Hạm đội phương Bắc của Nga: Ngôi nhà của những chiến binh hạt nhân

Lieut. Sergeyvich - Северного флота России |

(Soha.vn) - Hạm đội phương Bắc (tiếng Nga: Северный флот) của Nga là một trong 4 hạm đội lớn của Hải quân Liên bang Nga với nhiệm vụ chính là trực chiến và bảo vệ vùng biển phía Bắc và lãnh thổ của Nga ở Bắc cực.

Các tàu khu trục lớp Udaloy II thuộc Hải đoàn chống ngầm số 2 đóng tại cảng nhà Severomorsk.
Các tàu khu trục lớp Udaloy II thuộc Hải đoàn chống ngầm số 2 đóng tại cảng nhà Severomorsk.

Với vùng hoạt động nằm trong các khu vực biển Đại Tây Dương, biển Barents và cả vùng biển Na Uy, các tàu chiến thuộc Hạm đội này có thể phát hiện bất kỳ kẻ xâm nhập nào vào vùng biển của Nga và tiêu diệt.

Bộ tư lệnh Hạm đội phương Bắc có căn cứ đặt tại Severomorsk, đây là nơi tập trung chủ yếu các chiến hạm nổi, bao gồm các tàu tuần dương lớp Kirov, tàu khu trục Udaloy, Sovremenny… Căn cứ thứ 2 đặt tại vịnh Kola, cách Severomorsk 20 km về phía Tây Bắc, đây là nơi đặt căn cứ tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc với các phương tiện hạt nhân được đánh giá là có sức mạnh khủng khiếp nhất trên thế giới. Hạm đội phương Bắc Nga khá nổi danh trên thế giới trong những trận chiến thời kì Thế chiến thứ II, các cuộc xung đột trên biển với Hải quân Hoa Kỳ và NATO trong thời kì chiến tranh lạnh

Tiền thân của Hạm đội phương Bắc là Hạm đội Sao đỏ phương Bắc, thuộc biên chế của Lực lượng Hải quân Liên bang Xô Viết, được thành lập vào năm 1937. Đến năm 1993, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, hạm đội đã được đổi tên thành Hạm đội phương Bắc và làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực cực Bắc của Nga trước các kẻ thù.

Hạm đội phương Bắc nổi tiếng với các tàu tuần dương tên lửa cỡ lớn như lớp Kirov và lớp Slava, bên cạnh đó điều làm nên tên tuổi lừng danh của hạm đội này là các hải đoàn tàu ngầm lớn mạnh nhất thế giới. Với hơn 200 chiếc tàu ngầm, và 2/3 trong số đó là các tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSBN) lớp Akula, Delta IV và mới nhất là tàu ngầm lớp Borei mang các tên lửa đạn đạo tầm xa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân Bulava. Ngoài ra Hạm đội này còn có các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện (SS) như Kilo, Amur, Lada và Tango.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của thế giới lớp K-3 – kẻ gieo rắc kinh hoàng cho người Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của thế giới lớp K-3 – kẻ gieo rắc kinh hoàng cho người Mỹ.

Lịch sử hình thành

Vào ngày 9-6-1916, Hạm đội Bắc băng dương (tiếng Nga: Флотилия Северного Ледовитого океана) dưới thời đại Nga hoàng được thành lập dưới một sắc lệnh của Nga Hoàng để bảo vệ khu vực giao thương qua lại giữa Nga ở khu vực biển Barents và cũng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Hải quân Đức.

Hạm đội này đã tồn tại đến cuộc Cách mạng tháng 10 Nga. Sau đó, vào tháng 3-1920, sau các sắc lệnh đổi tên và sắc lệnh thành lập quân đội Xô Viết của V.I Lenin,  Hạm đội Bắc băng dương trở thành một phần của Hải quân Liên Bang Xô Viết và được đặt tên là Hạm đội biển Trắng (tiếng Nga: Беломорская флотилия) với khu vực hoạt động là toàn bộ Bắc cực, căn cứ chính đóng tại Arkhangelsk. Vào tháng 1-1923, hạm đội lại được đổi tên một lần nữa với cái tên “Hạm đội sao đỏ phương Bắc”.

Hoạt động của hạm đội

Tại Nga, Thế chiến thứ II bắt đầu từ năm 1941, khi Phát xít Đức tấn công vào lãnh thổ Liên bang Xô Viết. Đầu năm 1939, Stalin và A. Hitler đã ký một công ước không vi phạm lãnh thổ của nhau nên phía Liên bang Xô Viết đứng ngoài cuộc chiến này. Cho đến năm 1941, khi Phát xít Đức tấn công những vùng đầu tiên của Liên bang Xô Viết thuộc Latvia, Lithuania và Ukraine, người Nga mới chính thức tuyên chiến với người Đức và phe Trục.

Cuộc chiến kéo dài 4 năm và gây ra những hậu quả khủng khiếp với người Nga nói chung và Liên bang Xô Viết nói riêng. Ở Nga cuộc chiến này được gọi là “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Và hiển nhiên các hạm đội của Liên bang Xô Viết cũng không nằm ngoài cuộc chiến này, một trong số đó là Hạm đội phương Bắc. Thời gian này, Hạm đội phương Bắc có nhiệm vụ chủ yếu là phòng thủ các khu vực biển Barents, biển Na Uy, các bán đảo Sredniy và Rybachiy trước những Hạm đội tàu ngầm của người Đức, đơn cử là những chiếc tàu ngầm U-995.

Trận chiến bảo Petsamo-Kirkenes đẫm máu trên khu vực biển Na Uy.
Trận chiến bảo Petsamo-Kirkenes đẫm máu trên khu vực biển Na Uy.

Một lực lượng khác của Hạm đội phương Bắc là Hải quân đánh bộ, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ các khu vực đất liền trong tầm hoạt động của Hạm đội. Hơn 10.000 chiến sĩ  Hồng quân thuộc lực lượng này đã tham gia vào nhiều trận chiến có quy mô lớn lên tới cấp Tập đoàn quân như trận Petsamo-Kirkenes vào năm 1944. Khi người Đức đưa Cụm tập đoàn quân 20 và một Hạm đội của họ tấn công vào khu vực Phần Lan – Na Uy nhằm uy hiếp Hạm đội phương Bắc. Trong trận chiến này người Nga đã chiến đấu cùng người Na Uy và con số thương vong cho cả 2 bên là hơn 10.000 người chết, gần 20.000 người bị thương.

Chiến tranh lạnh

Ham đội phương Bắc đã từng được cân nhắc trở thành một lực lượng thứ 2 có nhiệm vụ phòng thủ tại khu vực biển Baltic và biển Đen khi các thành viên nội các Xô Viết và Hội đồng bộ trưởng xem xét đến việc duy trì hoạt động của Hạm đôi này ở khu vực Đại Tây dương và các khu vực khác. Tuy nhiên, trong thời kì chiến tranh lạnh, nhận thấy được mối đe dọa tiềm ẩn từ phía Hoa Kỳ, Hạm đội phương Bắc là Hạm đội được ưu tiên trang bị các phương tiện hạt nhân nhằm đối phó với người khổng lồ bên kia bán cầu.

Tháng 9-1955, Hải quân Liên bang Xô Viết trở thành Hải quân đầu tiên trên thế giới công bố rằng họ đã phát triển thành công tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Thực ra, dự án này đã được khởi động từ năm 1940 trước cả “Chiến tranh vệ quốc”, tuy nhiên, do những tổn thất nặng nề trong chiến tranh, đến 1955 dự án này mới gần như hoàn tất và chuẩn bị được hạ thủy để thử nghiệm.

Một năm sau đó, vào tháng 6-1956, Hạm đội phương Bắc được biên chế tàu ngầm tấn công lớp Zulu đầu tiên trên thế giới (phía NATO định danh là Zulu IV, các phiên bản Zulu trước là tàu ngầm tấn công không có ICBM). Với sự phục vụ của Zulu, người Nga từng bước vượt trội so với người Mỹ về công nghệ tàu ngầm cho đến nay.

Ngày 31-5-1956, Hải đoàn tuần dương số 2 được thành lập tại Severomorsk, Murmansk. Hải đoàn này được biên chế tàu tuần dương tên lửa lớp Sverdlov (Projeckt-68) . Ngày 1-7-1958, Hải quân Xô Viết lại tiếp tục hạ thủy tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp K-3. Người Mỹ từng một thời sợ hãi khi nghe đến cái tên K-3 bởi khả năng tấng công kinh hoàng của nó. Theo hải trình của tàu USS-Nautilus, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp K-3 mang tên Leninsky Komsomol tuần tra liên tục ở khu vực băng giá của Bắc cực và nó nằm tại đó cho đến ngày 17-7-1962 để ngăn chặn các tàu của Hải quân Hoa Kỳ.

Theo ghi chép từ các cuốn hải trình, các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Nga đã tuần tra ở khu vực Bắc cực hơn 300 lần nhằm ngăn chặn các cuộc xâm nhập của người Mỹ từ khu vực này. Hai tàu ngầm hạt nhân tấn công của Hạm đội phương Bắc đã có chuyến tuần tra xuyên suốt các khu vực băng giá ở Bắc cực, thậm chí nó đã tiến gần đến Alaska của Hoa Kỳ. Trong lịch sử chưa có một tàu ngầm nào có thể hoạt động liên tục như vậy trong hơn 189 ngày, và tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp K-3 là người đi tiên phong. Tổng quãng đường nó đi ước tính dài gấp 3 lần chiều dài của nước Nga. Sau đó, đã có hơn 25 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công khác cũng làm điều tương tự nhằm cảnh báo người Mỹ.

Sau chiến tranh lạnh cho đến nay

Hạm đội đã được tăng cường thêm các máy bay Tu-22 làm nhiệm vụ săn ngầm trong khu vực, bên cạnh đó còn bổ sung Tu-16 làm nhiệm vụ chiến tranh điện tử, gây nhiễu sóng và các hoạt động của đối phương.

Hiện nay, Hạm đội phương Bắc nắm giữ 2/3 các phương tiện hạt nhân của cả Hải quân Nga. Gần đây nhất, hạm đội được biên chế tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov, và trở thành chiếc thứ 4 của lớp này mang tên Peter đại đế. Thành công lớn nhất của Hạm đội phương Bắc là thử nghiệm thành công ICBM hải quân mới là Bulava nhằm thay thế các ICBM đã cũ và lỗi thời.

Hiện nay tư lệnh hạm đội là Đô đốc Vladimir Ivanovich Nakhimov, phó tư lệnh là Phó đô đốc Vladimir Sergeyvich Korolev. Cả 2 đều là những đô đốc nổi danh trên thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại