Thông tin Nga vừa bí mật đưa tàu ngầm hạt nhân, mà Moscow gọi là tàu lặn, khảo sát Bắc cực khiến dư luận càng trở nên quan tâm khu vực này, vốn đang tồn tại nhiều tranh chấp chủ quyền.
Hơn thế nữa, Bắc cực rất giàu tài nguyên nên càng có ý nghĩa trong bối cảnh năng lượng trở thành bài toán hóc búa cho nhiều quốc gia.
Xe quân sự Canada trong cuộc tập trận Arctic Ram - Ảnh: Canada DOD
Hơn nửa thế kỷ trước, Mỹ đã bắt đầu hiện diện quân sự tại đây. Ngày 3.8.1958, tàu ngầm hạt nhân USS Nautilus trở thành tàu ngầm đầu tiên đi qua Bắc cực, theo tờ The New York Times.
Một năm sau, chiếc USS Skate, một tàu ngầm hạt nhân khác của Mỹ, trở thành tàu ngầm đầu tiên thế giới trồi lên khỏi lớp băng cực dày trên Bắc cực.
Từ đó, Washington tự hào rằng có thể đủ sức triển khai tàu ngầm chiến lược để hoạt động đầy đủ tại khu vực vô cùng khắc nghiệt này.
Ngoài ra, Mỹ còn có lợi thế nhờ vào vùng Alaska, nơi đồn trú nhiều căn cứ quân sự và nằm sát cạnh Bắc cực.
Vì thế, Mỹ thừa khả năng triển khai khẩn cấp các chiến dịch quân sự đến vùng băng tuyết này ngay khi cần. Hiện tại, Washington chưa chính thức phân bổ một lực lượng chuyên trách Bắc cực.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ (NORTHCOM) chịu trách nhiệm bao phủ đến Alaska và các vùng nước trong vòng 500 hải lý (hơn 900 km) tính từ bang này, đủ sức vươn đến Bắc cực.
Bên cạnh đó, theo tạp chí Jane’s Defense Weekly (JDW), một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp cũng sẵn sàng hoạt động tại Bắc cực dưới sự phối hợp của NORTHCOM và Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ.
Canada tích cực
Lâu nay, Canada cùng với Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Nga là các nước tuyên bố chủ quyền đối với Bắc cực. Suốt nhiều thập niên qua, Ottawa liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây.
Hồi tháng 2, Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 1 của Canada tiến hành cuộc tập trận Arctic Ram tại khu vực băng tuyết Yellowknife, phía bắc nước này, nhằm tăng cường năng lực hoạt động quân sự ở Bắc cực.
Ngoài ra, Ottawa đang đẩy mạnh trang bị khí tài cho các lực lượng phụ trách hoạt động tại đây. Cũng hồi tháng 2, Canada ký hợp đồng trang bị 8 tàu tuần tra trị giá gần 3 tỉ USD để hoạt động xa bờ và Bắc cực.
Ngoài ra, Ottawa còn chi khoảng 700 triệu USD để đóng tàu phá băng CCGS John G.Diefenbaker. Theo JDW, đây là tàu phá băng lớn nhất từ trước đến nay mà Canada sở hữu.
Tàu này có thể mang theo 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky CH-148 Cyclone tích hợp ngư lôi, bom và súng máy.
Hồi tháng 5, Canada xúc tiến kế hoạch bổ sung máy bay do thám không người lái và máy bay có người lái được trang bị thiết bị cảm biến tối tân để tổ chức trinh sát tại Bắc cực.
Mặt khác, nhiều máy bay vận tải quân sự hạng nặng cũng được triển khai tại Yellowknife và một số vùng lân cận để sẵn sàng đưa binh sĩ, khí tài đến Bắc cực.
Các nước khác không ngồi yên
Đan Mạch và Na Uy cũng không bỏ quên việc tăng cường khả năng hoạt động quân sự tại Bắc cực, theo JDW.
Trong kế hoạch quốc phòng từ năm 2012 - 2014 và Chiến lược hỗn hợp Bắc cực 10 năm, Đan Mạch đưa ra chính sách tái cấu trúc khả năng phối hợp giữa các lực lượng để đẩy mạnh năng lực bao phủ Bắc cực.
Gần đây, nước này biên chế 2 chiến hạm hiện đại, có thể mang theo trực thăng vũ trang để tuần tra vùng đất băng giá trên.
Ngoài ra, Đan Mạch còn phát triển cơ sở hạ tầng, hậu cần quân sự cùng máy bay vận tải, máy bay do thám tại Greenland nằm sát Bắc cực.
Trong đó, các phi đội chiến đấu cơ F-16 và trực thăng đa nhiệm EH-101 dự kiến sẽ được triển khai đến Greenland.
Tương tự, Na Uy cũng xem Bắc cực là một ưu tiên trong chính sách quốc phòng. Vừa qua, nước này trang bị 6 tàu hộ tống mới thuộc lớp Fridtjof Nansen có độ choán nước hơn 5.000 tấn và thêm 3 tàu tuần tra tấn công nhanh phục vụ chính sách trên.
Ngoài ra, Na Uy còn lên kế hoạch triển khai tàu do thám và khảo sát thế hệ mới đến vùng biển Barents thuộc Bắc Băng Dương.