Ngày 7/10, Hải quân Nga đã chính thức tham gia chiến dịch tấn công Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria với vụ 4 chiến hạm thuộc của Hạm đội Caspian phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK từ vùng biển Caspian, vượt quãng đường hơn 1.500 km, xuyên qua lãnh thổ Iran và Iraq.
Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên biển để tấn công các mục tiêu mặt đất trong một cuộc chiến thực sự, đồng thời đây cũng là lần tấn công bằng tên lửa hành trình đầu tiên của các lực lượng vũ trang nước này.
Được biết, tên lửa được phóng đi từ tàu hộ vệ tên lửa Dagestan (số hiệu 693), thuộc Project 11661, lớp Gepard 3.9 và các khinh hạm tên lửa dự án 21631 (lớp Buyan-M) là Grad Sviyazhsk (021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106).
Điều đáng nói là các chiến hạm “hạt tiêu” của Nga có lượng giãn nước cao nhất là Dagestan chỉ trên dưới 2.000 tấn (3 tàu còn lại vẻn vẹn 949 tấn) nhưng có khả năng mang mỗi tàu 8 quả tên lửa 3M-14T (SS-N-30A), thuộc hệ thống tên lửa hành trình đặt trên tàu nổi là Kalibr-NK.
Các tên lửa Kalibr của Nga được triển khai trên các tàu mặt nước và tàu ngầm có thể dùng làm vũ khí răn đe chiến lược thông thường. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với Hải quân Nga trong điều kiện Mỹ - NATO mưu toan mở rộng hơn nữa sang phía Đông.
Các tên lửa họ Kalibr có một nguồn gốc phát triển chung là tên lửa hành trình chiến lược KS-122, của hệ thống S-10 Granat, có tầm phóng xa hơn 2.500 km, có khả năng mang 1 đầu đạn hạt nhân 100 kT do Novator phát triển, được biên chế cho Hải quân Liên Xô năm 1984.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr-NK trên biển Caspian
Tuy nhiên, người kế nhiệm là các tên lửa họ Kalibr đã hoàn thiện hơn về tính năng, vừa có khả năng tấn công mặt đất, vừa có thể tấn công hủy diệt các chiến hạm mặt nước cỡ lớn.
Nga ồ ạt trang bị Kalibr-NK cho tàu nổi cỡ nhỏ và cỡ vừa
Hiện Mỹ đang triển khai tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk trên 2 loại tàu mặt nước là tuần dương hạm lớp Ticonderoga (với số lượng tối đa là 26 quả) và các khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke, với số lượng tối đa là 56 quả.
Tuy chiến hạm Mỹ mang được nhiều tên lửa hành trình, nhưng các tuần dương hạm và khu trục hạm Aegis của Mỹ đều có lượng giãn nước siêu lớn, khoảng trên dưới 10.000 tấn, trong khi các tàu mặt nước Nga chỉ chưa tới 1.000 tấn cũng có thể mang được tới 8 quả.
Do thiếu kinh phí, Nga đang từ bỏ các thiết kế hạng nặng, chuyển sang đóng các tàu hộ vệ hạng trung và cỡ nhỏ, đồng thời ồ ạt triển khai hệ thống Kalibr-NK với tên lửa 3M-14T cho các chiến hạm mặt nước. Hiện Nga đã có gần 10 tàu được trang bị khả năng này.
Số lượng tàu có khả năng mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr-NK 3M-14T sẽ tăng lên tới vài chục chiếc trong thời gian chỉ khoảng 5 năm nữa.
Khi đó, Nga sẽ xây dựng được khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình rất mạnh, nhưng theo một đường lối khác hẳn Mỹ.
Được trang bị Kalibr-NK đầu tiên chính là tàu hộ vệ tên lửa Dagestan thuộc Project 11661K, lớp Gepard 3.9 do Viện thiết kế PKB Zelenodolsk thiết kế và Nhà máy Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky đóng. Tàu gia nhập biên chế Hải quân Nga vào ngày 28/11/2012.
Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Grad Sviyazhsk phóng tên lửa Kalibr
Lớp tàu tiếp theo được trang bị hệ thống tên lửa này chính là tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Project 21631, lớp Buyan-M, có lượng giãn nước đầy tải vẻn vẹn 949 tấn. 3 chiếc đầu tiên được trang bị Kalibr-NK chính là 3 tàu Grad Sviyazhsk, Yglich và Veliky Ustyug.
Tuy là các tàu nhỏ nhưng chúng có khả năng mang tới mỗi tàu 8 tên lửa 3M-14T của hệ thống Kalibr-NK trong các bệ phóng thẳng đứng UKSK - một loại bệ phóng đa năng, có thể phóng cả các tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.
Tàu hộ vệ Dagestan đã phóng thành công các tên lửa 3M-14T trong các đợt thử nghiệm từ năm 2011 - 2012, sau đó, tàu hộ vệ hạng nhẹ Byan-M là Grad Sviyazhsk là chiếc tiếp theo đã phóng thành công loại tên lửa này vào mục tiêu mặt đất vào tháng 9/2013.
Như vậy, cả 4 tàu đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình của Nga đều đã tham chiến trong trận đầu.
Các tàu hộ vệ khác thuộc Project 21631, lớp Buyan-M đều sẽ được trang bị các hệ thống Kalibr-NK. Hiện chiếc thứ 4 và thứ 5 của loạt tàu này là Zelyonyi Dol và Serpukhov đã đến căn cứ hải quân Novorossyisk, chuẩn bị biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Loạt tàu tiếp theo được trang bị Kalibr-NK là các tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Đô đốc Grigorovich, thuộc Project 11356Р/М. Chiếc đầu tiên mang tên của lớp là “Đô đốc Grigorovich” hiện đang được biên chế cho Hạm đội Biển Đen. Cả 6 tàu thuộc lớp này đều sẽ được trang bị Kalibr-NK.
Việc Nga trang bị đại trà các hệ thống Kalibr- NK khiến trong tương lai, bất kỳ con tàu tuần tra nào của Nga, về lý thuyết đều có khả năng dễ dàng nhấn chìm tàu sân bay "lạ" đang ở cách xa hàng nghìn km. Rõ ràng đối phương khó lòng kịp trở tay hay thi hành biện pháp tự vệ hiệu quả.
Trang bị hàng loạt tên lửa Kalibr cho tàu ngầm thông thường
Ngày 10/8/2015, tàu ngầm điện-diesel cỡ lớn B-261 Novorossyisk, tàu đầu tiên của lớp Project 06363 Paltus do Viện TsKB MT Rubin thiết kế và đóng bởi hãng đóng tàu Admiralty và chuyển giao cho Hải quân Nga vào năm 2014 đã rời cảng Yekarerine ở Polyarnyi.
Con tàu ngầm cùng họ với lớp Varshavyanka của Việt Nam (định danh NATO là lớp Kilo) đã rời cảng Yekarerine lên đường tới cảng Novorossyisk của Hạm đội Biển Đen, là nơi con tàu sẽ trú đóng thường xuyên. Nó đã cập cảng này vào ngày 25/9/2015.
Sở dĩ hành trình của con tàu này được tường thuật chi tiết bởi nó là tàu ngầm thông thường đầu tiên thuộc Project 636.3 được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-PL với tên lửa 3M-14.
Ngày 3/8/2015, tàu ngầm này đã hoàn thành tốt chương trình thử nghiệm hệ thống tên lửa, tiến hành phóng 1 tên lửa từ vùng biển thuộc trường bắn thử nghiệm trên biển Barents vào một mục tiêu ở một trường bắn thử nghiệm khác ở Chizha, tỉnh Arkhangelsk.
Mỗi tàu ngầm lớp Project 636.3 có lượng giãn nước khi lặn 3.950 tấn, được trang bị 14 ngư lôi và 4 tên lửa hành trình của hệ thống Kalibr-PL. Các tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu trên biển ở tầm đến 300 km và mục tiêu bờ ở cự ly 1.500 km - 2.500 km tùy thuộc biến thể tên lửa.
Tàu ngầm diesel-điện B-261 Novorossyisk được trang bị Kalibr-PL
Tất cả 6 tàu ngầm Kilo dành cho Hạm đội Biển Đen sẽ được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr. Sau Novorossyisk, các tàu ngầm Rostov na Donu (Rostov trên sông Đông) và Staryi Oskol của Hạm đội Biển Đen đã được bàn giao cũng sẽ thực hiện bài tập này.
Tiếp sau đó là các tàu ngầm điện-diesel Krasnodar hiện đang chạy thử nhà máy ở biển Baltic và các tàu ngầm đang đóng Velikyi Novgorod và Kolpino ở Nhà máy đóng tàu Admiralty cũng sẽ lần lượt được trang bị tên lửa và lên đường thử nghiệm.
Sức mạnh của các tên lửa hành trình Kalibr-PL, Kalibr-NK trên các tàu hộ vệ thuộc lớp Đô đốc Grigorovich, thuộc Project 11356Р/М và các tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 21631 lớp Buyan-M sẽ khiến cho khả năng tấn công của Hạm đội Biển Đen trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Nâng cấp hàng loạt tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa Kalibr-PL
Lực lượng tàu ngầm Nga bắt đầu phóng thử thành công tên lửa Kalibr-PL từ tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ mới nhất K-560 Severodvinsk, thuộc Project 885, lớp Yasen, do Viện SPMBM Malakhit phát triển và nhà máy chế tạo tàu ngầm Sevmash đóng.
Các tên lửa Kalibr-PL cũng sẽ được trang cho 7 tàu ngầm hạt nhân khác thuộc lớp này. Mỗi tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc lớp này có thể mang đến 32 tên lửa hành trình.
Hiện nay, tại các nhà máy Zvezda và Zvezdochka của Nga đang tiến hành hiện đại hóa sâu một số tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ 3 thuộc Project 949АМ lớp Antey (NATO gọi là lớp Oscar-II) và Project 971М, lớp Shchuka-B (NATO định danh Akula III), trong đó có cả chiếc Bratsk từng phóng thử các tên lửa Granat trước đây.
Tất cả các tàu ngầm hạt nhân được Hải quân Nga nâng cấp đều sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình Kalibr-PL. Ví dụ, mỗi tàu ngầm Project 949АМ sẽ mang được tới 72 tên lửa hành trình Kalibr-PL hoặc Oniks.
Nhờ có các tên lửa hành trình mà tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel-điện của Nga lúc này có khả năng săn đuổi các tàu mặt nước chuyên chở hàng hóa chiến lược trên các đại dương hoặc tiêu diệt chúng ngay trong cảng khi có khả năng tấn công cả từ tầm cực gần và tầm xa.
Trong vòng khoảng 5 năm tới, lực lượng tấn công mặt đất của hải quân Nga sẽ bắt kịp Mỹ.
Các tàu ngầm, tàu khu trục và tàu hộ vệ tên lửa kể cả những tàu cỡ nhỏ và cỡ vừa của Nga có thể đặt tất cả các mục tiêu quan trọng không chỉ ở châu Âu và Cận Đông mà còn trên toàn thế giới vào tầm ngắm.
Chỉ một đội tàu nhỏ của Hạm đội Caspian hoặc Hạm đội Biển Đen cũng thừa sức tiêu diệt bất cứ đối thủ ở phần Đông Địa Trung Hải và thậm chí cả ở vùng vịnh Persian.
Hạm đội Baltic có khả năng bao quát biển Bắc Âu cho đến tận eo biển Manche và một phần vùng biển Na Uy.
Hạm đội Phương Bắc có thể kiểm soát vùng Bắc Đại Tây Dương mà vẫn không cần tiếp cận đối với kẻ thù.
Còn Hạm đội Thái Bình Dương thì đảm bảo nhấn chìm mọi tàu chiến của đối thủ trên Thái Bình Dương, tận tới cực bắc Hawaii.