Quân đội Nga đang lột xác

An Ninh |

Phản ứng linh hoạt và tức thời ở Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine là những bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang lột xác.

Người đặt nền móng

Dù đang “dính” phải những rắc rối về mặt luật pháp, nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov vẫn được coi là người đặt nền móng cho công cuộc cải cách quân sự một cách sâu rộng của nước Nga.

Quá trình cải cách được khởi xướng từ mùa Thu năm 2008 đã tạo ra những thay đổi tích cực.

Ông Serdyukov (phải) và Tổng thống Putin tại Kremlin tháng 2/2007

Ông Serdyukov (phải) và Tổng thống Putin tại Kremlin tháng 2/2007

Theo đánh giá của giới phân tích, lực lượng vũ trang Nga đã có được một “diện mạo mới” khác biệt đáng kể về nhiều phương diện so với Hồng Quân, quân đội Liên Xô và quân đội Nga trước đây.

Kể cả sau khi ông Serdyukov từ chức và ông Sergei Shoigu lên thay vào tháng 11/2012, công cuộc cải cách này vẫn được tiếp tục, giúp tăng cường năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Khi Anatoly Serdyukov, một nhân vật hết sức bình thường, bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 2/2007, lúc đó quân đội Nga đã ở vào một tình thế phức tạp.

Những cải cách quân sự từ năm 1992 tuy đem lại kết quả nhất định nhưng không có “dự án” nào được hoàn thiện.

Tất cả những vấn đề chính còn tồn tại từ thời Liên Xô không những không được giải quyết mà còn trở nên trầm trọng hơn.

Vladimir Putin đã đưa Serdyukov lên với một mục đích duy nhất là tiến hành những cải cách sâu sắc với tư cách là một người không có liên hệ gì với bộ máy quân đội và là người chủ trương ủng hộ một “đường hướng quản trị” hoàn toàn mới đối với việc tổ chức Các lực lượng vũ trang Nga.

Quyết tâm cải cách càng trở nên rõ ràng hơn với cú hích là “cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia vào tháng 8/2008.

Mặc dù quân đội Nga đã trả đũa ngay tức khắc và dễ dàng đánh bại đối phương, song vẫn có nhiều tranh cãi về việc sử dụng lực lượng vũ trang trong cuộc xung đột này.

Ngay cuối tháng 8/2008, các quyết định đã được đưa ra, mà phần lớn không được công khai, để tiến tới một giai đoạn mới cải cách quân đội sâu sắc để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc xung đột cục bộ ở khu vực hậu Xô Viết.

Kế hoạch cải cách quân đội cơ bản đã được Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov công bố chính thức vào ngày 14/10/2008.

Vũ khí không phải là tất cả

Quân đội Nga đang được hiện đại hóa với chương trình mua sắm vũ khí tới năm 2020 trị giá khoảng 650 tỷ USD.

Tuy nhiên, quá trình cải cách không chỉ có vũ khí mà điều quan trọng hơn là yếu tố con người và cơ cấu lực lượng.

Vấn đề chính là làm thế nào để duy trì cơ cấu động viên của quân đội từ thời Xô Viết.

Việc động viên một phần cho các cuộc xung đột cục bộ hoặc trong nước đã không được bàn đến vì những lý do chính trị kể từ cuối những năm 1980, do đó về cơ bản không thể sử dụng Các lực lượng vũ trang Nga trong các cuộc xung đột có giới hạn.

Tuy nhiên, các xung đột này vẫn tiếp tục nổ ra trong khu vực hậu Xô Viết sau khi Liên Xô tan rã, ngày càng thường xuyên và lên đến đỉnh điểm trong hai cuộc chiến Chechnya.

Lính đổ bộ đường không của Nga
Lính đổ bộ đường không của Nga

Khó khăn đặt ra là làm thế nào để duy trì động viên như là nền tảng đồng thời tìm cách để sử dụng quân đội một cách hiệu quả, ít nhất là trong các cuộc chiến có giới hạn, mà không cần phải động viên.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đã trở thành một điểm mấu chốt để cải cách quân đội sau năm 1992.

Trước đây, quân đội Nga được xây dựng để đối phó với nguy cơ chiến tranh thông thường quy mô lớn giữa các quốc gia hàng đầu.

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi khả năng này được đánh giá là gần như không thể xảy ra.

Điều đó buộc quân đội Nga phải thay đổi để phù hợp, sẵn sàng tham gia các cuộc xung đột cục bộ sát Nga hoặc ở các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) và các nước lân cận khác.

Việc đánh giá lại khả năng tham gia một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn đã dẫn đến hủy bỏ hệ thống động viên tồn tại từ thời Xô Viết.

Nhiệm vụ bảo vệ trước các nước lớn (chủ yếu là Mỹ và NATO) được giao phó gần như hoàn toàn cho các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Với định hướng đó, trong giai đoạn 2008-2012, quân đội Nga đã được biến đổi thành “các lực lượng sẵn sàng thường trực” được cấu thành từ các lữ đoàn dựa trên các đơn vị sẵn sàng thường trực.

Các cải cách này đã cắt giảm gần một nửa số trung đoàn và lữ đoàn trong quân đội, với các cắt giảm lớn nhất xảy ra ở phần châu Âu của nước này.

Tại Quân khu Moskva trước đây, 50 tiểu đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới được triển khai đã giảm xuống còn 22 vào năm 2010.

Các đơn vị lục quân ở biên giới với Ukraine đã được rút gần như hoàn toàn khỏi danh sách quân đội thường trực với việc giải tán Sư đoàn xe tăng số 10.

Binh sĩ Nga trong tập trận

Binh sĩ Nga trong tập trận

Những cải cách trên đã khiến sức mạnh lục quân của Nga ở các khu vực trung tâm và biên giới phía Tây bị suy yếu.

Điều này cũng cho thấy đến trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga vẫn đánh giá các cuộc xung đột vũ trang và các hoạt động chiến đấu quy mô lớn ở khu vực châu Âu của nước này (với ngoại lệ là vùng Caucasus) gần như không thể xảy ra.

“Sai lầm” này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu sửa chữa vào năm 2013 khi cho tái triển khai Sư đoàn bộ binh cơ giới Taman số 2 và Sư đoàn xe tăng Kantemir số 4 (trước đây là các lữ đoàn) bên ngoài thủ đô Moskva.

Ngoài ra, Nga cũng chú trọng xây dựng lực lượng tác chiến đường không và các lực lượng đặc biệt.

Đầu năm 2012, Tổng Tham mưu trưởng Tướng Nikolai Makarov đã ra lệnh thành lập Bộ Tư lệnh các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt và Bộ Tư lệnh Không gian mạng.

Bộ Tư lệnh các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt được quan niệm là “một lực lượng có mục đích siêu đặc biệt” với mục tiêu mở rộng lên 9 lữ đoàn giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Sự đầu tư lớn vào nhân lực và huấn luyện chiến đấu đã đem lại hiệu quả to lớn vào năm 2014 với một quân đội mạnh mẽ hơn và các binh sỹ có chất lượng hơn, đặc biệt là các sỹ quan.

Nga có được một số lượng lớn sỹ quan với kinh nghiệm thực chiến trong cuộc chiến Chechnya, các hoạt động chống khủng bố ở vùng Bắc Caucasus và nhiều cuộc xung đột cục bộ ở các nước hậu Xô Viết.

Ngoài ra, nhiều cuộc diễn tập đã được tổ chức ở mọi cấp độ, gồm cả các cuộc diễn tập chiến lược theo thường lệ, các phương pháp đào tạo và huấn luyện chiến đấu mới được đưa vào áp dụng, và nhiều binh sỹ có trình độ cao được tuyển mộ.

Các vũ khí và quân trang hạng nặng được chế tạo kể từ năm 2007 đã cải thiện đáng kể tình trạng vật tư và thiết bị của quân đội, chủ yếu là trong Không quân và các đơn vị hàng không của quân đội.

Thực chiến

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã trở thành bài kiểm tra quan trọng đầu tiên đối với quân đội Nga đang trong quá trình cải cách.

Sự can thiệp quân sự âm thầm của Nga vào Crimea vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2014 đã làm cho nhiều người sững sờ.

Lực lượng không vận Nga, Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz và Các lực lượng có mục đích đặc biệt mới ra mắt đã đóng vai trò nòng cốt.

Chiến dịch ở Crimea đã diễn ra cùng với một cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu bất ngờ do Tổng thống Putin ra lệnh ở Quân khu miền Tây và một phần Quân khu Trung tâm vào ngày 26/2/2014.

Trong cuộc kiểm tra này, Nga đã triển khai quân đội ở hầu hết địa điểm cách xa biên giới Ukraine.

Điều này đã giúp che giấu việc bố trí lại vài nghìn binh sỹ của Spetsnaz và Lực lượng không vận đến Crimea, cùng với việc bố trí lại các đơn vị quân sự đến biên giới Ukraine như là một hình thức gây áp lực đối với Kiev để ngăn Kiev sử dụng sức mạnh quân sự ở Crimea.

Những binh sĩ được cho là đặc nhiệm Nga tại Crimea
Những binh sĩ được cho là đặc nhiệm Nga tại Crimea

Quân đội Nga đã thể hiện mức độ sẵn sàng chiến đấu và cơ động rất cao. Vào ngày 12/3/2014, Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 18 từ Chechnya đã đến Crimea, hành quân 900 km đến Eo biển Kerch.

Tiếp sau đó là Lữ đoàn Pháo binh số 291 đến từ Ingushetia. Với các máy bay vận tải quân sự cung cấp cầu không vận, việc tái bố trí quân đã được tiến hành nhanh chóng một cách ấn tượng.

Trên thực tế, tất cả đơn vị sẵn sàng chiến đấu từ khu vực trung tâm của Quân khu miền Tây và một số lực lượng từ Quân khu miền Nam và Quân khu Trung tâm đã được tái triển khai đến biên giới tiếp giáp Ukraine vào tháng 3 và tháng 4/2014.

Các lữ đoàn bộ binh cơ giới đã di chuyển bằng các xe bọc thép chuyên chở BTR-89/82.

Theo ước tính của phương Tây, đến cuối tháng 4/2014, khoảng 80.000 binh sỹ Nga đã tập hợp tại biên giới với Ukraine (bao gồm cả Crimea), trong đó có 40.000 quân trong các đơn vị chiến đấu.

Việc Nga triển khai quân một cách nhanh chóng ở Crimea và ở biên giới với Ukraine cũng như ngăn chặn các lực lượng Ukraine trên bán đảo này trên thực tế đã khiến Kiev không thể đưa ra bất kỳ biện pháp đối phó hiệu quả nào.

Kết quả là, vào ngày 17/3, Crimea đã được sáp nhập vào Nga, chưa đến 1 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại