Không lực Mỹ: Quá nhiều dự án máy bay đắt tiền

Anh Tuấn |

Mặc dù hiện nay Không lực Mỹ đang có những chương trình phát triển máy bay đắt đỏ, nhưng họ lại có ngân sách eo hẹp hơn lúc trước rất nhiều.

Trung tướng Ellen Pawlikowski, viên chức quân sự hàng đầu về tiếp liệu cho Không lực Mỹ, nói rằng việc mua mới những khí tài để thay thế những máy bay ném bom đã cũ, máy bay do thám và máy bay huấn luyện đang bị vướng vào thế khó bởi Không quân Mỹ đang gặp khó khăn để cân đối các chương trình đắt tiền với mức ngân sách hạn hẹp.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ở Washington D.C. bà cho biết: “Hoạt động trong điều kiện ngân sách hạn chế cũng giống như chơi trò xếp hình vậy”.

Để giảm bớt áp lực. Không lực Mỹ đang kéo dài quá trình hiện đại hóa lên thành 10 năm, thay vì 5 năm như trước đây để lên kế hoạch ngân sách quân sự. Pawlikowski nói thêm, câu trả lời với thời hạn cũng như ngân sách của các chương trình là “còn tùy”.

Hiện những quyết định cụ thể được đưa ra dựa trên ý định của các chỉ huy, giá thành của vũ khí và mức độ phù hợp của vũ khí vào kế hoạch 10 năm của Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ cho rằng phi cơ chiến đấu F-35A, máy bay tiếp nhiên liệu KC-46A và một loại máy bay ném bom tầm xa là 3 ưu tiên hàng đầu của họ.

Một loại máy bay huấn luyện mới, dự kiến có tên T-X, và một loại máy bay thay thế cho máy bay rađa JSTARS cũng là những khí tài mà Không quân cần, tuy nhiên các dự án này cần phải được xem xét về chi phí cẩn thận để bảo vệ lợi ích của lực lượng.

Máy bay rađa JSTARS của Không lực Mỹ.

Các nhà thầu hiện vẫn đang chờ đợi quyết định của Không quân đối với mẫu thay thế JSTARS, hay còn gọi là Hệ thống ra đa giám sát mục tiêu tiến công không - bộ, và máy bay T-X vào năm 2015.

Bà Pawlikowski không cho biết thời gian cụ thể, nhưng đã ám chỉ rằng Không quân có thể sẽ bắt đầu quy trình thay thế vào năm sau.

Tuy nhiên, những vấn đề chưa giải quyết về tính năng và giá thành của máy bay thay thế JSTARS vẫn còn đó. Các quan chức vẫn đang thảo luận về kích cỡ của rađa và phân tích những rủi ro trong việc lắp đặt các hệ thống cảm biến phức tạp trên những máy bay dân dụng thường không được trang bị những thiết bị điện tử quân sự nhạy cảm.

Máy bay JSTARS hiện tại được chế tạo dựa trên máy bay Boeing 707 và được sử dụng để theo dõi các mục tiêu trên không và bộ. Bà Pawlikowski nói, nếu Không lực quyết định mua máy bay mới, rủi ro lớn nhất là việc kết hợp giữa các cảm biến và phần mềm chỉ huy tham chiến. “Dự kiến chúng tôi sẽ ra quyết định chắc chắn vào đầu năm 2015”.

Điều này sẽ giúp Không lực có thể tiếp tục bước vào “giai đoạn giảm thiểu rủi ro khi công nghệ phát triển” khi các khách hàng quân sự có thể hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu để có hiểu biết nhiều hơn về nghệ thuật công nghệ. Những thủ tục cuối cùng dự kiến sẽ hoàn thành sau khoảng 1 năm nữa.

Pawlikowski bày tỏ rằng: “Một trong những thách thức mà chúng tối thấy hiện nay khi bước thêm bước nữa là nhu cầu có được mối liên kết chắc chắn hơn với những gì nền công nghiệp mang lại. Tôi muốn quan hệ với nền công nghiệp không phải chỉ dừng lại trên những tờ quảng cáo đẹp đẽ mà đi thẳng luôn vào những vấn đề cụ thể như thông số và chi phí”.

Tình trạng ngân sách vẫn luôn biến động, bà nói thêm, và nhấn mạnh rằng thực trạng này diễn ra ở tất cả các chương trình. Không lực Mỹ đã yêu cầu 100 triệu USD để tái cơ cấu vốn của chương trình JSTARS trong năm tài chính 2015 cộng thêm khoản vốn 2,4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Nhà thầu chính của chương trình JSTARS, tập đoàn Northrop Grumman, sẽ đề xuất kế hoạch nâng cấp quân sự mới. Đối thủ cạnh tranh của họ, gồm Công ty Boeing, Gulfstream, Raytheon, Rockwell Collins và Bombardier sẽ cạnh tranh bằng nhiều mẫu máy bay khác nhau.

Chương trình máy bay huấn luyện T-X trị giá khoảng 16 tỉ USD hiện cũng đang gặp tình trạng tương tự bởi Không quân đang xem xét yếu tố chi phí. Cục Tham mưu Giáo dục và Đào tạo Không quân vẫn đang tranh luận về chương trình này. Mục tiêu ban đầu là mua 350 máy để thay thế máy bay T-38 đang dần lỗi thời. Con số vẫn có thể thay đổi. Ngân sách dành cho chương trình máy bay T-X trong vòng 5 năm tới là 503 triệu USD.

Máy bay huấn luyện T-38 của Mỹ.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Không lực Mỹ sẽ chọn máy bay hiện có hay là một mẫu thiết kế hoàn toàn mới. Bà Pawlikowski nói rằng mọi lựa chọn đều có thể. “Chúng tối muốn giữ môi trường cạnh tranh hoàn toàn mở giữa các hãng”.

Trong số các mẫu sản phẩm có thể có là máy bay Hawk của hãng Northrop Grumman/BAE Systems, M346 của Alenia Aermacchi và máy bay T-50 của hãng Lockheed Martin và Công ty Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc.

Hãng Textron Airland gần đây đã công bố rằng họ sẽ đăng ký máy bay Scorpion của họ để cạnh tranh thầu. Boeing đã hợp tác với hãng Saab ở Bắc Mỹ và đã phát biểu rằng công ty có thể sẽ đề xuất một mẫu thiết kế mới.

Chương trình T-X khác với các chương trình huấn luyện trước đây, bởi nó bao gồm cả trình giả lập để hỗ trợ huấn luyện khi đang bay trên trời. Pawlikowski nói rằng yêu cầu đề xuất dự án sẽ có vào năm 2015, nhưng thời gian vẫn có thể lùi lại. “Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng nhằm sửa chữa các yêu cầu của dự án”.

Ngoài ra năm tới cũng sẽ là năm quyết định hãng nào sẽ thiết kế và sản xuất máy bay ném bom mới sẽ thay thế máy bay B-52 đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Hãng Northrop Grumman và một đội ngũ liên kết giữa Boeing và Lockheed đang cạnh tranh nhau để giành quyền cung cấp sản phẩm. Không lực Mỹ nói họ sẽ mua đến 100 phi cơ sẽ thuộc về “một dòng máy bay” gồm có cả máy bay không người lái.

Pawlikowski từ chối tiết lộ thông tin chi tiết bởi phần lớn các thông tin chương trình đều là tuyệt mật. Bà nói, “Chúng tôi tin sẽ có quyết định vào mùa xuân 2015”.

Không quân cũng có thể lấy phương thức chọn “dòng vũ khí” để nghiên cứu các ý tưởng cho các máy bay chiến đấu trong tương lai. Là một phần của “phương pháp chiếm ưu thế trên không”, Cục Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Hiện đại đang lên kế hoạch chi tiết. Cả Không quân và Hải quân đều tham gia vào dự án này.

Pawlikowski nói rằng một hướng đi có thể cho chương trình đó là một sự kết hợp giữa các máy bay có và không người lái. Bà cho biết “Ai cũng chú ý vào một loại máy bay tiêm kích nào đó, nhưng câu trả lời cho khả năng ưu thế trên không trong tương lai sẽ là một dòng máy bay chiến đấu”.

Máy bay KC-135, sau hơn 50 năm phục vụ như một trạm xăng của quân đội trên trời và rất nhiều nỗ lực thay thế nó xuất hiện, đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu tuổi tác.

Máy bay tiếp nhiên liệu KC-135, đã được sử dụng trong một thời gian rất dài.

Năm tới rất có thể là năm quyết định đối với máy bay tiếp nhiên liệu KC-46, một loại phi cơ được cải tiển từ mẫu 767 của Boeing nhằm thay thế máy bay KC-135 đang lỗi thời. Chương trình đang được theo dõi chặt chẽ bởi đây là một thương vụ giá cố định và nhà thầu bắt buộc phải chịu bất kỳ khoản chi phí nào vượt quá giá đã thỏa thuận là 4.9 tỉ USD cho 179 máy bay.

Boeing hiện đang gặp khó khăn. Máy bay tiếp nhiên liệu dự kiến bay thử lần đầu tiên vào mùa hè năm nay nhưng đã bị lùi lại do lỗi đường dây điện. Pawlikowski nói rằng chuyến bay thử giờ đây sẽ vào tháng 12 năm nay. Không lực Mỹ vẫn mong rằng họ sẽ nhận được 18 máy bay mới vào tháng 8 năm 2017. Bà nói: “Chúng tôi nghĩ điều này có thể đạt được. Tuần trước Boeing đã gửi báo cáo tiến trình vào tuần trước. Chúng tôi tin họ sẽ gửi lại thời gian biểu đã sửa vào tháng 2”.

Bà nói, Boeing hiện đang vướng mắc ở công đoạn “thách thức nhất” của chương trình, đó là phối hợp và thử nghiệm. Vấn đề đường điện có vẻ “khó khăn hơn mong đợi của họ”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại