Tờ Pravda (Nga) cho hay số lượng tàu chiến của NATO trên Biển Đen hiện nay lớn hơn so với thời Liên Xô. Thậm chí trong cuộc chiến tranh với Gruzia năm 2008, NATO và Mỹ cũng không điều nhiều tuần dương hạm, khinh hạm, tàu tuần tra và các tàu trinh sát đến Biển Đen như vậy. Hiện có tổng cộng 9 tàu chiến các loại của NATO ở Biển Đen. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nga cho biết Moscow không có gì phải lo ngại về điều này bởi trong trường hợp có những hành động khiêu khích nhằm vào Nga, các tàu chiến của NATO chỉ có thể cầm cự trong vòng vài phút.
"Trong khu vực Biển Đen có tuần dương hạm Vella Gulf của Hải quân Mỹ, khinh hạm Surcouf của Pháp, hai tàu trinh sát của Pháp và Ý, tàu trinh sát Elettra của Hải quân Ý" một nguồn tin cho hay. Bên cạnh đó còn có một tàu tuần tra của Ý, các tàu quét mìn của Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, một tàu chống mìn của Anh tham gia các cuộc tập trận của NATO.
Theo Công ước Montreux ký kết từ năm 1936, tàu chiến từ các quốc gia không giáp Biển Đen chỉ có thể ở trong vùng biển này tối đa 21 ngày. Tuy nhiên trong suốt thời gian cuộc biểu tình Maidan ở Kiev (Ukraine) và sau khi kết thúc Olympics 2014 ở Sochi, các nhà ngoại giao và quan chức quân sự đã để mắt thấy rằng cả Mỹ và NATO đều vi phạm công nước trên, về thời gian hiện diện cũng như kích cỡ các tàu chiến trong vùng Biển Đen.
Hạm đội Biển Đen của Nga cũng đã hoàn tất việc triển khai các tàu chiến ở khu vực này để tham gia vào các cuộc tập trận Hải quân. Có thông tin cho rằng các cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong toàn bộ khu vực Biển Đen, trong đó các tàu chiến sẽ phóng tên lửa, các máy bay oanh tạc mục tiêu, các đơn vị tên lửa bờ và pháo binh thực hành tiêu diệt hạm đội tàu của địch và lực lượng đổ bộ. Các quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho hay mục tiêu của các cuộc tập trận này là nhằm "bảo vệ tuyến liên lạc đường biển và các khu vực triển khai".
Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow gần đây đã nói rằng do cuộc khủng hoảng Ukrane, liên minh quân sự này giờ đây buộc phải coi Nga là “kẻ thù hơn là đối tác”. Trong khi đó Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen gần đây thừa nhận rằng Nga "tác chiến thông minh hơn và nhanh hơn NATO". Ông này nói thêm rằng thậm chí trong trường hợp lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc Nga can thiệp vào Ukraine, NATO sẽ không chiến đấu với Nga.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga phát biểu với trang politonline.ru rằng "NATO không đặt ra một mối đe dọa thực sự nào. Đây chỉ là hình thức tạo áp lực đối với Nga, nhằm ủng hộ Ukraine và làm yên lòng các đối tác của NATO. Các tàu chiến đang có mặt ở Biển Đen sẽ không thể gây ra thiệt hại đáng kể nào cho Hạm đội Biển Đen hoặc với lãnh thổ Nga, thậm chí ngay cả khi họ chủ định như vậy. Trong trường hợp tấn công Nga, chúng chỉ có thể sống sót trong vòng 5-10 phút mà không cần phải có một cuộc tấn công hạt nhân nào sau đó".
Quan chức này cũng đề cập lại sự kiện máy bay ném bom Su-24 Nga liên tục bay lượn ở độ cao thấp, cự ly gần với tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ ở Biển Đen hồi tháng 4 năm nay. Các phương tiện truyền thông Nga khi đó dẫn "một số nguồn tin nước ngoài" cho hay 27 thủy thủ trên tàu khu trục USS Donald Cook viết đơn xin từ chức vì không muốn mạo hiểm với tính mạng của mình.
Sau đó, có thông tin cho rằng Nga sẽ nối lại các chuyến bay huấn luyện trên vùng biển trung lập ở Biển Đen để giám sát hoạt động của các tàu chiến NATO.
Tuần dương hạm Vella Gulf của Hải quân Mỹ
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA