Bản báo cáo cho biết, chỉ tính riêng 2 nước đứng đầu danh sách là Nga và Mỹ đã chiếm tới 90% tổng số đầu đạn hạt nhân. Nga dẫn đầu với 8.500 quả, còn Mỹ xếp thứ 2 với 7.700 đầu đạn, Pháp ở vị trí thứ 3 với khoảng 300 quả, Trung Quốc đứng kế tiếp với 250 quả còn Anh đứng hạng 5 với 225 đầu đạn.
Phát biểu tại Berlin ngày 19/06, Tổng thống Mỹ Barak Obama kêu gọi Nga cắt giảm 1/3 lượng vũ khí hạt nhân chiến lược, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông Obama cũng nói rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông sẽ lãnh đạo triệu tập hai hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân mới.
Nội dung của “Bulletin of the Atomic Scientists” cho biết, tính đến đầu năm 2013, trong số 8.500 đầu đạn hạt nhân của Nga, có 4.500 quả hiện còn trong biên chế quân đội Nga, 4.000 quả còn lại thuộc dạng ngừng sử dụng nhưng nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn, đang chờ phá dỡ.
Trong số 4.500 đầu đạn hạt nhân đang còn sử dụng, có 1.800 đầu đạn hạt nhân chiến lược được lắp đặt trên các tên lửa bệ phóng mặt đất hoặc trên máy bay ném bom, 700 quả được cất trữ trong kho. Còn lại khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật cũng đang được niêm cất.
Nga có 326 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân với 1.050 đầu đạn và đang có kế hoạch giải trừ khoảng trên một nửa số này. Số lượng chuẩn bị thải loại chủ yếu là 140 tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-25 Topol, được sản xuất chủ yếu vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Vũ khí răn đe thứ 2 trong “Bộ 3 răn đe hạt nhân” của Nga là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Hiện Nga hiện có khoảng 624 đầu đạn, trong đó 160 đầu đạn đang được triển khai trên 10 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, còn lại 464 đầu đạn được cất trữ trong các kho chứa bí mật.
Về máy bay ném bom có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, Nga có 72 chiếc Tu-160 và Tu-95MS với biên chế 810 đầu đạn. Nhưng số liệu này từ năm 2009 đến nay chưa được cập nhật thông tin chính thức.
Theo báo cáo, vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga bao gồm gần 2000 đầu đạn do không quân, hải quân và các lực lượng phòng vệ khác quản lý. Ngoài ra, nó còn được triển khai trong các Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) ở xung quanh Moscow. Tuy vậy, số lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga cũng chỉ được cập nhật thông tin chính thức cho đến năm 2005, còn từ đó đến nay nó không được làm mới.
Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ số lượng vũ khí hạt nhân dự trữ nhưng cam kết sẽ tiết lộ cho Mỹ để 2 bên phối hợp trao đổi thông tin. Sau khi so sánh, đối chiếu, các thông tin này sẽ do các Tổ chức của Mỹ công bố.