Quân đội Triều Tiên ‘đáng sợ’ đến mức nào?

Tất cả những phân tích của giới chuyên gia quốc tế về bán đảo Triều Tiên đều đi đến một kết luận là Triều Tiên chỉ đang “to mồm” dùng chiến tranh để đe dọa Hàn Quốc và Mỹ. Nhưng nếu Kim Jong-un phát động một cuộc chiến tranh thực sự, sức mạnh quân đội Triều Tiên sẽ đáng sợ đến mức nào.

 

Trong những ngày qua, bán đảo Triều Tiên đã trở lên “nóng rẫy” bởi những tuyên bố “nhấn chìm Seoul trong biển lửa” hay “tấn công phủ đầu vào sào huyệt của những kẻ xâm lược” (Mỹ) hay kêu gọi quân đội “hủy diệt kẻ thù”… của Triều Tiên.

Nhưng các chuyên gia và những nhà quan sát về vấn đề Triều Tiên lại tỏ ra khá bình tĩnh vì họ biết rằng đó chỉ là những hoạt động rất “thường lệ” của cỗ máy tuyên truyền Triều Tiên. Nhưng nếu quốc gia bí ẩn nhất thế giới này tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự với bom nguyên tử, tên lửa đạn đạo, pháo binh và xe tăng…. mọi chuyện sẽ khủng khiếp đến mức nào?

Hổ giấy?

Theo báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, không lực Triều Tiên hiện nay đang có khoảng 820 máy bay chiến đấu nhưng có điều họ không có đủ… xăng để cho số máy bay này hoạt động.

Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ có khoảng 460 chiếc tiêm kích nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu của số máy bay này rõ ràng là cao hơn rất nhiều. Trong cuộc chiến “đấu tăng”, tỷ số 2-1 lại thuộc về Triều Tiên bởi quân đội của Kim Jong-un có khoảng 4.200 chiếc xe tăng trong khi Seoul chỉ có khoảng 2.400 chiếc. Nhưng theo phân tích của hãng tin Reuters, xe tăng của Hàn Quốc có giáp chống đạn tốt hơn, hiện đạo hơn và được bảo dưỡng bảo trì đầy đủ hơn.

Quân đội Triều Tiên có khoảng 4.200 chiếc xe tăng

Jennifer Lind, giáo sư của Đại học Dartmouth (Mỹ) cho rằng một trong những nguyên nhân rất quan trọng buộc Triều Tiên phải ráo riết theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là để bổ sung sức mạnh cho quân đội lớn thứ 4 thế giới với 1,1 triệu binh lính vốn bị coi là “hổ giấy” trong những năm qua.

Trong các tài liệu của đề tài nghiên cứu phân tích về năng lực thực sự của quân đội Triều Tiên do bà Jennifer Lind và các đồng nghiệp thực hiện hồi năm 1995 cho thấy Bình Nhưỡng thực sự “cảm thấy hoang mang và tuyệt vọng” trước sự mạnh mẽ của quân đội Mỹ hay thậm chí là Hàn Quốc.

Pháo binh và xe tăng của họ thực sự là những thứ kém cỏi còn không quân thì cổ lỗ sỹ đến mức có thể bị bắn rụng ngay trong lần đầu xuất kích nếu như có xung đột nổ ra”, bà Jennifer Lind nói.

Triều Tiên biết điểm yếu của họ nhưng trong suốt 18 năm qua họ không thể  cải thiện được tình trạng này mà nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt, cấm vận và cô lập của Liên Hợp Quốc. Thêm vào đó, nạn đói triền miên đã cản trở rất nhiều đến những tham vọng cải thiện sức mạnh quân đội Triều Tiên.

Khi xem những hình ảnh rò rỉ hiện tại và so sánh với những gì tôi biết cách đây 18 năm, mọi thứ còn ngày càng tồi tệ thêm”, Jennifer Lind khẳng định.

Di chứng của Chiến tranh lạnh

Victor Cha, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Hàn Quốc) cũng đồng ý với quan điểm cho rằng quân đội của Triều Tiên hiện nay chỉ là thứ “di chứng méo mó” của cuộc chiến tranh lạnh xưa kia. “Đó là những thứ giống như hồi thập niên 50-60 hay 70 của thế kỷ trước”, Victor Chang nói.

Nhưng không ai được phép coi thường quân đội ấy. Còn nhớ, hồi năm 2010 khi một tàu chiến của Hàn Quốc bị trúng đạn và chìm trên biển Hoàng Hải, nhiều người đã cho rằng đó là một chiến công của tàu ngầm Triều Tiên.

 

Một số nguồn tin còn khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã cho xây dựng một lực lượng pháo binh bí mật với khoảng 12.000 khẩu trọng pháo luôn trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa vào thẳng Seoul nếu chiến tranh nổ ra. Nên nhớ, Seoul chỉ nằm cách khu vực phi quân sự khoảng chưa đến 40 km.

Nếu chiến tranh nổ ra, chỉ trong vài phút một trận mưa đạn pháo sẽ dội xuống Seoul và gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng”, ông Victor Cha nói đồng thời cho rằng nhiều chuyên gia quân sự đang rất chủ quan và coi thường năng lực hạt nhân cũng như tên lửa của Triều Tiên.

Trong cuộc thử nghiệm mới đây nhất, Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một “thiết bị công nghệ cao” và từ đó việc chế tạo một đầu đạn hạt nhân không còn quá khó khăn nữa.

Điều quan trọng nhất là không ai chắc năng lực thực sự của Bình Nhưỡng đến đâu. Có thể họ chỉ thử nghiệm những loại vũ khí nhỏ và nói phóng đại lên nhưng cũng có thể họ không nói dối”, ông Cha bình luận.

Nếu chỉ đơn thuần sở hữu một thiết bị hạt nhân cũng không có nghĩa là Triều Tiên có thể gắn nó vào đầu một quả tên lửa và phóng đi, chuyên gia Lind nói. Bỏ qua những tuyên bố của Triều Tiên, kích thước của những thiết bị mà nước này thử nghiệm trong thời gian gần đây vẫn còn “quá to để có thể phóng đi bằng tên lửa” hay thậm chí là cho máy bay chở đi tấn công nước khác.

George Lopez, một giáo sư khoa học chính trị của trường ĐH Notre Dame, tỏ ra thực tế hơn khi cho rằng kể cả trong trường hợp Triều Tiên chế tạo được một đầu đạn hạt nhân đủ để phóng đi bằng tên lửa thì họ cũng không có khả năng đưa những quả tên lửa ấy đi trúng đích.

Liệu họ có thể chế tạo một thứ gì đó, đưa lên máy bay và thả nó xuống Hàn Quốc không? Điều đó là có thể nhưng sẽ cực kỳ khó nếu không muốn nói là hoàn toàn không khả thi”, ông Lopez khẳng định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại