Quân đội EU có lấn lướt được Nga?

Tuấn Vũ |

Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker giục khối này thành lập quân đội riêng. Trong trường hợp được thành lập, quân đội EU mạnh cỡ nào?

Khi trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag (Đức), Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết: "Lực lượng này sẽ giúp chúng tôi phối hợp tốt hơn về chính sách đối ngoại và quốc phòng, và để đảm nhận trách nhiệm chung của châu Âu trước cả thế giới".

Đề nghị của ông Juncker đã nhận được sự ủng hộ của Đức. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên khác, đặc biệt là Pháp và Anh.

Hai quốc gia này tỏ ra thận trọng với việc cung cấp một vai trò quân sự lớn hơn cho EU, vì điều này có thể làm suy yếu NATO.

Sức mạnh đáng sợ của Đức

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp EU thành lập được lực lượng quân đội chung thì lực lượng này có sức mạnh quân sự đáng sợ tới mức nào?

Là quốc gia đầu tiên ủng hộ và cũng là nước có sức mạnh quân sự đáng sợ nhất EU hiện nay, vì vậy gần như chắc chắn Đức sẽ có đóng góp lớn nhất quân đội EU.

Vậy, thực lực của quân đội Đức mạnh cỡ nào? Theo số liệu thống kế của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stokholm (SIPRI), hiện nay Lục quân Đức có 5 sư đoàn.

Lực lượng xe tăng của Đức có 668 tăng Leopard-2 và 147 Leopard-1. Số lượng xe chiến đấu bộ binh (BMP) có 1.315 chiếc, theo kế hoạch chúng sẽ dần được thay thế bằng BMP Puma (nhưng hiện nay chưa thay được chiếc nào).

Tiêm kích Typhoon.

Tiêm kích Typhoon.

Xe thiết giáp chiến đấu Đức có tổng cộng khoảng trên 700 chiếc các loại. Lực lượng pháo binh gồm có 174 tổ hợp pháo tự hành mới nhất PzH-2000, 124 khẩu cối tự hành 120 ly Tampella và 97 tổ hợp pháo phản lực bắn loạt (MLRS).

Lực lượng phòng không lục quân có 50 tổ hợp tên lửa phòng không ASRAD và 835 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Không quân của Lục quân có 37 trực thăng tấn công Tiger UHT (sẽ đưa vào trang bị thêm khoảng 20 chiếc nữa), 115 Bo-105 (24 chiếc đang bảo quản), 93 máy bay lên thẳng đa năng UH-1D, 40 EC-135 và 78 chiếc NH-90 hiện đại nhất.

Trong thành phần của Bộ tư lệnh tác chiến không quân có 3 sư đoàn không quân (số 1, số 2 và số 4). Hiện nay, Không quân Đức có 104 Typhoon (trong đó có 25 chiếc tác chiến - huấn luyện).

Trong trang bị của Không quân còn 132 máy bay ném bom Tornado (37 chiếc khác đang được bảo quản ở Đức và 1 chiếc tại Mỹ). 50 chiếc “Tornado” dự kiến sẽ đưa ra khỏi trang bị trong thời gian tới.

Hải quân Đức có 50 tàu chiến. Hạm đội tàu ngầm có 4 tàu ngầm dự án 212 (và 2 chiếc đang được đóng) - đây là những tàu ngầm đầu tiên sử dụng công nghệ AIP, được coi là tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Hải quân Đức có 12 khinh hạm - 3 chiếc Sachsen hiện đại nhất, 4 chiếc hiện đại không kém là Brandenburg và 5 chiếc kiểu cũ Bremen. Có 3 chiếc Bremen đã được đưa ra khỏi trang bị và có thể được bán.

Sức mạnh thuyết phục của Quân đội Pháp

Mặc dù Pháp và Anh đã phản đối kế hoạch thành lập quân đội EU, nhưng mọi chuyện đều có thể thay đổi và trong trường hợp hai nước này đồng ý, quân đội EU sẽ được bổ sung thêm sức mạnh đáng sợ đến đâu?

Hiện Pháp là một trong những lực lượng quân sự đáng nể ở châu Âu do nước này duy trì một khả năng răn đe hạt nhân hoàn toàn độc lập cùng một cơ sở công nghiệp quốc phòng tự chủ.

Pháp sở hữu một đội tàu ngầm chở các tên lửa và đầu đạn tự chế tạo, phi đội máy bay ném bom Mirage 2000N và tên lửa ASMP, xe tăng chủ lực Leclerc và trực thăng Tiger.

Xe tăng chủ lực Leclerc.

Xe tăng chủ lực Leclerc.

Ngoài ra, lực lượng quân đội chính quy của Pháp lên tới 215.000 quân, còn đội đặc nhiệm đã trải qua thời gian chinh chiến ở Afghanistan và Mali.

Hải quân Pháp cũng sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, quy mô lực lượng hải quân lớn và mạnh hơn đối thủ truyền thống là nước Anh.

Tàu sân bay của Pháp là căn cứ nổi để xuất phát của nhiều máy bay như chiến đấu cơ Rafale và Super Etendard. Ngoài ra, hải quân Pháp còn có đội 6 tàu ngầm tấn công, 3 tàu tấn công đổ bộ, 21 tàu tấn công trên mặt biển.

Không quân Pháp xây dựng phi đội 220 máy bay chiến đấu, gồm các tiêm kích Rafale và Mirage 2000, 4 máy bay cảnh báo sớm, 14 máy bay tiếp nhiên liệu trên không và 1 phi đội máy bay vận tải chiến thuật.

Anh có thực sự mạnh?

Hiện nay, quân đội Anh vẫn duy trì vũ khí hạt nhân nhưng tên lửa chủ yếu do Mỹ cung cấp. Anh có hạm đội gồm 19 tàu tấn công mặt nước, 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công và 1 tàu đổ bộ.

Tuy nhiên, Anh không có tàu sân bay nào cho đến khi các tàu lớp Queen Elizabeth hoàn thành. Hai hàng không mẫu hạm mới sẽ chở chiến đấu cơ F-35B do Mỹ chế tạo.

Quân đội Anh quy tụ những binh sĩ chuyên nghiệp và thiện chiến, trang bị xe tăng chủ lực Challenger 2 và xe chiến đấu Warrior, trực thăng vũ trang hạng nặng Apache.

Lực lượng không quân sở hữu khoảng 220 máy bay chiến đấu, gồm 120 máy bay Typhoon và 100 máy bay ném bom Tornado, một số tiêm kích F-35B, các máy bay giám sát mặt đất và máy bay cảnh báo sớm.

Ngoài những cường quốc quân sự kể trên, hiện nay các thành viên của EU còn có Bỉ, Italia, Ba Lan… cũng đang sở hữu lực lượng quân sự đáng sợ trong khu vực.

Vì vậy, trong trường hợp EU thống nhất thành lập lực lượng quân đội riêng, đây sẽ là lực lượng quân sự đáng sợ hàng đầu thế giới.

Nga có lép vế?

Quân số khổng lồ của Nga so với các nước khác trong khu vực Âu - Á với 845.000 lính chính quy, 22.500 xe tăng và 1.399 máy bay chiến đấu.

Quân số khổng lồ của Nga so với các nước khác trong khu vực Âu - Á với 845.000 lính chính quy, 22.500 xe tăng và 1.399 máy bay chiến đấu.

Về mặt quân số cũng như vũ khí thông thường, lực lượng của Nga lớn hơn rất nhiều so với các nước Đông Âu và Trung Á - bao gồm nhiều nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô cũ có quan hệ bền vững với Moscow.

Nga có hiệp định quân sự với các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan qua Tổ chức Hiệp ước An ninh chung được thành lập năm 1992.

Moscow đóng một số lượng quân đáng kể trong khu vực: ở Armenia có 3.200 quân, nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia ly khai khỏi Georgia có 7.000 quân, khu vực Transnistria tách khỏi Moldova có 1.500 quân, tại Kyrgyzstan 500 quân và Tajikistan 5.000 quân.

Là một phần của công cuộc cải cách quốc phòng, phần lớn lực lượng trên bộ của Nga sẽ phải được chuyên nghiệp hóa và tái tổ chức vào những đội gồm vài ngàn lính dành cho những cuộc xung đột nhỏ và vừa.

Nhưng hiện tại, thành phần chủ yếu của quân đội là những công dân Nga đi lính nghĩa vụ trong 1 năm và ít được đào tạo kỹ càng (nghĩa vụ quân sự ở Nga là bắt buộc đối với đàn ông tuổi từ 18 - 27).

Lực lượng lính dù Đặc biệt gồm 35.000 quân, chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Putin, là lực lượng tinh nhuệ phản ứng nhanh của Nga.

Một lực lượng đặc nhiệm khác, cũng trực thuộc quyền điều động của ông Putin, được thành lập năm 2013 nhằm tiến hành những nhiệm vụ bên ngoài biên giới Nga.

Moscow cũng có ý định tái vũ trang tại vùng lãnh thổ Nga ở Bắc Cực, khôi phục lại những đường băng và cảng có từ thời Liên Xô để bảo vệ nguồn tài nguyên khí đốt và đường biển quan trọng.

Nga có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, luôn được điều động để di chuyển tại vùng biển Bắc Cực.

Vào cuối năm 2013, ông Putin đã hạ lệnh thành lập một hệ thống chỉ huy chiến lược ở vùng Bắc Cực. Trong khi đó, quá trình thay đổi vũ khí đang rất chậm, phần lớn những khí tài quân sự hiện có đã có từ vài thập kỷ.

Theo các chuyên gia, lực lượng Hải quân hùng mạnh của Liên Xô trước đây giờ chỉ đơn thuần là một lực lượng tuần duyên.

Tất cả những tàu lớn của Hải quân Nga, bao gồm kỳ hạm và tàu sân bay duy nhất là Kuznetsov, là hàng tồn từ thời Chiến tranh Lạnh. Để so sánh, Mỹ có 10 tàu sân bay hạt nhân và đóng vài tàu chiến mỗi năm.

Lực lượng không quân của Nga cũng bị giới hạn, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Hãng máy bay Sukhoi đang phát triển vài mẫu phi cơ chiến đấu, bao gồm phi cơ tàng hình thế hệ thứ năm (chiếc T-50) nhưng việc sản xuất đang ì ạch ở một số nơi, và phần lớn máy bay chiến đấu đang sử dụng đều có từ những năm 1980.

Nga đặt quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng không là ưu tiên hàng đầu của chương trình nâng cấp vũ khí, và đã thành lập một Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Hàng không vào năm 2011.

Vũ khí chính của hệ thống này là tên lửa S-400, một loại tên lửa đất đối không tầm trung đến xa, được đặt gần Moscow và những vị trí chiến lược trong lãnh thổ của Nga. Tên lửa S-500 tối tân hơn hiện đang được phát triển.

Về năng lực tấn công hạt nhân của Nga, theo số liệu của SIPRI, hiện nay Moscow có tới 8.500 đầu đạn hạt nhân (và ít nhất 30.000 đầu đạn dự trữ). Trong khi đó, Pháp có 290 và Anh có 160.

Nga có khoảng 1.500 đầu đạn chiến lược được lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng.

Hiện nay, phần lớn hệ thống vũ khí hạt nhân của Nga đang được hiện đại hóa đáng kể: một lớp tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mới sẽ được đưa vào sử dụng, một số máy bay ném bom chiến lược đang được nâng cấp.

Nga đang có kế hoạch thay thế toàn bộ số ICBM có từ thời Liên Xô trong vòng một thập kỷ tới.

Từ những số liệu nói trên, xét về năng lực vũ khí thông thường, EU có thể nhiều hơn Nga, tuy nhiên nếu xảy ra cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân, toàn bộ năng lực của EU cộng lại xem ra vẫn còn nhỏ bé với số lượng đầu đạn khổng lồ của Nga hiện có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại