Mỹ - NATO choáng váng trước uy lực tên lửa Nga dùng đánh IS

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Giới quan sát quân sự quốc tế vẫn còn choáng váng trước đòn tấn công tên lửa hành trình tầm xa do Nga thực hiện chống các mục tiêu IS. Hãy cùng khám phá về loại tên lửa này.

Ngay khi Hải quân Nga vừa thực hiện xong đòn tấn công tên lửa hành trình (TLHT) tầm xa chống 11 mục tiêu trên đất liền của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giới quan sát quân sự quốc tế tỏ ra vừa choáng váng, vừa nghi hoặc trước loại tên lửa này.

Cho tới khi phía Nga chính thức lên tiếng và cung cấp hình ảnh sau đó về mục tiêu, địa điểm và phương tiện phóng cùng chủng loại tên lửa hành trình được sử dụng trong chiến dịch, thế giới mới biết tới loại tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr-NK phiên bản nội địa của Nga.

Trước đó, loại tên lửa hành trình (TLHT) này chỉ được biết đến với tên gọi của phiên bản chống tàu xuất khẩu 3M-14E vốn được chào bán trên thị trường vũ khí hải quân quốc tế khoảng chục năm nay, với tầm bắn hạn chế dưới 300 km


Mẫu TLHT 3M14E Kalibr-NKE

Mẫu TLHT 3M14E Kalibr-NKE

Tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr-NK

TLHT 3M-14 được người Nga xếp vào loại tên lửa có cánh, trong đó 3M-14 là tên gọi của đạn, Kalibr là tên gọi tổ hợp tên lửa dùng đạn tên lửa hành trình 3M-14. Ở phiên bản xuất khẩu, đạn được gọi là 3M-14E, còn tổ hợp tên lửa được gọi là “Club”.

Tuỳ theo loại phương tiện phóng có bố trí tổ hợp tên lửa hành trình này mà Kalibr sẽ có các phiên bản “Kalibr-PL” cho tàu ngầm, “Kalibr-NK” cho tàu chiến đấu mặt nước, “Kalibr-M” cho xe phóng mặt đất và “Kalibr-A” cho máy bay.

Như vậy, TLHT 3M-14 Kalibr-NK là tên gọi của đạn TLHT phóng từ tàu chiến đấu mặt nước. Đạn 3M-14 được chứa trong thùng phóng có chức năng bảo quản, vận chuyển và bảo đảm kỹ thuật cho đạn.

TLHT 3M-14 Kalibr-NK có thể được phóng từ bệ phóng thẳng đứng đa năng 3S-14 hoặc bệ phóng nghiêng 3S-14P, mỗi bệ này có 8 khoang chứa thùng phóng.

TLHT 3M-14 Kalibr-NK có 2 tầng động cơ, trong đó có tầng động cơ tên lửa thuốc phóng rắn dùng để phóng tên lửa ra khỏi bệ phóng tới một độ cao và hướng bay nhất định trước khi tách ra.

Còn tầng động cơ hành trình sử dụng loại động cơ tua bin phản lực 2 dòng chạy nhiên liệu dầu phản lực TRDD-50B để đưa đạn bay tới mục tiêu.

Sau khi tách tầng động cơ phóng, cặp cánh gấp ẩn trong thân TLHT 3M-14 Kalibr-NK sẽ tự động xoè ra để kết hợp với thân tên lửa tạo ra lực nâng giúp đạn bay đi như máy bay.

Một số thông tin kỹ chiến thuật của TLHT 3M-14 Kalibr-NK: Chiều dài 6,2 mét, đường kính thân 0,533 mét, sải cánh khi mở 3,08 mét, khối lượng tên lửa 1770 kg, khối lượng đầu đạn 450 kg, tốc độ bay hành trình 860 km/giờ.


Sơ đồ công kích mục tiêu của TLHT 3M14 Kalibr-NK và PL.

Sơ đồ công kích mục tiêu của TLHT 3M14 Kalibr-NK và PL.

TLHT 3M-14 Kalibr-NK bay tới mục tiêu như thế nào?

Để bay chính xác tới mục tiêu cần công kích và tránh bị lực lượng phòng không đối phương bắn rơi, TLHT 3M-14 Kalibr-NK sử dụng hệ thống tự lái nhiều giai đoạn tự lập hoàn toàn.

Hệ thống này có các thành phần máy lái quán tính AB-40, máy đo cao RVE-B, máy thu tín hiệu định vị vệ tinh GLONASS, máy đối chiếu dải cao độ địa hình TERCOM và đài ra đa bắt bám mục tiêu ARGS-14.

Ở giai đoạn phóng, hệ thống lái quán tính của TLHT dựa trên số liệu tính toán của hệ thống ngắm bắn trên tàu nạp vào trước khi phóng để lái đạn về hướng có mục tiêu và tách tầng đẩy.

Khi tầng động cơ hành trình hoạt động, hệ thống lái quán tính kết hợp với máy đo cao vô tuyến đưa TLHT vào độ cao ổn định và bay theo quỹ đạo bay được lập trình trước khi phóng.

Khi bay trên biển, độ cao bay của TLHT 3M-14 được duy trì ở mức 20 m, còn khi bay trên đất liền thì độ cao ở khoảng từ 50 m tới 150 m tuỳ theo bề mặt địa hình.

Điều kiện khí tượng thời tiết ở gần mặt đất thường biến động mạnh và máy lái quán tính gặp sai số lớn khi TLHT bay quãng đường bay dài tới mục tiêu.

Do vậy, hệ thống lái quán tính của tên lửa cần được bổ sung dữ liệu để hiệu chỉnh đường bay từ máy thu tín hiệu định vị vệ tinh dọc theo đường bay và máy đối chiếu dải cao độ địa hình tại các điểm kiểm tra hoặc điểm đổi hướng bay.

Máy thu tín hiệu vệ tinh tổng hợp, so sánh tín hiệu của từ ít nhất 3 vệ tinh GLONASS trên quỹ đạo để xác định toạ độ tức thời của TLHT 3M-14.

Từ dữ liệu toạ độ này, máy lái quán tính so sánh nó với toạ độ của chính hệ thống dẫn đường quán tính và toạ độ đường bay lập trình trước của đạn để hiệu chỉnh đường bay.

Khi tín hiệu vệ tinh định vị vệ tinh bị phá hoặc không tin cậy, máy lái quán tính quay lại sử dụng toạ độ TLHT đã được hiệu chỉnh gần nhất để lái đạn tới toạ độ điểm kiểm tra kế tiếp.

Khi tới gần điểm kiểm tra kế tiếp trên đường bay tới mục tiêu, máy đối chiếu dải cao độ địa hình của TLHT sử dụng dữ liệu từ máy đo cao để so sánh với dải cao độ địa hình của điểm kiểm tra đã được nạp vào máy tính của hệ thống lái quán tính của tên lửa trước khi phóng.

TLHT 3M-14 Kalibr-NK sử dụng tới 15 điểm kiểm tra này dọc đường bay để giúp hiệu chỉnh đường bay hoặc chuyển hướng bay tránh các khu vực có bố trí phòng không đối phương trước khi tới khu vực mục tiêu.

Đây có thể coi là các chặng bay mà TLHT cần phải vượt qua nếu muốn “nhìn thấy” mục tiêu.

Ở chặng cuối cùng của đường bay là vùng mục tiêu. Lúc này, TLHT 3M-14 Kalibr-NK bật đài ra đa vô tuyến ở phần mũi đạn để phát hiện và bắt bám mục tiêu cần công kích.

Cự ly phát hiện mục tiêu của đài ra đa này là 20 km. Khi bắt bám được mục tiêu, dữ liệu ra đa thu được từ mục tiêu sẽ được máy tự lái quán tính sử dụng để lái đạn nhắm thẳng mục tiêu.

Lai lịch của TLHT 3M-14 Kalibr-NK

Tiền thân của các dòng TLHT của tổ hợp Kalibr, trong đó có TLHT 3M14 Kalibr-NK, là TLHT 3M10 của tổ hợp 3K10 “Granat” cũng do Viện thiết kế Novator phát triển dưới thời Xô Viết từ ngày 19/07/1975.


TLHT 3M10 Granat.

TLHT 3M10 Granat.

TLHT 3M10 Granat được xếp vào nhóm TLHT chiến lược tầm xa dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu đất liền, mang được đầu đạn hạt nhân, được thiết kế để phóng ngầm dưới nước qua ống phóng lôi cỡ 533 mm trên tàu ngầm như loại TLHT Tomahawk của Mỹ.

Tuy nhiên, do khác biệt về chiều dài ống phóng lôi cỡ 533 mm giữa Liên Xô và Mỹ, nên TLHT 3M10 Granat dài hơn so với TLHT Tomahawk, do đó tăng được dung tích thùng nhiên liệu giúp tầm bắn của 3M10 đạt trên 3000 km (xa hơn TLHT Tomahawk tới 500 km).

Sau hàng loạt cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, TLHT 3M10 Granat đã được chấp thuận đưa vào trang bị cho lực lượng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình chiến lược thế hệ mới Đề án 885 Yasen của Hải quân Liên Xô kể từ ngày 31/12/1983.

Cho tới trước khi bị ngừng triển khai do vướng Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) vào cuối năm 1988, Liên Xô đã có trong tay khoảng 100 quả 3M10 Granat.

So với TLHT 3M10 Granat, TLHT 3M-14 Kalibr-NK có thiết kế tương tự, nhưng ngắn hơn và tích hợp dẫn đường vệ tinh, đồng thời thay đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn thường.

Việc thiết kế chiều dài thân ngắn hơn này nhằm đảm bảo cho TLHT 3M-14 Kalibr-NK có thể trang bị cho tàu chiến loại nhỏ và có thể lắp trên các tàu chiến thiết kế ống phóng lôi 533 mm theo chuẩn NATO khi bán ra thị trường vũ khí quốc tế.

Theo thiết kế, tầm bắn của TLHT 3M-14 Kalibr-NK mang đầu đạn hạt nhân là 2600 km và mang đầu đạn thường là 1750 km. Trong khi đó, tầm bắn của phiên bản xuất khẩu 3M-14E chỉ giới hạn trong 300 km theo pháp luật quốc tế về chuyển giao công nghệ tên lửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại