Quân đội Nigeria, một trong những quân đội lớn nhất ở châu Phi, đáng lẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc trấn áp phần tử cực đoan trong nước. Thế nhưng, vũ khí, khí tài của họ cạn kiệt và binh lính lại không được huấn luyện đầy đủ. Do đó, chính phủ đã quyết định chi 1 tỷ USD để mua sắm thêm phi cơ chiến đấu và huấn luyện quân sự.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự ở châu Phi trong năm 2013 đã tăng lên 8,3%, nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Hai phần ba số nước châu Phi đã tăng cường chi tiêu quốc phòng trong suốt thập kỷ qua và chi tiêu quân sự toàn châu lục tăng lên 65% trong 10 năm.
Ngân sách quốc phòng của Angola đã tăng lên hơn 1/3 trong năm 2013, lên đến 6 tỉ USD và vượt mặt Nam Phi để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều nhất ở phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Các nước khác với ngân sách quốc phòng tăng vọt gồm có Burkina Faso, Ghana, Namibia, Tanzania, Zambia và Zimbabwe. Đất nước chi tiêu nhiều nhất châu lục hiện nay là Algeria với 10 tỉ USD.
Chi tiêu quốc phòng ở Châu Phi đã tăng lên 65% trong suốt 1 thập kỷ qua.
Ông David Shinn, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, hiện là giáo sư Trường Đại học George Washington cho biết: “Một số nước châu Phi đang mua những món hàng thực sự đáng sợ”.
Năm ngoái, Ethiopia đã nhận những chiếc đầu tiên trong số khoảng 200 xe tăng T-72 mua của Ukraine. Nước Nam Sudan ở bên cạnh đã mua khoảng hơn 100 xe tăng trên. Những nước ven biển như Cameroon, Mozambique, Senegal và Tanzania đang nâng cấp hải quân của họ. Angola còn thậm chí dự định mua một tàu sân bay đã qua sử dụng từ Tây Ban Nha hoặc Ý.
Chad và Uganda hiện đang mua phi cơ chiến đấu MiG và Sukhoi. Cameroon và Ghana đang nhập khẩu máy bay vận tải nhằm nâng cao khả năng đi chuyển và điều động quân ra nước ngoài. Để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, họ thường dựa vào các nước phương Tây để được giúp đỡ chuyên chở quân hoặc tận dụng máy bay dân sự.
Mặc dù vẫn còn thiếu thốn, số nước tham gia Liên minh Châu Phi và các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ngày càng nhiều. Trước đây, hiếm khi các nước châu Phi có thể đóng vai trò quân sự, nhưng giờ đây binh linh từ phía Nam sa mạc Sahara đang dần dần thay thế binh lính từ châu Âu và châu Á.
Ngày càng có nhiều lính châu Phi trong hàng ngũ đội quân gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. (Ảnh minh họa)
Quân Ethiopia và Rwanda là những binh lính gìn giữ hòa bình đáng tín cậy, nhờ được lợi từ việc huấn luyện quân sự cũng như việc các nước đã hoàn vốn vay sau khi chi tiêu mua vũ khí. Một mô hình kinh doanh mới cho các bộ quốc phòng ở châu Phi đang hình thành.
Nhiều quân đội của các nước châu Phi đang trở nên chuyên nghiệp hơn. Quân đội thường được trả lương đúng hạn, được cung cấp lương thực đầy đủ và được nghỉ phép thường xuyên, giúp cho tinh thần và kỷ luật binh sĩ lên cao.
“Ngay cả những nước nhỏ như Benin hay Djibouti nay đã có một lực lượng quân đội đáng gờm”, ông Alex Vines thuộc viện nghiên cứu Chatham House ở London cho biết.
Một trong những vấn đề lớn là việc quân đội châu Phi có được huấn luyện đầy đủ để vận hành những thiết bị quân sự hiện đại hay không. Chad có thể sử dụng lực lượng Sukhoi Su-25 hiệu quả nhờ có sự giúp đỡ của lính đánh thuê nước ngoài. Trong khi đó, Cộng hòa Congo chỉ có thể sử dụng máy bay chiến đấu Mirage để diễu hành trong những ngày lễ quốc gia. Nam Phi đã mua 26 máy bay chiến đấu Gripen từ Thụy Điển, thế nhưng từ đó đến nay một nửa trong số đó đã bị xếp xó do cắt giảm ngân sách. Uganda tiêu hàng triệu đôla để mua Sukhoi Su-30 nhưng lại có ít vũ khí chính xác để trang bị cho máy bay.
Lý do để chính phủ châu Phi gia tăng chi tiêu quân sự có rất nhiều. Giá mặt hàng nhu yếu phẩm tăng lên trong suốt thập kỷ qua (giờ đây đang giảm xuống) đã làm đầy kho bạc của nhiều nước. Một số lãnh đạo quốc gia có ý định mua vũ khí đắt tiền để tạo dựng thanh thế. Có người cho rằng những thương vụ mua bán đã bị thổi phồng để quan chức bòn rút tiền cho riêng mình.
Tuy nhiên một số chi tiêu quân sự lại bắt nguồn từ những mối đe dọa an ninh. Vùng Sahel giáp với Sahara và nhiều nơi ở phía đông châu Phi phải đối đầu với những phần tử Hồi giáo cực đoan. Các nước ven biển phải chống chọi với cướp biển, đặc biệt là ở phía Tây châu lục.
Việc phát hiện nguồn dầu lửa ngoài khơi đã làm gia tăng nhu cầu an ninh trên biển. Những mối đe dọa vốn có, cả trong và ngoài nước, vẫn đeo bám những nước như Nam Sudan, khi chính phủ vừa phải chống lại quân nổi dậy trong nước, vừa đối mặt với nước láng giềng phía Bắc.
Tham vọng phát triển công nghiệp cũng là một phần lý do. Một số nước châu Phi có hy vọng đẩy mạnh sản xuất quốc phòng trong nước. Môt thỏa thuận mua vũ khí từ Anh, Đức và những nước khác lớn của Nam Phi đã đạt được từ hơn một thập kỷ trước có bao gồm lời hứa “hỗ trợ”, tức là các công ty trong nước sẽ giúp lắp ráp các máy bay và tàu chiến.
Angola có kế hoạch đóng tàu chiến của riêng mình. Nigeria và Sudan sản xuất đạn dược. Bốn công ty chế tạo vũ khí của châu Âu đã thành lập chi nhánh tại châu Phi trong năm nay: Antonov đã vào Sudan, Eurocopter đặt ở thủ đô Nairobi của Kenya. Fincantieri, một hãng đóng tàu của Ý, đóng tại cảng Mombasa của Kenya, và Saab đang xây dựng nhà máy sản xuất máy bay quân đội ở Botswana.
Những cải tiến về quân sự này có những rủi ro nhất định. Các sĩ quan đầy tham vọng sẽ cho rằng sức mạnh quân sự mới sẽ quyết định quyền lực chính trị và có thể tiến hành đảo chính, giống như trước đây. Những vũ khí tối tân có thể sẽ thuộc về không đúng người: hãy xem chuỗi cung ứng vũ khí của Libya đã châm ngòi cho các cuộc xung đột quanh châu Phi, từ Mali tới Cộng hòa Trung Phi như thế nào, kể từ sau khi chính quyền Qaddafi sụp đổ.
Những sự thay đổi về mặt cấu trức đối với quân đội châu Phi có thể dần thay đổi phương thức tác chiến sẽ diễn ra trên lục địa này. Kể từ sau những cuộc chiến tranh du kích giải phóng thuộc địa vào thế kỷ trước, phần lớn những xung đột xảy ra ở châu Phi đều bắt nguồn từ bên trong châu lục. Rất ít nước trước đây có khả năng chống lại các nước xung quanh.
Cụ thể, vào cuối những năm 1990, một vài nước bao gồm Angola và Zimbabwe, đã gửi quân tham gia vào nội chiến Congo. Ethiopia và Eritrea đã xung đột với nhàu từ năm 1998-2000. Tanzania đưa quân vào Uganda cùng chiến đấu với lực lượng du kích để lật đổ nhà độc tài Idi Amin vào năm 1978.
Tuy nhiên, nhìn chung rất ít cuộc tranh chấp giữa các nước châu Phi có thể nổ ra chiến tranh. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, việc xây dựng quân đội lớn hơn luôn mang theo rủi ro khá lớn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…