Thông tin về chuyến khảo sát của con tàu mang tên Nam Phong được Nhân dân Nhật báo đăng tải hôm 18/3. Đây là tàu do Trung Quốc tự thiết kế.
Nhân dân Nhật Báo còn nói sự hiện hiện của tàu khảo sát Nam Phong đánh dấu việc Trung Quốc đã khởi động đợt điều tra mới về tài nguyên nghề cá ở vùng biển Trường Sa.
Tàu Nam Phong được Trung Quốc đóng xong năm 2010
Nguồn tin cho hay, tàu khảo sát khoa học Nam Phong được trang bị các thiết bị tiên tiến như hệ thống định vị dưới nước, có thể lặn sâu tới 1.500 mét để thăm dò đáy biển và thông tin chi tiết về đàn cá như số lượng, chủng loại, kích cỡ.
Rõ ràng bất chấp sự phản đối của Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông bằng mọi cách.
Tàu khảo sát khoa học nghề cá của Trung Quốc đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam đúng vào lúc Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết sẽ phối hợp với các nhà khoa học Liên bang Nga thực hiện chuyến khảo sát nghiên cứu về biển Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Theo kế hoạch, trong vòng một tháng rưỡi, có 29 nhà khoa học Liên bang Nga và 11 nhà khoa học Việt Nam cùng tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” của Viện Hàn lâm khoa học Nga đến Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát nhằm nghiên cứu toàn diện đa dạng sinh học và hóa sinh ở vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, đoàn khoa học sẽ khảo sát nghiên cứu tại vùng biển phía tây bắc đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” được đóng năm 1985 tại Phần Lan với lượng giãn nước 2.600 tấn, tốc độ 15,2 hải lý/giờ.
Tàu Viện sĩ Oparin có chiều dài trên 70m, ngang 15m. Tàu nặng gần 2.000 tấn, được thiết kế ba tầng với đầy đủ tiện nghi có thể hoạt động dài ngày ngoài khơi xa. Con tàu giống như một viện nghiên cứu biển lưu động, có phòng ngủ, phòng ăn, phòng thí nghiệm..., đã đến khắp các vùng biển cả năm châu lục.