Còn nhớ, cách đây không lâu, Israel đã tiến hành không kích Trung tâm nghiên cứu tại Jamraya, ngoại ô Thủ đô Damacus vào các ngày 4 và 5/5/2013. Chiến dịch không kích của Israel toàn thắng. Hệ thống phòng không của Syria lúc đó gần như bất lực trước hoạt động quân sự của Israel. Giờ thì mọi chuyện đã khác. Thậm chí, được thiết kế là hệ thống phòng thủ, nhưng khi bố trí ở Syria, S-300 sẽ đóng vai trò của một “vũ khí tấn công” nếu chính quyền Damacus có ý định “đóng cửa” không phận Israel.
Có ý kiến lạc quan cho rằng, với hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, Tổng thống Assad đã có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ. Thực tế thì sao? Chúng ta cũng cần nhớ rằng, mảnh đất Trung Đông nóng bỏng luôn có một kho tàng các câu chuyện lịch sử nhắc nhở các nhà lãnh đạo hai nước Israel và Syria cảnh giác đối thủ của họ. Nhân dịp hệ thống S-300 cập cảng Syria, chúng ta sẽ ôn lại hai câu chuyện mang đậm chất huyền thoại của mảnh đất này để hiểu rõ sức ép của quá khứ đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo hai quốc gia đối nghịch này ở Trung Đông.
Sức mạnh răn đe của siêu vũ khí
Sáng ngày 5/10/1973, Ai Cập khởi động cuộc chiến chống lại nhà nước Do Thái để trả thù cho thất bại trong cuộc chiến sáu ngày (1967). Khi đó, quân đội Ai Cập cùng với Quân đội Syria đã hai mặt cùng tiến đánh Quân đội Israel, đẩy Nhà nước Do Thái vào thế “lưỡng đầu thọ địch”.
Do tấn công bất ngờ, Quân đội Ai Cập và Syria đã gây tổn thất lớn cho Quân đội Israel. Theo các thống kê, phía Israel thiệt hại 3.000 binh lính và sĩ quan bị giết, hơn 900 xe tăng và khoảng 200 máy bay bị phá hủy. Thất bại nặng nề trong khoảng thời gian ngắn khiến giới lãnh đạo Israel choáng váng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc đó là ông Moshe Dayan đã ngỏ ý muốn đầu hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel, bà Golda Meir tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân để tấn công cả Ai Cập và Syria. (Israel được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân bí mật. Nước này không phủ nhận nhưng cũng không chính thức công khai về kho vũ khí hạt nhân).
Tuyên bố của bà thủ tướng đã nhanh chóng truyền tới giới tình báo Liên Xô, đồng minh của Ai Cập và Syria. Liên Xô nhanh chóng đưa ra quyết định phải buộc Israel từ bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Thú vị là, vũ khí răn đe được lựa chọn không phải là vũ khí hạt nhân cấp chiến lược (theo lẽ thông thường) mà chỉ là một vũ khí cấp chiến thuật. Đó chính là tiêm kích MiG-25, thuộc loại có tốc độ nhanh nhất thế giới thời bấy giờ. MiG-25 có tốc độ tối đa khoảng Mach 3, gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Trong khi đó, các máy bay tiêm kích tiến tiến thời kỳ đó mới chỉ đạt được tốc độ vượt âm thanh, hơn Mach 1.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi MiG-25 xuất kích, màn hình radar phòng không ở Thủ đô Tel Aviv của Israel xuất hiện một điểm sáng. Còi báo động vang lên.
Tiêm kích Mirage của Không quân Israel được lệnh xuất kích. Sĩ quan trực chiến theo dõi trên màn hình radar thấy rằng, Mirage di chuyển song song với vật thể lạ nhưng không thể đuổi kịp. Thậm chí, khoảng cách giữa biên đội ba chiếc Mirage với chiếc máy bay lạ kia cứ tăng lên. Qua liên lạc, cả sở chỉ huy tá hỏa lên vì biết, vật thể lạ kia bay cao hơn biên đội Mirage tới gần 2km và di chuyển với tốc độ nhanh gấp đôi.
Như trêu tức Không quân Israel, vật thể lạ bay trên bầu trời Tel Aviv tới vài vòng. Vụ xâm phạm không phận được báo cáo tới lãnh đạo Israel, khi đó cũng đã nhận được thư nhắc nhớ từ Liên Xô. Bị cảnh cáo bằng cả con đường quân sự lẫn ngoại giao, Israel ngậm đắng nuốt cay từ bỏ biện pháp mạnh đối với Ai Cập và Syria. May mắn cho Nhà nước Do Thái, một cầu hàng không từ Mỹ tới Israel đã được lập ra và nước này nhanh chóng nhận được viện trợ quân sự dủ để đương đầu với cuộc tấn công từ hai phía biên giới.
Như vậy, Nhà nước Israel đã có sẵn bài học về việc đối đầu với siêu vũ khí. Họ buộc phải cân nhắc và điều chỉnh các chính sách thực tế để không bị “thất bại toàn tập”.
Vụ trộm siêu kinh điển của Mossad
Nếu ở trên nói tới bài học nhắc nhở các nhà lãnh đạo Israel về việc không được phép coi thường trọng lượng của các thông điệp đi cùng với những hệ thống vũ khí ưu việt thì bài học dưới đây nhắc nhở người Syria phải luôn cảnh giác với trí thông minh của người Do Thái và bề dày thành tích của tình báo Israel.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định cấp cho người Do Thái trên khắp thế giới một nơi trốn để họ lập quốc. Đó chính là mảnh đất xưa kia của dân tộc Do Thái - nhưng trải qua hàng nghìn năm biến thiên – nay đã trở thành nơi sinh sống lâu đời của người Arab.
Lo ngại sự trội dậy của Chủ nghĩa Phục Quốc Do Thái, những người Arab ở Palestine cần một lượng vũ khí để tạo lợi thế áp đảo về quân sự, có thể làm tan biến giấc mơ về “ngày trở về” của người Do Thái. Nhưng do sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ có Lebanon và Syria được phép mua vũ khí từ châu Âu. Vì vậy, nhiệm vụ tìm mua súng được thực hiện thông qua Bộ Quốc phòng Syria mà người trực tiếp thực hiện là Đại úy Apdun Adic Kerin. Ông này đã tìm đường sang Tiệp Khắc để mua 6.000 khẩu súng.
Tuy nhiên, Apdun Adic Kerin không hề hay biết, bay cùng chuyến bay của ông sang châu Âu còn có thương gia mang hộ chiếu Palestine - George Alecxan Iberl - mà tên thật là Ekhut Aprien, một người đã chiến đấu để bảo vệ số phận đồng bào Do Thái trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Giống với Kerin, Aprien có nhiệm vụ thu mua súng để trang bị cho lực lượng vũ trang Israel non trẻ. Qua những trao đổi nghiệp vụ và vận động hành lang, cả Kerin lẫn Aprien lần lượt thu mua được số lượng vũ khí mà mình cần. Thế nhưng, biết nhiệm vụ của Kerin, cơ quan tình báo của người Do Thái quyết tâm ngăn cản 6.000 khẩu súng tới Syria.
Để ngụy trang cho số vũ khí vừa thu mua về Trung Đông, Aprien dùng 600 tấn hành củ Italy. Ông này còn thuê một công ty vận tải Nam Tư để vận chuyển số hàng nóng trên về Israel. Và đây cũng là công ty mà Kerin nhờ vả để chuyển vũ khí về Syria.
Ban đầu, tình báo Do Thái tung tin, tàu chở vũ khí mà Kerin thuê (mang tên Lino) đang chở vũ khí cho những người cộng sản Italy. Do đó, tàu này bị lưu lại cảng để điều tra. Trong lúc đó, phi công Israel đã nhân cơ hội dùng máy bay An-2 đánh chìm tàu Lino cùng với toàn bộ số vũ khí đạn dược ở trên đó. Tiếc nuối số vũ khí bị đánh chìm, phía Syria phải giải trình được với nhà chức trách Italy về nguồn gốc và mục đích mua vũ khí để trục vớt số súng bị chìm. Sau đó, một sĩ quan Syria là Đại tá Phuat Macdam thuê một hãng tàu Italy là Menara chở số súng trên về nước.
Và không chỉ có người Syria tiếc số vũ khí này. Những người Do Thái biết được, số vũ khí đã được trục vớt, họ không tìm cách đánh chìm con tàu chở vũ khí nữa mà quyết định sẽ “lái “ chúng về Israel. Vì vậy, tình báo Israel đã tìm cách liên hệ và mua chuộc hãng tàu Menara. Tình báo Israel đã cài cắm hai người vào thủy thủ đoàn của con tàu. Đến khi tàu này ra khơi thì thủy thủ đoàn bị khống chế và 6.000 khẩu súng – thay vì chuyển tới Syria đã vào tay người Israel. Chiến công nẫng tay trên 6.000 khẩu súng là một trong những trang sử đầu tiên của tình báo Israel mà sau đó, ngày càng dày hơn với rất nhiều thành tích, gắn liền với cuộc xung đột, đối đầu giữa Nhà nước Do Thái và khối Arab ở Trung Đông.
Đây là một bài học quá đắng nhắc người Syria, người Do Thái rất thông minh và khôn ngoan. Họ có thể không dám nhưng cũng không cần đối đầu với các hệ thống vũ khí siêu việt. Trí tuệ Do Thái sẽ hành động thay cho sức mạnh quân sự để làm suy yếu và hạ gục đối phương.