Truyền thông Triều Tiên hôm 7/2 đăng tải hình ảnh về cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chống tàu mới của nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã có mặt để thị sát cuộc bắn thử.
Tờ Rodong Sinmun mô tả đây là "một loại mới của tên lửa chống hạm do các nhà khoa học Triều Tiên phát triển và sẽ mang đến "một sự thay đổi lớn trong khả năng bảo vệ lãnh hải của hải quân".
Một ngày sau đó, Triều Tiên bắn tiếp 5 tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển ngoài khơi phía đông nước này.
Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), tên lửa chống tàu của Triều Tiên dường như có thiết kế tương đồng với tên lửa diệt hạm Kh-35 của Nga.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Bình Nhưỡng nhận tên lửa từ đâu hoặc sản xuất như thế nào và khả năng thật sự của loại vũ khí này vẫn là một ẩn số.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa chống tàu của Triều Tiên
Triều Tiên có thể đã cải tiến Kh-35
Tác giả Prashanth Param của The Diplomat cho rằng để mổ xẻ khả năng của tên lửa diệt hạm Triều Tiên thì đầu tiên, cần đặt ra câu hỏi: Tên lửa Kh-35 có những khả năng nào?
Theo Param, được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến không đối đất và đất đối đất, Kh-35 có khả năng tiêu diệt các tàu tải trọng đến 5.000 tấn.
Thông thường, do Kh-35 có tốc độ dưới âm và hệ thống dẫn đường không mấy hiện đại nên bất cứ tàu nào có hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, tinh vi, như các tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc, đều đánh chặn được tên lửa này.
Kh-35 có tầm bắn gần 130km, mang một đầu đạn nặng 145kg. Tên lửa trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động và có thể di chuyển với tốc độ tối đa 300m/s.
Tên lửa chống tàu của Triều Tiên được cho là giống với tên lửa Kh-35 của Nga
Dựa trên đánh giá của Hàn Quốc khi các tên lửa giống Kh-35 lần đầu xuất hiện trong một bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên mùa hè năm ngoái, Bình Nhưỡng có thể đã tiến hành một số sửa đổi đối với thiết kế của Nga để phục vụ mục đích riêng.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey ở Mỹ, Triều Tiên từng thử nghiệm một tên lửa SS-21 Tochka với tầm bắn mở rộng.
Do vậy, Bình Nhưỡng có thể đã tiến hành một số cải tiến quan trọng đối với Kh-35.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa có tầm bắn khoảng 200km, tăng 53% so với thiết kế gốc của Kh-35 (không kể trọng lượng đầu đạn).
Tên lửa diệt hạm Triều Tiên có đáng sợ?
Vấn đề mấu chốt là: Liệu tên lửa diệt hạm của Triều Tiên dùng để khoe cơ bắp, phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn hay nhằm đối phó các tàu chiến mặt nước của Hàn Quốc?
Theo Param, những tên lửa này có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với những tàu chiến cũ của Hàn Quốc.
Hải quân Hàn Quốc (ROK) vẫn sử dụng nhiều tàu chiến cũ để tuần tra đường giới hạn phía bắc (NLL). Đây là nơi thường xảy ra đụng độ giữa tàu Hàn Quốc và tàu Triều Tiên).
Với Kh-35, Triều Tiên có thể dễ dàng đánh chìm một tàu hộ tống lớp Pohang có lượng giãn nước 1.200 tấn.
Mỗi tàu hộ tống Pohang có thủy thủ đoàn gần 90 người và nếu sự cố nói trên xảy ra, nó sẽ làm liên tưởng đến vụ chìm tàu Cheonan, lớp Pohang của Hàn Quốc năm 2010, được cho là do Triều Tiên tấn công bằng ngư lôi.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un theo dõi quá trình phóng tên lửa
Yang Uk, một nhà nghiên cứu từ Diễn đàn an ninh và quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo rằng, tên lửa mới là dấu hiệu cho thấy tầm bắn của tên lửa Triều Tiên ngày càng xa hơn.
Joseph S. Bermudez, một nhà phân tích quốc phòng, nhận định:
Tên lửa mới của Triều Tiên có thể mang lại mối đe dọa lớn đối với các tàu của Hải quân Mỹ và Hàn Quốc nếu nó được tích hợp thành công cho lực lượng Hải quân Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng triển khai tên lửa để phòng thủ bờ biển và phóng từ trên không.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng một vụ thử nghiệm đơn thuần sẽ không tiết lộ nhiều về hiệu quả của tên lửa trong thực tế.
Bermudez cho hay, từ trước đến nay, Triều Tiên không thật sự thành công trong việc tích hợp các hệ thống cần thiết để tận dụng tối đa sức mạnh của vũ khí.
Việc tìm hiểu khả năng thật sự của nước này là một thách thức bởi hoạt động nội bộ của họ vốn được giữ kín.
Do đó, vẫn có khả năng tên lửa này không vượt trội như những gì truyền thông Triều Tiên ca ngợi hay như bề ngoài của cuộc thử nghiệm.