Quân đội Mỹ ngày càng lộ nhiều 'thói hư tật xấu'

Quân đội Mỹ đang phải chứng kiến số binh sĩ bị sa thải vì vi phạm kỷ luật và phạm tội ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Theo hãng tin AP, số sĩ quan Mỹ bị sa thải khỏi quân ngũ do vi phạm đạo đức đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua. Trong khi đó, số binh sĩ buộc phải giải ngũ do nghiện ma túy, nghiện rượu, phạm tội và nhiều tội danh khác đã tăng từ 5.600 người trong năm 2007 – thời điểm tình hình căng thẳng chiến sự tại Iraq lên tới đỉnh điểm, lên hơn 11.000 người trong năm 2013.

Trong giai đoạn chiến tranh đỉnh điểm tại Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ nắm trong tay khoảng 570.000 binh sĩ. Trong đó, số binh sĩ ra chiến trường chiếm lượng đông đảo nhất so với các nhiệm vụ khác.

"Trong 10 – 12 năm gần đây, việc liên tiếp triển khai số lượng lớn binh sĩ ra chiến trường đã khiến chúng tôi sao nhãng vấn đề đạo đức của binh sĩ", Tướng Ray Odierno – Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ trả lời AP hồi tuần trước.

Lời bình luận của Tướng Odierno đã được Đại tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề cập vài lần trong những tháng gần đây. Ông Dempsey nhấn mạnh sự suy thoái đạo đức của quân đội Mỹ được hình thành trong 10 năm tham chiến. Đây chính là thời điểm quân đội Mỹ bị mất cân bằng nhân cách và năng lực.

Năm 2013 chứng kiến hàng loạt vụ bê bối như tấn công tình dục, vô kỷ luật, chi tiêu công quỹ phung phú liên quan tới các nhân vật cấp cao trong quân đội Mỹ.

Điển hình Đại tướng William "Kip" Ward - Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) đã bị giáng chức vì chi tiêu công quỹ phung phí; Thiếu tướng Jeffrey A. Sinclair - Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Dù 82 quân đội Mỹ ở Afghanistan bị tố cáo tấn công tình dục; và hàng loạt binh sĩ bị buộc tội đánh bạc, uống rượu.

Đại tướng William "Kip" Ward bị giáng chức vì chi tiêu công quỹ phung phí.

Gần đây, các quan chức phụ trách phóng tên lửa hạt nhân của Không quân Mỹ cũng bị cáo buộc tội danh gian dối. Trong khi đó, 6 quan chức Hải quân Mỹ đang bị điều tra về việc tham nhũng số tiền khổng lồ tại California.

Ví dụ điển hình về tình trạng suy đồi đạo đức nghiêm trọng trong quân đội Mỹ là việc 2 binh sĩ lực lượng Thủy quân lục chiến tè bậy lên thi thể chiến binh Taliban cũng như việc nhiều binh sĩ chụp ảnh với phần thi thể của quân nổi dậy tại Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao đã phải lên tiếng thừa nhận vấn đề đạo đức hiện là ưu tiên hàng đầu trong các bài giảng đào tạo binh sĩ và sĩ quan.

Năm 2010, 119 quan chức thuộc Lục quân Mỹ đã buộc phải giải ngũ do vi phạm đạo đức. tới năm 2013, con số này đã tăng lên 387 người. Trong khi đó, số binh sĩ Lục quân Mỹ vi phạm đạo đức bị sa thải là 5.706 người trong năm 2007 và con số này đang có chiều hướng gia tăng.

Thậm chí, tại thời điểm nước Mỹ cần triển khai số lượng lớn quân ra các mặt trận, nhiều binh sĩ từng vi phạm đạo đức vẫn được giữ lại làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự bớt căng thẳng, các tướng chỉ huy đã có thêm thời gian để sàng lọc những binh sĩ đủ tiêu chuẩn để giữ lại và sa thải những người vi phạm.

Trong bối cảnh quân đội Mỹ bắt đầu giảm số lượng binh sĩ xuống 490.000 người vào năm 2015, các tướng chỉ hủy sẽ có thêm thời gian để giải quyết vấn đề đạo đức trong quân đội. Theo dự kiến, số binh sĩ Mỹ hoạt động trong quân đội sẽ còn giảm xuống còn 420.000 người vào cuối thập niên này nếu chương trình cắt giảm chi tiêu quốc phòng tiếp tục được thi hành.

Lực lượng Hải quân Mỹ cũng từng chứng kiến tình trạng vi phạm đạo đức của binh sĩ tăng cao. Trong năm 2006, hơn 8.400 thủy thủ đã bị sa thả do vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, khi số lượng thủy thủ phục vụ trong Hải quân Mỹ đi vào hoạt động ổn định với 323.000 người, số trường hợp vi phạm đạo đức đã giảm đáng kể. Năm 2013, Hải quân Mỹ ghi nhận 3.700 thủy thủ bị sa thải.

Trong đó, 1/3 trường hợp phải giải ngũ liên quan tới tình trạng nghiện ma túy và nghiện rượu. Hơn 1.400 vụ mỗi năm bị đưa ra xử tại các tòa án dân sự và hình sự do "phạm tội nghiêm trọng".

Năm 2013, Hải quân Mỹ ghi nhận 3.700 thủy thủ bị sa thải.

Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng hoạt động minh bạch nhất bởi tổ chức này thường nhanh chóng công khai tên tuổi của những quan chức bị sa thải do vi phạm đạo đức hay năng lực lãnh đạo kém trước dư luận. Trong 8 năm qua, số quan chức Hải quân Mỹ bị sa thải mỗi năm duy trì khá ổn định từ 84 – 107 người.

Lực lượng Không quân vốn có quy mô hoạt động nhỏ hơn so với Hải quân và Lục quân, nên số vụ vi phạm đạo đức trong đội ngũ lãnh đạo và binh sĩ biên chế cũng ít hơn. Số sĩ quan bị đưa ra tòa án quân sự xét xử trong năm 2001 là 20 người và trong năm 2007 là 68 người. Với các binh sĩ, số người phải hầu tòa hạ từ mức 4.500 người trong năm 2002 xuống còn 2.900 người trong năm 2013.

Thủy quân lục chiến – lực lượng hoạt động với quy mô nhỏ nhất trong quân đội Mỹ, ghi nhận số binh sĩ vi phạm kỷ luật đang có chiều hướng giảm. Năm 2007, số binh sĩ thuộc lực lượng này bị sa thải là 4.400 người. Tới năm 2013, con số này đã giảm còn hơn 3.000 người.

Tuy nhiên, hiện nay, giới lãnh đạo quân đội Mỹ vẫn đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán xác định và sửa chữa những lỗi vi phạm đạo đức của các quân nhân.

Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh ông sẽ chỉ định một vị quan chức cấp cao chuyên trách xử lý vi phạm đạo đức trong các lực lượng quân đội Mỹ. Ngoài ra, ông Hagel sẽ liên tục đưa vấn đề này ra bàn thảo với các lãnh đạo quân đội trong những cuộc họp giao ban.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại