Siêu khí cầu trinh sát - Dự án thảm bại của Mỹ

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Lầu Năm Góc đã phải bán lại siêu phẩm trinh sát phức tạp này về nơi sản xuất với giá chỉ 301.000 USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản đầu tư ban đầu.

Trong thời điểm cao trào của cuộc chiến tranh Afghanistan, Lầu Năm Góc đã quyết định bỏ ra 297 triệu USD để thực hiện dự án chế tạo một siêu khí cầu trinh sát tầm xa (LEMV) có chiều dài bằng cả một sân bóng đá, loại thiết bị này được hứa hẹn có khả năng hoạt động trên không gian chiến trường nhiều tuần liên tiếp và thu được những thông tin tình báo quan trọng.

Tuy nhiên, ngay khi quân đội Mỹ giảm dần sự hiện diện ở Trung Đông, những kế hoạch đối với trung tâm trinh sát không người lái này cũng dần tiêu tan. Dự án LEMV sau đó đã chậm tiến độ khá lâu, kết quả cuối cùng là nó nặng hơn so với dự tính gần 6 tấn. Cuối cùng, người Mỹ đã phải hủy dự án này chỉ sau một lần thử nghiệm duy nhất.

Hồi tháng trước, Lầu Năm Góc đã phải lặng lẽ bán lại siêu phẩm trinh sát phức tạp này về nơi sản xuất là một công ty của Anh với giá chỉ 301.000 USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản đầu tư ban đầu.

 	Chiếc LEMV trước buổi thử nghiệm duy nhất diễn ra tại bang New Jersey

Chiếc LEMV trước buổi thử nghiệm duy nhất diễn ra tại bang New Jersey

Siêu khí cầu trinh sát của quân đội Mỹ ban đầu được đánh giá là một ý tưởng hàng không mang tính cách mạng, có thể mang lại những hình ảnh liền mạch về chiến trường cho người lính. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng hạn hẹp hiện nay, dự án này là minh chứng cho sự lãng phí về quân sự của Mỹ.

Chính Thượng nghị sĩ John McCain cũng không lý giải nổi tại sao đến bây giờ chương trình tốn kém này mới bị hủy bỏ.

"Những quyết định đó lẽ ra nên được đưa ra sớm hơn, khi mà nó ít tốn kém tiền của của người dân hơn. Điều quan trọng là tại sao chương trình này lại được phép tiếp tục, khi mà các nhà quản lý cấp cao và đối tác thực hiện đã biết hoặc ngờ rằng chi phí ban đầu, kế hoạch và hoạt động đã không còn hiệu quả?"

Sau khi dự án bị hủy, quân đội Mỹ vẫn duy trì những dữ liệu kỹ thuật và phần mềm máy tính dành cho dự án này và nó sẽ là cơ sở quan trọng cho các dự án khác trong tương lai. Việc bán siêu phẩm này đi về lâu dài sẽ góp phần tiết kiệm được nhiều chi phí.

John Cummings, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho rằng họ đã học hỏi được khá nhiều về công nghệ này, tuy vậy, cuối cùng họ cũng quyết định dừng theo đuổi nó.

 

Từ thời điểm được khởi động, LEMV là một chương trình đầy tham vọng với kì vọng có thể bay liền 3 tuần trong một lần hoạt động, thu thập những thông tin tình báo quan trọng thông qua camera, các thiết bị cảm biến và công nghệ theo dõi tiên tiến nhất. Bay trên độ cao trên 6.000m, LEMV được thiết kế có thể chịu đựng được hỏa lực của kẻ thù bởi nó được làm từ những sợi tổng hợp đặc biệt gồm có cả sợi Kevlar, loại chất liệu được sử dụng làm áo chống đạn.

Lầu Năm Góc nảy sinh ý tưởng này bởi họ ngày càng phải sử dụng nhiều máy bay không người lái để theo dõi chiến trường. Những thành công tương đối của công nghệ chế tạo máy bay không người lái giúp mang lại khả năng theo dõi các mục tiêu trong thời gian dài là cơ sở cho việc chế tạo một loại máy bay có thể giám sát liên tục một khu vực rộng lớn không chỉ trong vài giờ mà nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Đây chính là cơ sở khẳng định sự cần thiết phải sở hữu một loại thiết bị với khả năng như trên.

Tháng 6/2010, quân đội Mỹ đã ký kết một hợp đồng với hãng Hybrid Air Vehicles của Anh cùng tập đoàn Northrop Grumman nhằm phát triển tổng số 3 khí cầu nói trên.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng mong muốn có được kết quả nhanh chóng với mục tiêu phát triển và thử nghiệm LEMV trong vòng 18 tháng, đây quả là một khung thời gian đầy tham vọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng hiện nay. Sau khi chế tạo xong, LEMV sẽ được chuyển đến khu vực Trung Đông để kiểm tra và đánh giá hoạt động.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng kế hoạch này là khả thi bởi công ty Hybrid Air Vehicles trước đó đã từng sản xuất ra những mẫu khí cầu như vậy. Thiết bị sau đó có hình dạng giống hai quả bóng bay chập vào nhau.

Northrop, nhà tiên phong trong ngành công nghệ UAV và cảm biến, tham gia cung cấp việc tích hợp các hệ thống, hoạt động bay và điều khiển mặt đất. Công ty này đã phải huy động 40% kĩ sư ở El Segundo và Rancho Bernardo làm việc hết tốc lực trên các phần mềm máy tính nhằm biến con tàu nặng nề này thành một UAV thực sự.

Tham gia chế tạo con tàu có các nhà thầu phụ đến từ 18 bang và ít nhất 3 quốc gia, nó được thiết kế, chế tạo và bay sau 26 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng. Theo đó bên cạnh việc chậm 8 tháng so với kế hoạch ban đầu, LEMV lại gặp phải một vấn đề khác đó là vượt quá tải trọng tới gần 6 tấn. Điều này sẽ làm giảm chiều cao hoạt động cũng như thời gian hoạt động theo yêu cầu 21 ngày xuống chỉ còn 4-5 ngày.

Trong chuyến bay đầu tiên và cũng là duy nhất, phi thuyền này bay trong vòng hơn 90 phút trên căn cứ không quân hải quân Lakehurst, ở New Jersey vào tháng 8/2012.

LEMV được kỳ vọng sẽ hướng tới Afghanistan ngay sau khi thử nghiệm, tuy nhiên điều này không bao giờ xảy ra. Tháng 2 vừa qua, dự án này bị hủy bỏ cùng các chương trình quân sự khác bao gồm dự án chế tạo phi thuyền trị giá 211 triệu USD cho Không quân Mỹ. Ngay khi quyết định hủy bỏ được đưa ra, toàn bộ các hệ thống camera, cảm biến năng lượng cao và thiết bị liên lạc của LEMV cũng được tách riêng, khí heli được rút hết để bán lại.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng hạn hẹp, thì những người có liên quan đến dự án này càng nhận rõ những gì họ đã làm được với số tiền chi ra không nhỏ ban đầu và hiện tại họ thu về được gì.

Steve Ellis thuộc tổ chức Taxpayers for Common Sense (TCS) bức xúc phát biểu rằng “Chúng tôi không kỳ vọng mọi dự án mua sắm quốc phòng đều hoạt động tốt. Tuy nhiên dự án này thực sự là một "quả đắng" đối với Lầu Năm Góc. Hiện chỉ có các nhà thầu cảm thấy vui, họ được trả hàng triệu USD, và hiện tại họ lại sở hữu chính sản phẩm của mình”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại