5 câu hỏi về nghi vấn Nga bán S-300 cho Syria

Nếu các nguồn tin đều chính xác, Nga – nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị lâu năm của Syria – có thể sớm cung cấp hoặc đã bàn giao lô hệ thống phòng không S-300 cho Damascus, giúp cân bằng cán cân tương quan lực lượng giữa bên trong cuộc nội chiến đã kéo dài 26 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này. Nhưng từ “nếu” thì luôn “muôn hình vạn trạng”.

Nếu nắm S-300 trong tay, quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ là một “ác mộng” đối với các cuộc không kích đến từ bên ngoài – một trong những lựa chọn hàng đầu như là “nghi thức” của sự can dự quân sự của nước ngoài vào một quốc gia nào đó – và có thể phá vỡ một thỏa thuận vốn đã rất mong manh gần đây giữa Nga và Mỹ về việc tổ chức một hội nghị quốc tế vào cuối tháng này nhằm tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria.

Nhưng thông tin để thẩm tra về việc thỏa thuận mua bán S-300 của Nga và Syria lại hiếm hoi đến tuyệt vọng: Đã có một thỏa thuận hay không? Nó bao gồm những điều khoản gì? Hợp đồng đã được thực hiện phần nào chưa?

Hiện vẫn còn rất nhiều nghi vấn về việc Nga có bán S-300 cho Syria hay không

Đến nay, những gì chúng ta biết về vấn đề trên, từ lúc khởi động đến lúc công khai, chỉ thông qua các văn bản, nguồn tin chưa được kiểm chứng, những tin đồn, phỏng đoán và tranh cãi. Hãng RIA Novosti (Nga) đã cố gắng bóc gỡ những chi tiết “đáng giá” và đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi liên quan gần nhất.

1. Liệu đã có một thỏa thuận mua bán S-300 giữa Moscow và Damascus? Làm sao chúng ta biết được?

Về mặt lý thuyết, tất cả chỉ là tin đồn. Bằng chứng đáng tin cậy duy nhất là bản báo cáo hằng năm của nhà máy Nizhny Novgorod, thuộc Tập đoàn Almaz-Antei, về công tác sản xuất, xuất khẩu năm 2011. Cụ thể, Nizhny Novgorod xác nhận đang thực hiện hợp đồng trị giá 105 triệu USD để sản xuất các tổ hợp S-300 cho Syria và thời gian giao hàng là từ năm 2012 đến đầu năm 2013.

Trong khi đó, tất cả các tin tức còn lại chủ yếu dựa vào những nguồn tin tình báo và ngoại giao không chính thức, nổi bật là nhật báo Kommersant của Nga và Wall Street Journal của Mỹ tuần trước từng đăng tải thông tin về một thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Nga và Syria bao gồm 4 tổ hợp S-300 và 144 đạn tên lửa với tổng giá trị 900 triệu USD mà có thể được giao hàng vào cuối mùa hè năm nay. Theo các chuyên gia quân sự, một tổ hợp S-300 trị giá khoảng 115 triệu USD trong khi mỗi quả đạn giá 1 triệu USD hoặc hơn.

Vì sức ép từ Phương Tây, Mỹ và Israel, Nga mới chỉ cung cấp cho Syria các tổ hơp tên lửa phòng không tầm ngắn và phòng thủ diện.

Hiện, cả Syria và Tập đoàn Xuất khẩu Quốc phòng Nga Rosoboronexport đều chưa đưa ra bất cứ một bình luận nào về những đồn đại này. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng từng nhắc lại việc Nga đang thực hiện nốt những điều khoản trong các hợp đồng cung cấp vũ khí phòng vệ cho Damascus. Tuy nhiên, ông lại không cung cấp chính xác chúng là những loại vũ khí, khí tài nào. Chính sự thiếu thông tin này đã làm “đau đầu” giới quân sự quốc tế: Có thể chẳng có một cuộc mua bán S-300 nào? Hoặc có thể đã có một số tổ hợp này đã được vận chuyển bằng đường biển đến Syria từ 2 năm trước?

2. Ai quyết định thông qua hợp đồng? Cộng đồng quốc tế hay bất cứ một bên thứ 3 nào có thể làm ảnh hưởng đến việc này không?

Không thể bàn cãi, việc thương thảo và ký kết hợp đồng giữa Moscow và Damascus nằm trong tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí thì chỉ kiểm soát về vũ khí chiến lược hay bom chùm chứ các hệ thống phòng không thì lại được “làm ngơ”.

Trong khi đó, những nỗ lực của Hội đồng Bảo an LHQ ngăn cản nguồn cung cấp vũ khí cho các bên liên quan ở Syria lại gặp phải “tảng núi” Nga. Tất nhiên, nó lại được thương lượng một cách bí mật và bị gây sức ép. Nhưng đây chỉ là phỏng đoán không chính thức.

3. Tại sao S-300 lại nguy hiểm? Nó được phát triển và sản xuất từ năm 1978 thì đến giờ có được nâng cấp thêm tính năng kỹ-chiến thuật hay không?

Nói một cách đơn giản, S-300 liên tục được cải tiến, kể cả về thông số kỹ thuật, để đảm bảo vẫn là “sát thủ” đối với chiến đấu cơ và tên lửa của đối phương.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 Favorit có thể cùng lúc phóng tới 6 tên lửa, mỗi quả đạn có khả năng phá hủy các máy bay chiến đấu đang bay ở các thời điểm khác nhau ở vận tốc cực đại tương tự như các chiến đấu cơ F-16 và F-22 – biểu tượng sức mạnh của Không quân Mỹ và Israel – cũng như có khả năng ngăn chặn cả tên lửa đạn đạo.

Tóm lại, nếu Damascus có S-300, chắc chắn tính rủi ro và chi phí cho các cuộc không kích nhằm vào Syria sẽ như “diều gặp gió”.

Mô hình khả năng phòng không của Syria theo đánh giá của Phương Tây.

4. “Mục tiêu” nào S-300 của Syria (nếu có) nhắm tới?

Không thể là lực lượng đối lập ở Syria bởi họ không sở hữu một chiến đấu cơ nào. Trong khi đánh chặn tên lửa hay chiến đấu cơ, S-300 vẫn có thể được lập trình lại nhằm vào vào các mục tiêu trên mặt đất, “giống như việc đánh bàn phím bằng móng tay”, với chi phí mỗi quả dao động trong khoảng 1 triệu USD.

Tuy nhiên, bất cứ nỗ lực nào của “lực lượng nước ngoài” muốn áp đặt vùng cấm bay ở Syria, bắt đầu từ năm 2011, thì kết cục của họ cũng chính là những gì mà Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko từng miêu tả: “Hàng tá chiến đấu cơ bị phá hủy và những cỗ quan tài được phủ bằng những “Lá cờ ánh sao chói lọi” (Ý nói quốc ca, quốc kỳ Mỹ). Không thể chấp nhận được.”

5. Mất bao lâu để Syria triển khai và làm chủ được S-300 nếu được bàn giao?

Tổ hợp S-300 có thể được triển khai tác chiến trong vòng 5 phút nhưng với điều kiện một khi được điều khiển bởi kíp chiến đấu “lành nghề”. Tuy nhiên, nó lại nảy sinh một vấn đề nhỏ: Chính phủ Syria có đủ tiền cho hợp đồng trên, và nếu được bàn giao thì cũng phải mất khoảng 2 tuần để vận chuyển lô hàng từ St. Petersburg (Nga) đến cảng Tartus (Syria). Tất nhiên, đó là khi tàu hàng không bị bắt tại Phần Lan hoặc con tàu không được phép đi vào các cảng của châu Âu do hợp đồng bảo hiểm của nó bị tịch thu – mà cả hai trường hợp trên đều chắc chắn xảy ra nếu tàu thông báo đang chuyển vũ khí cho Syria.

Nhưng thậm chí như vậy thì Damascus vẫn có thể “lách luật” để đem về S-300. Tờ Wall Street Journal, trích nguồn tin từ Mỹ và Israel, cho biết việc vận chuyển vũ khí, khí tài cho Syria bằng tàu thủy có thể bắt đầu từ trước đó khi tờ Al-Quds Al-Arabi (tiếng Ả-rập) có trụ sở tại London cho biết lô hàng đã có mặt tại Syria, dưới sự theo dõi của Nga và chưa được đưa vào phục vụ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự Nga, nhà máy sản xuất S-300 Nizhny Novgorod dường như “không có dư” tổ hợp S-300 trong kho để có thể chuyển lên tàu được. Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) nhận định, bất kể những tổ hợp S-300 “thừa ra” (khó có khả năng này), thì chúng chỉ là từ hợp đồng mà Nga ký với Iran năm 2010 và trước đó là một số khách hàng khác như Algeria.

Điều đó có nghĩa, phải mất hàng năm trời để sản xuất và thử nghiệm các tổ hợp này. Hơn nữa, các kíp điều khiển tên lửa cần phải được đào tạo để làm chủ vũ khí, mà thời gian cho mỗi khóa học cũng phải từ 6 tháng trở lên. Tổng cộng, thời điểm dự tính để lực lượng của Tổng thống Assad có thể tự khai thác các tổ hợp này là vào tháng 11 tới đây, nếu không nói là phải sang quý 1 năm 2014 nếu bản hợp đồng với Nga là thực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại