Điều đó đồng nghĩa với việc Israel đã đánh bại một đối thủ lớn là tên lửa Javelin của Mỹ, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang tích cực của Washington.
Tên lửa chống tăng Spike.
Ấn Độ sẽ mua ít nhất 8.000 tên lửa Spike cùng hơn 300 bệ phóng với tổng giá trị hợp đồng lên đến 525 triệu USD - nguồn tin trên cho biết sau cuộc họp với Hội đồng mua sắm Quốc phòng Ấn Độ.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang đẩy mạnh giải quyết các đơn hàng quốc phòng còn tồn đọng và tăng cường sức mạnh của quân đội Ấn Độ sau những căng thẳng biên giới gần đây với Trung Quốc, cũng như một số cuộc đấu súng thời gian qua ở biên giới với Pakistan.
"An ninh quốc gia là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ. Tất cả các rào cản và vướng mắc trong quá trình mua sắm cần được giải quyết nhanh chóng nhằm không ảnh hưởng đến tiến trình mua sắm," Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley nói.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết họ vẫn còn thảo luận về hợp đồng cung cấp tên lửa Javelin cho Ấn Độ, trong một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước thông qua chia sẻ công nghệ chế tạo.
Theo một bài viết hồi tháng 10/2013 trên trang mạng Defense News, Mỹ đã đề nghị hợp tác sản xuất tên lửa chống tăng Javelin với Ấn Độ. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết phía Mỹ muốn bán cho Ấn Độ khoảng 6.000 đơn vị trong vòng 1 năm sau khi ký kết hợp đồng, sau đó Mỹ sẽ cùng sản xuất với Ấn Độ. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ cùng phát triển một phiên bản tên lửa chống tăng nội địa cho Ấn Độ.
Mỹ cũng sẽ chấp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo Javelin, bao gồm sản xuất đầu đạn, động cơ, nhiên liệu, hệ thống dẫn đường và tìm kiếm nhưng không bao gồm thuật toán dẫn đường.
Các nhà phân tích ước tính rằng Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, sẽ chi khoảng 250 tỷ USD nhằm nâng cấp kho vũ khí từ thời Liên Xô và thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc khi nước này chi ngân sách hàng năm cho quốc phòng gấp 3 lần so với Ấn Độ.
Spike là dòng tên lửa chống tăng hoạt động theo nguyên tắc "bắn và quên", do công ty Rafael Advanced Defense Systems chế tạo.
Hiện nay, tên lửa chống tăng Spkie có một số phiên bản như:
- Phiên bản Spike-SR: Đây là phiên bản tầm ngắn của tên lửa Spike với tầm bắn tối thiểu 50m, tối đa 800m, đầu đạn có thể xuyên được giáp phản ứng nổi ERA
- Phiên bản Spike-MR: là phiên bản tầm trung, tên lửa có khối lượng 14kg, tầm bắn tối thiểu 200m, tối đa 2.500m
- Phiên bản Spike-LR: phiên bản tầm xa, tên lửa có khối lượng 14kg và khối lượng toàn bộ hệ thống (bao gồm ống phóng, kính ngắm và giá ba chân) không quá 45kg. Tầm bắn tối đa của phiên bản này lên đến 4.000m.
- Phiên bản Spike-ER: là phiên bản có tầm phóng cực xa với tầm bắn tối đa lên đến 8.000m, tên lửa có khối lượng 30kg.
Ngoài ra, còn có một số phiên bản khác như Spike-NLOS và Mini-Spike.
Tên lửa chống tăng Spike đang được một số quốc gia sử dụng như Anh, Azerbaijan, Bỉ, Chi lê, Phần Lan, Đức, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc,...