"Sát thủ máy bay tàng hình" Buk-M3 Nga có gì đặc biệt?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Buk-M3 là biến thể hiện đại nhất của tổ hợp tên lửa phòng không Buk, dự kiến sẽ được đưa vào trang bị trong Lục quân Nga vào năm 2016.

Tên lửa phòng không tầm trung 9K317M Buk-M3 là biến thể mới nhất của hệ thống tên lửa Buk, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay, cánh cố định, máy bay tàng hình và máy bay không người lái. Tổ hợp tên lửa Buk-M3 được phát triển bởi Viện nghiên cứu mang tên Tihomirova.

Hình ảnh tổ hợp tên lửa Buk-M3 tại triển lãm MAKS 2013.

Hình ảnh tổ hợp tên lửa Buk-M3 tại triển lãm MAKS 2013 với 6 ống phóng tên lửa.

Vào tháng 9 năm 2007, có nguồn tin cho rằng, tên lửa phòng không Buk-M3 sẽ được đưa vào trang bị trong năm 2009 nhưng kế hoạch này đã không trở thành hiện thực. Đến cuối năm 2012, nửa đầu năm 2013, thông tin tổ hợp sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, tuy nhiên vào cuối năm 2013, các phương tiện truyền thông báo cáo rằng việc cung cấp Buk-M3 cho lực lượng vũ trang Nga được lên kế hoạch vào năm 2016.

Hiện thông tin chi tiết về tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại Buk-M3 vẫn chưa được công bố.

Buk-M3 xuất hiện trên một tờ ảnh lịch 2014 của quân đội Nga.

Buk-M3 xuất hiện trên một tờ ảnh lịch 2014 của quân đội Nga.

Theo một số tài liệu, cũng giống như các biến thể Buk trước đó, cấu trúc của mỗi tổ hợp tên lửa Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, xe radar, xe vận chuyển-phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn.

Tuy nhiên, so với các biến thể tiền nhiệm và đặc biệt là so với Buk-M2 – biến thể hiện đại nhất đang được sử dụng trong lực lượng phòng không Nga và một số quốc gia thì Buk-M3 vượt trội hơn do có khả năng mang được nhiều tên lửa hơn trên bệ phóng.

Mô hình xe phóng tự hành 9A317M của tổ hợp tên lửa Buk-M3 tại Công ty Start.

Mô hình xe phóng tự hành 9A317M của tổ hợp tên lửa Buk-M3 tại Công ty Start.

Trong đó, Buk-M3 sử dụng thiết bị xe phóng tự hành 9A317M có thể mang 6 tên lửa trên bệ phóng-vận chuyển với một radar mạng pha đa chức năng của công ty Avtoritet. Thiết bị xe phóng chấp hành 9A316M của tổ hợp tên lửa Buk-M3 có thể mang tới 12 tên lửa trên bệ phóng, trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng và 6 tên lửa dự trữ trên khay giữ ngay dưới bệ phóng.

Mô hình thử nghiệm xe phóng chấp hành 9A316 M cho tổ hợp tên lửa Buk-M3 với 12 đạn tên lửa của Công ty Start.

Mô hình thử nghiệm xe phóng chấp hành 9A316 M cho tổ hợp tên lửa Buk-M3 với 12 đạn tên lửa của Công ty Start.

Cả xe phóng tự hành 9A317M và xe phóng chấp hành 9A316M của Buk-M3 đều được Công ty Start phát triển trên cơ sở khung gầm GM-5969 (7 trục) của hãng sản xuất Mytishchi. Vào năm 2012, Start đã chuẩn bị các tài liệu cho việc sản xuất hàng loạt xe phóng tự hành 9A317M và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316M trên khung gầm GM-5969. Khung gầm này sử dụng hệ truyền động thủy lực và hệ thống điều khiển thông tin tác chiến mới BIUS/БИУС. Đặc biệt, khung gầm GM-5969 được thiết kế với tải trọng lớn để có thể mang được nhiều hơn các tên lửa trên bệ phóng và tên lửa dự trữ.

Xe phóng chấp hành tổ hợp tên lửa Buk-M2.

Xe phóng chấp hành tổ hợp tên lửa tiền nhiệm Buk-M2 chỉ mang được 8 đạn tên lửa.

Xe phóng tự hành của tổ hợp tên lửa Buk-M1-2 chỉ mang được 4 đạn tên lửa.

Xe phóng tự hành của tổ hợp tên lửa Buk-M1-2 chỉ mang được 4 đạn tên lửa.

Về đạn tên lửa, Buk-M3 cũng sử dụng loại đạn tên lửa 9M317M, biến thể hiện đại hóa của tên lửa 9M317 được Viện nghiên cứu khoa học NIIP phát triển cho cả lục quân và hải quân Nga. Tên lửa 9M317M được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, tên lửa đường đạn (chiến thuật, chiến lược); máy bay và trực thăng kể cả trong môi trường bị nhiễu mạnh.

9M317M bắt đầu được phát triển từ những năm 2000 và lần đầu tiên được giới thiệu tại cuộc triển lãm quốc tế Defendory International - 2006 diễn ra tại Hy Lạp. Theo báo cáo thường niên năm 2011 của Almaz-Antey, một trong những hãng sản xuất vũ khí lớn nhất của Nga. Tập đoàn này đã tiến hành thành công bài kiểm tra nhà nước đối với tổ hợp tên lửa phòng không 9K317M Buk-M3 sử dụng tên lửa 9M317M.

Tên lửa 9M317ME (biến thể xuất khẩu của 9M317M) tại triển lãm hải quân quốc tế MVMS-2013 lần thứ 6.

Tên lửa 9M317ME (biến thể xuất khẩu của 9M317M) tại triển lãm hải quân quốc tế MVMS-2013 lần thứ 6.

Đạn tên lửa 9M317M sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 5,08 m, đường kính 0,36 m và sải cánh 0,82 m. Tên lửa mang đầu đạn nặng 62kg và áp dụng phương thức nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu.

9M317M được lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm chế độ quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar doppler chủ động ở pha cuối. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa 3.000m/s, ở cự ly xa đến 2.5-70km và độ cao từ 15m tới 35km. 9M317M có thể được lưu trữ trong kho mà không cần bảo trì thường xuyên trong thời gian tới 15 năm.

Đạn tên lửa 9M317ME  trong tổ hợp tên lửa Shtil-1 tại MVMS-2013.

Đạn tên lửa 9M317ME trong tổ hợp tên lửa Shtil-1 tại MVMS-2013.

Ngoài tổ hợp tên lửa Buk-M2 và Buk-M3, đạn tên lửa 9Mk317M còn được sử dụng trên các tổ hợp tên lửa phòng không Shtil-1 của Hải quân Nga.

Vào cuối năm ngoài, RIA Novosti dẫn lời Tư lệnh binh chủng phòng không trực thuộc Lục quân Nga cho biết Nga đang trong quá trình thay thế các tổ hợp tên lửa Buk-M1 bằng các tổ hợp Buk-M2 hiện đại hơn, và sẽ bắt đầu trang bị Buk-M3 vào năm 2016.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại