Triều Tiên có “đủ trình” tấn công Mỹ bằng hạt nhân?

Tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với Hàn Quốc, tuyên bố sẽ nhấn chìm nước Mỹ “trong biển lửa nhiệt hạch”… phải chăng một cuộc chiến tranh hạt nhân đang đến gần.

Sự thật là Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng để thực hiện những tuyên bố hiếu chiến của mình.

 

Theo phân tích của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, để thực hiện được một vụ tấn công vào nước Mỹ, Triều Tiên cần có những quả tên lửa tầm xa, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và những đầu đạn hạt nhân có thể lắp được vào những quả tên lửa đó.

Chưa hết, công nghệ để phóng, điều khiển, nhắm trúng mục tiêu… của những quả tên lửa này hiện vẫn đang nằm ngoài tầm với của Bình Nhưỡng. Nói một cách khác, những tuyên bố sặc mùi bom đạn mà Triều Tiên đang dùng để dọa nạt Mỹ hoàn toàn không có khả năng xảy ra.

Trong những năm vừa qua, Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa với đủ các tầm bắn khác nhau. Họ đã khá thành công đối với các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhưng với tên lửa tầm xa, họ chỉ nhận được những thất bại.

Ở Triều Tiên, loại tên lửa nổi tiếng nhất là Taepodong nhưng vụ phóng thử Taepodong -1 hồi năm 1998 đã thất bại nặng nề. Tương tự, vụ phóng Taepodong-2 hồi năm 2006 chỉ kéo dài được… 40 giây sau khi rời bệ phóng.

Kể từ đó đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục kiên trì với các kế hoạch phát  triển tên lửa tầm xa của mình nhưng tiến bộ rất chậm. Bằng những nỗ lực của mình, Bình Nhưỡng đã cho ra đời công nghệ tên lửa tầm xa Unha-3 với tầm bắn có thể lên tới 6.000 dặm (nên nhớ khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến một thành phố lớn của Mỹ là San Francisco chỉ vào khoảng 5.600 dặm).

Mặc dù các nước phương Tây liên tục tố cáo Unha-3 là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa có thể dùng để gắn đầu đạn hạt nhân và tấn công nước khác, Triều Tiên vẫn một mực khẳng định họ chỉ phát triển Unha-3 để phóng vệ tinh phục vụ các mục đích dân sự.

 

Thông qua vụ phóng vệ tinh mà Triều Tiên vừa thực hiện hồi tháng 12/2012, có thể thấy dù sao thì quốc gia này cũng đã bắt đầu có những thành tựu trong công nghệ tên lửa tầm xa.

Các nguồn tin tình báo và phân tích quân sự cho biết, Unha-3 là loại tên lửa 3 tầng có thiết kế dựa trên nền tảng Unha-2. Động cơ chính của Unha-3 có thể mang teheo 80 tấn nhiên liệu. Ở giai đoạn 2, nó có thể mang thêm khoảng 7.000 kg nhiên liệu nữa cho đến giai đoạn 3 có thể bắn ra một vệ tinh thời tiết nặng 100 kg vào quỹ đạo. Mặc dù sau đó vệ tinh này đã nhanh chóng rơi vào trạng thái mất kiểm soát và điều khiển.

Dẫu vậy, tất cả những thông số này vẫn còn ở dạng quá “cơ bản” và không có một cơ quan bên ngoài nào có thể kiểm định và nó khiến cho thế giới vẫn rất nghi hoặc về khả năng thực sự của Triều Tiên đồng thời buộc mọi người không thể lơ là với những tuyên bố của Bình Nhưỡng bất chấp giới chuyên gia quân sự đã khẳng định quả tên lửa ICBM mà nước này trình diễn trong cuộc duyệt binh hồi năm ngoái chỉ là đồ giả.

Markus Schiller, một chuyên gia về tên lửa của Đức đã bình luận trên BBC: “Nếu nhìn kỹ vào những quả tên lửa mà nước này trưng bày, bạn sẽ thấy có rất nhiều chi tiết sai rất trầm trọng và nó cho thấy Triều Tiên đang vấp phải những vấn đề rất lớn trong cả chương trình phát triển tên lửa của họ.

Những quả tên lửa này có quá nhiều chi tiết khác biệt dẫn đến những sự bất hợp lý trong tổng thể về cấu hình và thiết kế. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy một quả tên lửa nào như thế trong thực tế cả”.

Trong chương trình tên lửa, Triều Tiên đã vất vả như thế còn trong công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân, họ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Mới đây hãng tin Bloomberg đã có bài viết cho rằng: “Các nguồn tin tình báo từ quân đội Mỹ cho biết Triều Tiên sẽ còn cần nhiều năm nữa để có thể đạt tới trình độ đe dọa nước Mỹ bằng tên lửa hạt nhân. Công nghệ hạt nhân của họ đã phát triển nhưng để có thể chế tạo một thiết bị đủ nhỏ, gắn được vào đầu tên lửa lại là chuyện không hề đơn giản. Tuy vậy, trong tương lai gần năng lực hạt nhân của nước này sẽ khiến các nước láng giềng vô cùng lo ngại”.

Song Young-keun, một vị tướng đã về hưu của Hàn Quốc nhận định rằng, về tổng thể Triều Tiên chưa thể chế tạo được một đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa ICBM và đặc biệt hơn nữa là công nghệ của nước này chưa thể chế tạo được tên lửa có khả năng “tái phóng” trong giai đoạn 2 – khả năng giúp cho tên lửa có thể mang một trọng lượng lớn phóng trở lại vào không gian.

 

Đó chỉ là những lời đe dọa suông”, ông Song bình luận khi Triều Tiên lên tiếng đe dọa tấn công phủ đầu nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân hôm 7/3 vừa qua.

Đó cũng chính là những gì giới tình báo Mỹ tin tưởng”, tờ Bloomberg kết luận.

Tôi có thể nói với các bạn rằng, nước Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng để bảo vệ nhân dân trước bất kỳ một vụ tấn công bằng tên lửa nào của Triều Tiên”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố hôm 8/3.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại