“Sát thủ” săn ngầm của Triều Tiên có thể khiến Hàn Quốc run rẩy?

Hạm đội tàu ngầm hiện đại của Hàn Quốc có lý do phải e dè nếu Hải quân Triều Tiên sở hữu tàu săn ngầm Krivak.

Theo các hình ảnh vệ tinh Google Earth năm 2003 “do thám” cảng Nampo (tỉnh Nam Pyongan), Hải quân Triều Tiên có thể sở hữu khinh hạm lớp Krivak Project 1135 do Liên Xô sản xuất. Nếu điều này là sự thật thì lực lượng tàu ngầm Hàn Quốc có lý do phải lo ngại, bởi Krivak là tàu chiến thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ săn tàu ngầm với vũ khí mạnh mẽ.

“Cơn ác mộng” của tàu ngầm

Khinh hạm săn ngầm Krivak Project 1135 có chiều dài 123,5m, chiều rộng 14,1m, mớn nước 4,6m, lượng giãn nước toàn tải 3.575 tấn. Krivak được trang bị hệ thống động lực kết hợp tuabin khí COGAG 2 cho phép tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động tới 9.200km.

Chiếc tàu được cho thuộc lớp Krivak neo đậu tại cảng Nampo, Triều Tiên.

Để thực hiện nhiệm vụ chống ngầm, tàu được trang bị tổ hợp tên lửa RPK-3 Metel (NATO định danh SS-N-14 Silex). Đạn tên lửa được bố trí trong 4 ống phóng phía trước mũi tàu.

Đạn tên lửa RPK-3 dài 7,2m, trọng lượng phóng 3,93 tấn. RPK-3 trang bị động cơ rocket nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tối đa 50km, tốc độ bay cận âm.

Riêng về đầu đạn, RPK-3 có thể mang ngư lôi chống tàu ngầm AT-1, đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thuốc nổ thường nặng 185kg (dùng để chống tàu mặt nước).

Trong tác chiến chống tàu ngầm, hệ thống định vị thủy âm khi phát hiện tàu ngầm thì tàu sẽ phóng tên lửa RPK-3 về phía vị trí mục tiêu.

Khi tới mục tiêu, ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa và lao xuống mặt nước. Quả ngư lôi kích hoạt tự tìm kiếm và tấn công tàu ngầm ở độ sâu tối đa tới 500m.

Khinh hạm săn ngầm Krivak của Hải quân Liên Xô.

Lợi thế của tên lửa chống ngầm là tốc độ cao, quả ngư lôi sẽ nhanh chóng đến vị trí mục tiêu. Điều đó làm kẻ địch bị bất ngờ và không có nhiều thời gian để đối phó.

Ngoài vũ khí chống tàu ngầm tầm xa RPK-3, Krivak Project 1135 còn bổ sung thêm 2 hệ thống rocket săn ngầm RBU-6000 và 8 ống phóng ngư lôi 533mm có thể tiêu diệt tàu ngầm ở tầm hơn 10km trở lại.

Để tự phòng vệ chống mục tiêu trên không, Krivak Project 1135 lắp hai hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Osa-MA tiêu diệt mục tiêu ở tầm 15.000m.

Krivak Triều Tiên có thực sự hoạt động?

Mặc dù những hình ảnh vệ tinh đều xác nhận Triều Tiên thực sự sở hữu tàu săn ngầm Krivak. Tuy nhiên, liệu con tàu này có hoạt động trong Hải quân Triều Tiên hay không là một dấu hỏi lớn.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, con tàu được Triều Tiên mua trong tình trạng tháo bỏ hệ thống vũ khí, radar. Nghĩa là con tàu trước đó đã bị loại khỏi trang bị của Hải quân Nga, không còn hoạt động.

Một số nguồn tin nhận định, thân tàu vẫn còn nguyên vẹn và Triều Tiên có kế hoạch lắp đặt hệ thống vũ khí (pháo hạm, tên lửa chống tàu/chống ngầm) lên tàu “rỗng” đó. Sau đó, nó có thể trở thành “soái hạm” của Hải quân Triều Tiên. Thông tin này càng được củng cố vì có một nhà máy đóng tàu nằm gần cảng Nampo.

Tuy nhiên, mọi thông tin về tàu săn ngầm Krivak Project 1135 của Triều Tiên cho tới thời điểm này đều không rõ ràng. Theo hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Google, Krivak đã không còn đậu tại cảng Nampo, có khả năng con tàu đã được phá dỡ làm phế liệu hoặc có khả năng thấp hơn là chính thức đưa vào trang bị.

Dẫu sao, cho tới khi rõ ràng số phận của tàu chiến Krivak, Hàn Quốc vẫn có lý do lo lắng cho hạm đội tàu ngầm của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại