Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, Moscow và Riyadh đã hứa hẹn với nhau về khả năng ký kết các hợp đồng Nga bán vũ khí cho Saudi Arabia, đặc biệt trong đó có các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander - nỗi kinh hoàng của các nước NATO.
"Mối liên lạc chặt chẽ đang diễn ra giữa chuyên gia quân sự hai nước để thảo luận diện việc mua sắm vũ khí Nga trên diện rộng, trong đó tổ hợp tên lửa Iskander" - người đứng đầu Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, ông Adel Al-Dzhubeyr cho biết.
Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, ông Adel Al-Dzhubeyr đã cho biết là các liên lạc này có thể đem lại thành tựu lớn trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia từ chối tiết lộ các thông tin chi tiết.
Thời gian vừa qua, giới truyền thông đã rầm rộ đưa tin, Nga cũng đã chủ động chào bán hàng loạt tinh hoa quốc phòng của mình cho quốc gia Ả rập này, ví dụ như tên lửa Iskander-E, và tổ hợp tên lửa bờ đối hải của Nga và một số phương tiện kỹ thuật hải quân khác.
Ngày 5-7, trang RIAN (Nga) dẫn lời Phó tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport, Igor Sevastyanov cho biết, Nga tiếp tục mời chào Saudi Arabia mua tên lửa Iskander-E, nếu Saudi Arabia thực sự mong muốn, mọi việc sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga Valery Varlamov, bản danh sách khách hàng được Nga ưu tiên chào mời mua tên lửa Iskander-E đang ngày một dài ra, trong đó có Saudi Arabia, Kazakhstan, Việt Nam, Belarus..., nhưng đặc biệt là không có tên Trung Quốc.
Tên lửa Iskander (phiên hiệu NATO: SS-X-26) được xếp vào dạng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, là loại tên lửa cấp chiến dịch - chiến thuật tiên tiến nhất hiện đang được trang bị trong quân đội Nga, được Bộ Quốc phòng Nga đặt mua và trang bị cho lực lượng lục quân từ năm 2005.
Hệ thống Iskander sử dụng tên lửa đạn đạo 1 tầng, nhiên liệu rắn, được điều khiển trong suốt quá trình bay.
Nó có chiều dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 480kg, có thể bay trên độ cao 50km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phóng cả tên lửa hành trình.
Mỗi xe chở - phóng có 2 quả đạn và dự trữ 2 quả.
Trong vòng 1 phút xe này có thể hoàn tất phóng cả 2 tên lửa, có thể mang các đầu đạn khác nhau, (kể cả đầu đạn hạt nhân), rất hiệu quả trong việc phá hủy các công trình quân sự cố định của đối phương như: Sân bay, kho tàng, trung tâm chỉ huy…
Hệ thống Iskander có 2 phiên bản. tổ hợp chuyên dùng cho xuất khẩu là Iskander-E có tầm phóng tối đa 280km, tối thiểu 50km; phiên bản dùng trong nước là Iskander-M, có khả năng tấn công tầm xa 480km và có thể hơn nữa (nếu sử dụng tên lửa hành trình P-500, tầm bắn là 2000km).
Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.
Được biết, trong khi đang dạm mua tên lửa tấn công mặt đất của Nga thì Saudi Arabia cũng vừa đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 (PAC-3) của Mỹ và đã Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đồng ý cấp phép xuất khẩu vào ngày 30-7 vừa qua.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố là Bộ Ngoại giao nước này đã thông qua gói xuất khẩu tên lửa phòng không PAC-3 của nhà thầu Lockheed Martin cho Saudi Arabia với giá 5,4 tỷ USD, cùng với thỏa thuận bán cho Saudi Arabia lượng lớn đạn dược, trị giá 500 triệu USD.
Được biết, theo quy định, Lầu Năm Góc sẽ phải tiếp tục báo cáo lên và chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt. Tuy nhiên, với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, việc được lưỡng viện Hoa Kỳ phê duyệt chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo báo cáo về thị trường thương mại vũ khí năm 2014 vừa mới công bố của IHS cho biết, Saudi Arabia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới năm 2014.
Nước đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất là Trung Quốc.
Số liệu thống kê của IHS cho thấy, năm 2014, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Saudi Arabia tăng chóng mặt lên mức 54% so với năm 2013, và được dự báo sẽ tăng thêm 52% trong năm nay, đạt mức 9,8 tỷ USD.
Điều này đồng nghĩa với việc, cứ 7 USD được chi cho nhập khẩu vũ khí trên thế giới trong năm 2015, có 1 USD là do Saudi Arabia chi ra.