Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Dempsey nói: “Trong vài năm gần đây, chúng ta đều biết về khả năng hệ thống này sẽ được bán cho Iran và đã tính tới khả năng đó trong tất cả các kế hoạch của chúng ta”.
Từ nhiều năm nay, Mỹ đã từ chối loại bỏ khả năng có hành động quân sự nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu giải pháp ngoại giao thất bại.
Ông Dempsey lưu ý phương án dùng sức mạnh quân sự không nên bị suy giảm bởi quyết định trên của Nga đưa ra hồi tuần này.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga trưng bày tại Quảng trường Suvorovskaya ở trung tâm thủ đô Moskva ngày 8/12/2014. Ảnh: AFP-TTXVN
Theo ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran được các hãng thông tấn Nga dẫn lời cho hay Nga có thể cung cấp hệ thống tên lửa S-300 tối tân cho Iran vào cuối năm nay.
Trong khi đó, theo Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, động thái trên của Moskva cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế nước này dưới tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ông lưu ý rằng quyết định có thể được đưa ra xuất phát từ sự tuyệt vọng về kinh tế hơn là mong muốn gây rắc rối với Phương Tây.
Hy Lạp đàm phán mua S-300 của Nga
Reuters dẫn nguồn hãng tin RIA của Nga cho biết Hy Lạp đang thương lượng với Nga để mua các tên lửa mới trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Athens hiện đang sử dụng.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos được cho là đã loan báo tin trên hôm 15/4, đồng thời cho biết bên cạnh việc mua tên lửa mới, Hy Lạp còn nhờ Nga bảo trì hệ thống chống tên lửa.
Theo Reuters, Hy Lạp đã trang bị hệ thống tên lửa phòng không Nga S-300 trong những năm 1990 và Athens không có ý định mua những hệ thống mới, mà chỉ giới hạn ở việc mua quả đạn tên lửa mới.
Thông báo trên được đưa ra sau chuyến thăm Nga tuần qua của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Hai bên thông báo hợp tác trên nhiều đề án chung và Nga sẵn sàng cấp tín dụng cho Hy Lạp.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) mà Hy Lạp là thành viên đang có quan hệ rất căng thẳng với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và bản thân Hy Lạp đang gần kề tình trạng phá sản.