“Tổng số 16 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa được lên kế hoạch sẽ thực hiện trong năm 2013,” Đại tá Igor Yegorov cho biết. Ông còn cho biết thêm rằng, nhiều vụ phóng sẽ được thực hiện để đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo.
Trước đó, tháng 12-2012, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Sergei Karakayev, đã cho biết, lực lượng tên lửa chiến lược Nga có kế hoạch phóng thử 11 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm 2013, sau khi chỉ phóng thử 5 vụ trong năm 2012.
“Trong năm 2013, chúng tôi có kế hoạch sẽ phóng thử 11 tên lửa đạn đạo liên lục địa với mục tiêu chính là kéo dài tuổi thọ của các tên lửa hiện có và thử nghiệm các hệ thống tên lửa tương lai” ông nói.
Ông còn cho biết, một hệ thống quan lý chiến đấu tự động thế hệ thứ tư mới cũng sẽ được trang bị cho Lực lượng tên lửa chiến lược nhằm cho phép các tên lửa đạn đạo liên lục địa định vị mục tiêu nhanh hơn. Và đến năm 2020, toàn bộ Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc kỹ thuật số hiện đại.
Hiện tại, kho tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga gồm các loại sau:
Tên lửa Topol-M: là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động nhất do Nga sản xuất từ thập niên 1980 và được phóng thử lần đầu tiên vào năm 1994. Tên lửa có tầm phóng khoảng 11.000km với trọng lượng phóng là 46,5 tấn. Được cho là nền tảng lực lượng hạt nhân Nga, tên lửa có thể vô hiệu hóa được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện tại và trong kế hoạch phát triển của Mỹ do có khả năng cơ động cao và được trang bị các hệ thống mồi bẫy và đối phó điện tử.
Yars RS-24: là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được bảo vệ tốt nhất do Nga sản xuất, được phóng thử lần đầu năm 2007. Tên lửa có tầm bắn 11.000 km. Khác với Topol-M, tên lửa RS-24 có thể mang tới 10 đầu đạn độc lập tự tách sau khi nổ (MIRV). Ngoài các đầu đạn, tên lửa Yars còn có thể mang tổ hợp các phương tiện đột phá phòng thủ tên lửa nên gây khó khăn lớn cho đối phương trong việc phát hiện và chặn đánh tên lửa.
R-36M Satan (SS-18): là tên lửa đạn đạo liên lục địa nặng nhất do Liên Xô sản xuất từ cuối thập kỷ 1960, được phóng lần đầu năm 1970. Trọng lượng phóng của tên lửa lên đến 211 tấn, có thể mang từ 1-10 đầu đạn hạt nhân có tổng trọng lượng (kể cả nắp chụp và tầng tách đầu đạn) đến 8,8 tấn, với tầm bắn tới 16.000 km. Tên lửa R-36M được triển khai dưới hầm silo. Tên lửa này phá vỡ kỷ lục của tất cả các loại tên lửa hạng nặng khác, gồm 2 tầng, với chiều dài trên 34 m và đường kính 3.
RS-18 (SS-19 Stiletto) do Liên Xô phát triển từ những năm 1970 với các vụ thử đầu tiên được tiến hành vào các năm 1973-1975 và được biên chế trong quân đội Liên Xô và Nga từ năm 1982. Tên lửa có chiều dài 27m, đường kính 2,5m, nặng 105,6 tấn, có thể mang được 6 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 10.000km. Hiện tại Nga có 136 tên lửa này trong biên chế và dự kiến sẽ kéo dài tuổi thọ hoạt động của chúng lên khoảng 30 năm nữa.
R-30 Bulava: là tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm do Nga sản xuất, được phóng thử lần đầu năm 2005. Trọng lượng phóng 36,8 tấn, tầm bắn 8.000-12.000 km. Bulava có thể phóng nghiêng nên cho phép phóng tên lửa khi tàu ngầm đang chạy. Đây là phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa Topol-M, tên lửa hiện vẫn đang trong giai đoạn phóng thử và phát triển.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện đang vận hành ít nhất 58 tên lửa đạn đạo SS-18 Satan triển khai dưới hầm silo, 160 hệ thống tên lửa đạn đạo cơ động trên xe Topol (SS-25 Sickle), 68 hệ thống tên lửa đạn đạo Topol-M (SS -27 Sickle B), trong đó 50 dưới hầm silo và 18 cơ động trên xe, 136 tên lửa đạn đạo RS-18 (SS-19 Stiletto) và 18 hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars.
Với 16 lần phóng, Nga đã có số vụ phóng thử nhiều gấp hơn 5 lần Mỹ. Được biết, hiện Mỹ chỉ có duy nhất tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman-3 và trong 1 năm họ cũng chỉ phóng thử tối đa 3 lần. Thời gian qua, kế hoạch phóng thử Minuteman-3 lần thứ nhất trong năm của Mỹ cũng đã bị đình chỉ 1 tháng do căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và họ vừa phóng thử vào cuối tháng 5 vừa qua.
Dự kiến đến năm 2020, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ được trang bị thêm trên 170 tên lửa Topol-M (cả cơ động và dưới hầm silo), 30 tên lửa SS-19 và 108 tên lửa RS-24 tại 9 sư đoàn.