khắp nơi trên thế giới và luôn sẵn sàng nhúng tay vào bất kỳ khu vực nào cảm thấy “không ưa”.

Trung Đông được xem là khu vực mà Mỹ can thiệp nhiều nhất, từ thập niên 80 trở lại đây, Mỹ đã thực hiện ít nhất 4 cuộc chiến lớn tại Trung Đông. Với sức mạnh tuyệt đối của mình, Hải quân Mỹ gần như trở thành “kẻ bất khả chiến bại” trên chiến trường.

Tuy nhiên, họ cũng đã từng phải nếm đòn tấn công thê thảm được xem là thiệt hại lớn nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Trước khi bị Mỹ đánh bại vào năm 2003, Không quân Iraq đã từng giáng cho Hải quân Mỹ một đòn chí mạng.

Tàu khu trục USS-Stark nghiêng hẳn về một bên sau khi hứng chịu đợt tấn công của 2 tên lửa chống hạm Exocet phóng từ máy bay Iraq.
Tàu khu trục USS-Stark nghiêng hẳn về một bên sau khi hứng chịu đợt tấn công của 2 tên lửa chống hạm Exocet phóng từ máy bay Iraq.

Trong thời gian diễn ra chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, lúc đó, Hải quân Mỹ hoạt động với vai trò hỗ trợ cho Iraq trong cuộc chiến này. Ban đầu sự có mặt của Hải quân Mỹ chỉ với vai trò quan sát, sau khi thấy Iran giành được lợi thế trên chiến trường, Mỹ quay sang ủng hộ cho Iraq.

Vào thời điểm đó, tàu khu trục USS-Stark là một phần trong lực lượng của Hải quân Mỹ được triển khai tới Trung Đông giai đoạn 1984-1987. Đây là một tàu khu trục nhỏ lớp Oliver Hazard Perry được chỉ huy bởi thuyền trưởng Glenn R. Brindel.

Ngày 17/05/1987 đã trở thành một ngày định mệnh đối với con tàu này cũng như với Hải quân Mỹ, nó đã bị tấn công bằng tên lửa chống hạm Exocet phóng từ máy bay của Không quân Iraq. Vụ tấn công đã làm 37 thủy thủ thiệt mạng cùng 21 người khác bị thương.

Khoảng 20h ngày 17/05/1987, một chiếc máy bay Mirage-F1 của Không quân Iraq mang theo 2 tên lửa chống hạm Exocet của Pháp cất cánh từ sân bay Shaibah hướng về phía nam vào vịnh Ba Tư. Chiếc Mirage-F1 bay ở độ cao 1,5km cách mặt nước biển với vận tốc khoảng 880km/h.

Khi đó, một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không AWACS đang tuần tra trong khu vực đã cảnh báo cho tàu USS-Stark về sự xuất hiện của máy bay Iraq. Lúc đó, thuyền trưởng Glenn R. Brindel đã không báo động cho thủy thủ đoàn sẵn sàng chiến đấu mà ông ra lệnh cho sĩ quan thông tin gửi một tín hiệu liên lạc bằng radio đến máy bay Iraq.

Cấu trúc thượng tầng và phần mạn trái của tàu bị hư hỏng rất nặng. Nếu tên lửa đầu tiên cũng phát nổ như tên lửa thứ 2 chắc con tàu này đã
Cấu trúc thượng tầng và phần mạn trái của tàu bị hư hỏng rất nặng. Nếu tên lửa đầu tiên cũng phát nổ như tên lửa thứ 2 chắc con tàu này đã "đi gặp Long vương"

Tin nhắn có nội dung “Gửi máy báy không xác định, đây là tàu chiến Hải quân Mỹ cách 12 dặm so với vị trí 078 của bạn, yêu cầu xác minh” tín hiệu đầu tiên không được trả lời, một tín hiệu tương tự cũng được gửi đi nhưng không thấy đáp trả.

Đến lúc 10h10 phút, thuyền trưởng Glenn R. Brindel nhận được thông báo khẩn là tàu chiến của mình đã bị khóa vào radar điều khiển hỏa lực Cyrano IV trên chiếc F1. Chiếc máy bay của Iraq đã phóng tên lửa Exocet đầu tiên cách tàu 32 km, tên lửa thứ 2 được phóng đi cách tàu 24km.

Chiếc F1 chao cánh và bắt đầu thoát đi, radar trên tàu khu trục Stark đã hoàn toàn thất bại trọng việc phát hiện và gây nhiễu tên lửa cho đến khi chỉ còn vài giây trước khi tên lửa lao vào tàu. Tên lửa Exocet đầu tiên đã lao vào cấu trúc thượng tầng của tàu cách mặt nước khoảng 10 mét.

Tên lửa không phát nổ nhưng lượng nhiên liệu còn lại của tên lửa đã gây ra một đám cháy lớn lan rộng đến phòng thông tin, nhà kho và trung tâm hoạt động chiến đấu. Tên lửa thứ 2 đã lao vào mạn trái và phát nổ gây ra một lỗ thủng lớn có kích thước 4,5 mét.

Quá bất ngờ bởi vụ tấn công, thuyền trưởng Glenn R. Brindel đã không đủ bình tĩnh để ra lệnh cho hệ thống phòng không với các tên lửa SM-2 trên tàu bắn trả. Chiếc máy bay AWACS vẫn đang hoạt động trong khu vực và nó đã báo động về sở chỉ huy ở Arab Saudi về vụ tấn công và yêu cầu điều động máy bay đánh chặn.

May mắn là con tàu này vẫn lết về được Bahrain trước khi được đưa sang Mỹ để sửa chữa. Đây là tàu chiến duy nhất của Hải quân Mỹ bị tấn công bởi tên lửa chống hạm từ sau thế chiến thứ 2.

May mắn là con tàu này vẫn lết về được Bahrain trước khi được đưa sang Mỹ để sửa chữa. Đây là tàu chiến duy nhất của Hải quân Mỹ bị tấn công bởi tên lửa chống hạm từ sau Thế chiến thứ 2.

Tuy nhiên, kiểm soát không lưu mặt đất lúc đó đã không đủ thẩm quyền để ra lệnh cho máy bay cất cánh, chiếc Mirage-F1 đã dễ dàng thoát đi mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Kết quả của cuộc tấn công thảm khốc này là 29 thủy thủ hy sinh ngay trong vụ nổ và hỏa hoạn đầu tiên, 8 người khác đã thiệt mạng bởi các vết thương quá nặng, 21 người khác bị thương ở nhiều mức độ khác nhau.

Trong số 37 người thiệt mạng, có 2 người mất tích trên biển. Trong suốt thời gian còn lại của đêm hôm đó và ngày hôm sau, các thủy thủ đã phải chiến đấu với ngọn lửa trong gần 24 giờ đồng hồ. Thuyền trưởng Glenn R. Brindel đã ra lệnh cho các thủy thủ di chuyển hàng hóa và đồ đạc sang bên mạn phải để phần bị thủng bên mạn trái cao hơn mặt nước.

Tàu khu trục USS-Waddell đang hoạt động gần đó đã nhận được tín hiệu cấp cứu và nhanh chóng tiến đến hỗ trợ. Khi tàu Waddell đến thì ngọn lửa trên tàu đã được kiểm soát, các thủy thủ đã giữ cho tàu không bị chìm và may mắn là phòng máy vẫn hoạt động nên tàu đã tự tiến về Bahrain dưới sự hộ tống của tàu Waddell.

Sau đó, con tàu đã được đưa đến sửa chữa tại nhà máy đóng tàu Ingalls Shipbuilding, Mississippi, chi phí sửa chữa hết 142 triệu USD. Tàu US-Stark được đưa trở lại hoạt động vào đầu những năm 1990, con tàu ngưng hoạt động vào năm 1999 và được cho là đã bị tháo dỡ vào năm 2006.

Lý do tàu khu trục USS-Stark bị tấn công đến nay vẫn không thực sự rõ ràng, lúc đó con tàu đang ở cách đường hải phận Iraq 32km. Trong khi đó, phía Iraq cho rằng tàu khu trục của Mỹ đã xâm nhập hải phận của họ. Còn Tổng thống Iraq lúc đó là Saddam Hussein cho rằng phi công của họ đã nhầm tàu USS-Stark của Mỹ với tàu hàng của Iran.

Phía Mỹ lại cho rằng, phi công của Iraq đã không làm theo mệnh lệnh từ Chính phủ nhưng sau đó lại thực hiện vụ tấn công nên cần phải bị trừng phạt. Điều này đã gây nên sự tranh cãi giữa 2 nước và nguồn tin Không quân Iraq cho biết viên phi công trên sau đó đã không phải chịu bất cứ án phạt nào.

Trong khi đó, các cuộc điều tra sau vụ tấn công cho thấy, quá trình đào đạo và vận hành chiến đấu trên tàu khu trục USS-Stark cũng như một số tàu chiến của Mỹ lúc đó quá lỏng lẻo. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx vẫn ở trong chế độ chờ, trong khi nó đã được cảnh báo từ trước. Tệ hơn là hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa tên lửa chống hạm Mark 36 SRBOC trên tàu “không mang theo đồ chơi” cho dù nó đang hoạt động trong khu vực có chiến sự.

Đây là sự kiện tàu chiến Hải quân Mỹ đầu tiên và duy nhất đến nay bị tấn công bởi tên lửa chống hạm kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, là tổn thất lớn nhất của Hải quân Mỹ trong giai đoạn này. Vụ tấn công đã cho thấy sự nguy hiểm của tên lửa chống hạm đối với tàu chiến.

Không biết đó có phải là một phần trong các lý do khiến Mỹ tiến hành can thiệp quân sự lật đổ chế độ ông Saddam Hunsein vào năm 2003 hay không. Nhưng vụ tấn công đã thực sự giáng cho Hải quân Mỹ một đòn chí mạng.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại