Sovremenny được phát triển dựa trên thiết kế của Đề án Project-956 “Sarych” (được NATO định danh là Bazzard). Như đã nói nhiệm vụ chính của Sovremenny là chống tàu mặt nước, tuy nhiên, những khả năng như phòng không, chống ngầm cũng khá hoàn thiện nhằm bảo vệ các tàu trong cùng một hạm đội. Sovremenny là một trong những giải pháp kết hợp hoàn hảo với tàu khu trục lớp Udaloy trong những nhiệm vụ tuần tra, chống ngầm, hộ tống và bảo vệ.
Những chiếc Sovremenny đầu tiên của Hải quân Xô Viết
Đề án Project-956 “Sarych” được chính thức khởi động từ thập niên 60 của thế kỷ XX với sự phát triển mạnh mẽ của các loại pháo hải quân và vai trò quan trọng trong các cuộc đổ bộ đất liền, đổ bộ chiếm đảo và đổ bộ xâm nhập. Thời gian này, các loại pháo trên các tàu tuần dương tên lửa, tàu khu trục tên lửa của Hải quân Xô Viết bắt đầu bộc lộ những yếu điểm và hạn chế trong các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất. Vì thế, các thiết kế pháo của Xô Viết mới đã được xúc tiến với hai loại nòng đơn và nòng kép. Thiết kế nòng kép đã được cải tiến đáng kể để nâng cao tốc độ bắn, khả năng công phá và tầm xa của các loại pháo.
Vào năm 1971, phiên bản pháo nòng kép đã được phát triển để trang bị cho lớp tàu mới phát triển từ Đề án Project-956, nhằm thiết kế 1 chiếc tàu toàn diện về mọi khả năng như lời Công trình sư Yuri Stenov: “Một chiếc tàu khu trục có khả năng hỗ trợ tối đa cho các cuộc đổ bộ”.
Cùng thời gian này, phía Hoa Kỳ đã triển khai phát triển lớp tàu khu trục mới là Spruance với kích thước khổng lồ và được coi như lớp tàu khu trục đa nhiệm hoàn hảo của Hải quân Hoa Kỳ. Để nâng cao khả năng phòng thủ cũng như đáp lại sự thách thức của người Mỹ, đề án Project-956 đã được đẩy nhanh.
Đề án Project-956 được nâng cấp đáng kể so với các lớp tàu thế hệ trước, với tính năng phòng thủ mạnh mẽ và hiện đại nhất của Xô Viết, bên cạnh đó là các bệ phóng tên lửa hạm đối hạm 3M80 với khả năng phóng các loại tên lửa siêu âm nhằm tiêu diệt các mục tiêu như tàu khu trục, hàng không mẫu hạm. Trong thời kì này, phía Xô Viết đã có hệ thống máy turbine cỡ lớn dành cho các tàu khu trục, tuy nhiên động cơ được chọn cho lớp Sovremenny vẫn là động cơ hơi nước. Cục phát triển Severnaya khi ấy lý giải rằng: động cơ turbine sẽ hoạt động không hiệu quả bằng động cơ hơi nước trong chương trình phát triển lớp tàu này.
Chiếc đầu tiên của lớp Sovremenny được đặt tên là Sovremenny -420. Con tàu hạ thủy năm 1976 và được biên chế vào Hạm đội Sao đỏ phương Bắc năm 1980. Đã có tổng cộng 18 chiếc được đặt hàng cho Hải quân Xô Viết nhưng chỉ có 12 chiếc được hoàn thành vì những lý do thâm hụt tài chính và chi phí đào tạo thủy thủ cho các tàu mới. 12 chiếc đều được đóng tại cảng Severnaya 190 ở thành phố Sankt-Petersburg (hiện nay đã được đổi tên thành Xưởng đóng tàu Zhdanov, đây là nơi nhận các hợp đồng đóng mới tàu chiến cho lực lượng Hải quân khắp nơi trên thế giới trong đó có cả Hải quân nhân dân Việt Nam).
Tàu có trọng tải choán nước 7.940 tấn, chiều dài thực tế 156m, độ mớn nước là 6.5m, tàu rộng 17.3m tính từ nơi rộng nhất. Sovremenny được trang bị cả máy bay chống ngầm Kamov KA-27 “Helix”.
Sovremenny được trang bị đến 44 tên lửa phòng không (SAM), 6 tên lửa hạm đối hạm, ngư lôi và pháo hạm AK-130 tầm xa. Cùng đó là hệ thống radar hiện đại, các thiết bị chiến tranh điện tử. Để phù hợp với mục đích sử dụng, Sovremenny được phân loại thành 3 phiên bản chính:
- Phiên bản gốc Project-956 được trang bị tên lửa hạm đối hạm P-270 “Moskit” với các ống phóng 3M80, tầm phóng từ 10km đến 50km.
- Phiên bản Project-956A với những nâng cấp về hệ thống ống phóng và tên lửa hạm đối hạm. Phiên bản này được trang bị ống phóng 3M80M và tên lửa P-270 “Moskit” có chiều dài hơn hẳn phiên bản gốc, tầm bắn xa hơn từ 10 đến 120km.
- Phiên bản xuất khẩu Project-956EM là bản nâng cấp cuối cùng và được phát triển cho Hải quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLAN – PLA Navy). Ở phiên bản này, một số tính năng ưu việt đã bị loại bỏ.
Sức mạnh của “gừng già” Sovremenny
Hệ thống tác chiến trên tàu có khả năng tương thích với mọi dữ liệu từ các tàu khu trục thế hệ đàn anh. Ngoài ra, nó còn có khả năng tái tạo dữ liệu mới về các tàu địch bằng các radar và cảm biến cực nhạy của mình. Sovremenny có khả năng tác chiến đa tầng và khả năng tấn công đến 40 mục tiêu cùng một lúc.
- Tên lửa: Sovremenny được trang bị tên lửa hành trình hạm đối hạm Raduga P-270 “Moskit” với 4 ống phóng trên 1 bệ phóng, tàu có 2 bệ phóng, mỗi bệ phóng có độ nghiêm 15 độ so với sàn tàu, mang được đến 8 tên lửa P-270 “Moskit” (được NATO định danh là SS-N-27 Sunburn). Moskit là loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn nổ thông thường 300kg hoặc đầu đạn hạt nhân 200kiloton. Đây chính là điểm đáng sợ của P-270 “Moskit”, nó có thể hủy diệt cả một hải đoàn và khiến cho cả hạm đội đối phương choáng váng trước đòn tấn công hạt nhân khủng khiếp của mình.
P-270 “Moskit” được trang bị công nghệ lẩn tránh radar và cả hệ thống phòng thủ tần gần (Close in Weapon System – CIWS). Nó bay chỉ cách mặt biển từ 3m đến 4m với tốc độ Mach 2.5 khiến cho các hệ thống CIWS không kịp trở tay. Ngoài ra, Sovremenny còn được trang bị 2 bệ phóng tên lửa phòng không SA-N-7 thường được NATO gọi là Gadfly, tầm bắn 25km, tốc độ siêu âm 830m/s.
Pháo hạm: Sovremenny được trang bị 2 khẩu AK-130-MR0184 phía trước và phía sau nhằm nâng cao khả năng phòng thủ. AK-130-MR0184 có 2 chế độ bắn linh hoạt là: hoàn toàn tự động, nhận diện mục tiêu bằng radar và ngắm bắn bằng tay với 1 pháo thủ điều khiển.
AK-130-MR0184 được cho là có khả năng ngang bằng khẩu Creusotline -100mm của Hải quân Pháp và khẩu Octobera-127mm nhưng lại được giới chuyên môn đánh giá là nhỉnh hơn hẳn khẩu Mark 45 của Hải quân Hoa Kỳ (được trang bị cho tác tàu khu trục Arleigh Burke). Sovremenny còn được trang bị đến 6 khẩu AK-630 CIWS nhằm bảo vệ tàu tốt hơn trước các máy bay không người lái (UAV), tên lửa hạm đối hạm và các máy bay cường kích.
Vũ khí chống ngầm: Sovremenny được trang bị 2 dàn phóng ngư lôi cỡ 533mm và 6 ống phóng tên lửa chống ngầm RBU-1000. Bên cạnh đó là khả năng săn ngầm ưu việt nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của trực thăng Kamov KA-27 với tầm hoạt động lên đến 200km và dễ dàng phát hiện những chiếc tàu ngầm ẩn mình bên dưới lòng biển.