Trong thời kỳ 1965-1973, Không quân Mỹ đã sử dụng lực lượng lớn chưa từng thấy tham chiến tại Việt Nam. Chỉ riêng ở Bắc Việt Nam, lực lượng này đã thực hiện 900.000 phi vụ, ném hơn 1 triệu tấn bom, 21.973 bom mìn từ trường…
Tuy vậy, mạng lưới phòng không dày đặc ở miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề và làm cho các phi công Mỹ kinh hoàng mỗi khi phải bay vào tọa độ lửa này.
Theo thống kê của Lầu Năm Góc, chỉ trong chiến dịch “Sấm rền” 1965-1968, Mỹ đã mất số máy bay trị giá 6 tỷ USD (thời giá 1968) để gây thiệt hại 600 triệu USD cho đối phương.
Đó là chưa kể tổn thất còn đắt giá hơn về nhân lực cao cấp với hàng trăm phi công thiệt mạng và bị bắt. Đây là bất ngờ quá lớn đối với không lực Mỹ vốn tự cho là “có sức mạnh không thể tưởng tượng nổi”.
Hàng chục chiếc UAV BQM-34A đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc giai đoạn 1965-1973.
Sau đó, giới chức quân sự Mỹ chuyển hướng giải quyết giảm thiệt hại là sử dụng các loại máy bay không người lái (UAV), những chiến binh rẻ tiền hơn và không biết sợ. Mỹ chủ yếu sử dụng UAV tầng cao BQM-34A (trần bay tới 20.000m) và loại UAV tầng thấp như AQM-34 (bay thấp tới 200m) với nhiều kiểu cải tiến đều có kích thước và mặt phản xạ radar nhỏ hơn máy bay có người lái: thân dài chỉ 7- 9,1m, nặng từ 1.134-1.527 kg.
Các UAV này có tốc độ khá nhanh, gần 1.200 km/h và tầm bay tới 1.430 km. Chúng được phóng từ máy bay vận tải quân sự C-130 bay ngoài vùng hỏa lực phòng không và đã thực hiện 3.400 phi vụ.
Thời kỳ đầu khi bộ đội Việt Nam chưa có tên lửa, UAV thường bay cao hơn 10 km để tránh hỏa lực của pháo cao xạ cũng như các loại vũ khí cỡ nhỏ và ít bị tổn thất.
Ngày 26/7/1965, chỉ 2 ngày sau trận đầu thắng lợi, bộ đội Tên lửa Việt Nam lại lập chiến công bắn rơi tại chỗ chiếc UAV BQM-34A ở độ cao lớn 18 km.
Ngày 7/2/1966, Tiểu đoàn tên lửa 84 đã bắn rơi chiếc BQM-34A đang bay ở độ cao tối đa 20 km, xác máy bay được đưa về để Bác Hồ xem khi đến thăm Quân chủng PK-KQ. Đặc biệt, ngày 4/3/1966 Mỹ sử dụng đồng thời 3 chiếc BQM-34A từ ba hướng bay vào trinh sát Hà Nội đã bị bộ đội tên lửa và không quân miền Bắc bắn rơi cả 3.
Hơn 8 tháng sau, 3/5 chiếc BQM-34A vào trinh sát miền Bắc từ nhiều hướng đã bị tên lửa bắn rơi tại chỗ. Do loại UAV tầng cao bị bắn rơi nhiều nên từ năm 1966 Mỹ đã đưa vào sử dụng loại UAV tầng thấp AQM-34 với các kiểu cải tiến 147-J, S, SC, NC, SRE…bay ở độ cao cực thấp (200-500m) với tốc độ 250m/s, khi bay ra lại tăng độ cao rất nhanh lên 18 km. Mục tiêu nhỏ, bay thấp lẫn với địa hình, biến đổi độ cao nhanh…nên lúc đầu rất khó phát hiện, thường là ở cự ly quá gần và không đủ thời gian để bắn.
Từ năm 1968, loại 147-SRE có thể bay đêm và trong thời tiết xấu, gây khó khăn hơn cho pháo cao xạ và máy bay miền Bắc đánh chặn. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, ta đã nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó: theo dõi kỹ quy luật hoạt động của C-130, từ đó phát hiện chính xác thời điểm phóng UAV; triển khai mạng quan sát mắt khắp nơi để báo động kịp thời cho lực lượng trực chiến.
Bác Hồ xem xác máy bay UAV tại Bộ tư lệnh PK-KQ. (Ảnh Tư liệu)
Theo số liệu của Quân chủng PK-KQ, trong 6 tháng đầu 1968, có 21 UAV, cuối năm máy bay tiêm kích miền Bắc lại bắn rơi 7 chiếc UAV 147-J, tên lửa và cao xạ bắn rơi 11 chiếc khác…
Năm 1969, có tuần cả tên lửa, cao xạ và Không quân bắn rơi 6 chiếc UAV bay thấp. Chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị dân quân Quảng Bình bắn rơi ngày 17/1/1973 ở miền Bắc là 1 chiếc UAV bay thấp.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm trước một số loại UAV cỡ nhỏ đã được sử dụng làm mục tiêu bay cho PK-KQ luyện tập. Sau đó việc nghiên cứu, chế tạo máy bay UAV điều khiển theo chương trình đã được Quân chủng PK-KQ triển khai từ năm 2001 với mục đích làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh, quan sát vùng biển, thông tin liên lạc...
Sau 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm, tháng 9/2005, hai mẫu máy bay M-400CT đầu tiên đã bay báo cáo. Loại UAV này với tốc độ từ 250 đến 280km/giờ, có kết cấu nhiều khoang để lắp đặt các thiết bị khác nhau tùy theo nhiệm vụ và có thể cất cánh từ đường băng hoặc từ thiết bị phóng chuyên dụng. Việt Nam cũng đang hợp tác với Nga để sản xuất UAV cỡ nhỏ cho giám sát từ xa, phát hiện cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, tuần tra biển đảo...
Mỹ đi đầu trong lĩnh vực này khi quân đội có tới 700 UAV các loại. Hai loại UAV được Mỹ sử dụng nhiều là Predator và Global Hawk. UAV chiến đấu Predator dài 8,2m, nặng 1.020 kg, bay cao 7.500m, tốc độ 225 km/h với thời gian bay liên tục tới 42h, có thể trinh sát chụp ảnh và mang 8 tên lửa diệt tăng Hellfire.
UAV trinh sát tầm xa Global Hawk dài 13,4m, nặng 10,5 tấn, có thể bay cao tới 30.000m với tốc độ 740 km/h, tầm bay 6.000 km với thời gian bay liên tục 48h (gấp 4 lần loại máy bay U-2 nổi tiếng). Tuy lợi hại nhưng đây không phải là loại vũ khí bất khả chiến bại. Luôn bay theo chương trình nhất định, tốc độ không lớn, không có khả năng cơ động tránh đối phương, hệ thống GPS dễ bị gây nhiễu…là những yếu điểm cố hữu của UAV.