Những vũ khí Nga có thể khiến NATO "toát mồ hôi hột"

Bảo An |

(Soha.vn) - Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, tác giả Robert Farely đã liệt kê một số loại vũ khí của Nga có thể khiến NATO lo sợ nếu xảy ra chiến tranh.

Cuộc khủng khoảng gần đây tại Ukraine làm gia tăng nguy cơ một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO. Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại và đẩy các bên vào một cuộc chiến tranh, theo Robert Farley, NATO cần lo ngại một số vũ khí nguy hiểm của Nga.

Dưới đây là nội dung bài viết của tác giả Robert Farley đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ):

1. Tên lửa đạn đạo Iskander

Trong những năm cuối của thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có khả năng tấn công chính xác các căn cứ không quân và các khu vực tập kết trong phòng tuyến của NATO. Mỹ đã đáp trả bằng cách phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã được Mỹ nâng cấp từ những năm 1980, nhưng Nga lại phát triển các tên lửa mới hơn. Tên lửa Iskander-M của Nga có tầm bắn 400km, có thể mang theo đầu đạn nặng 700kg. Điều này giúp nó trở thành loại vũ khí hủy diệt đối với các sân bay, trạm hậu cần và các cơ sở khác dọc chiến tuyến của đối phương. Tên lửa Iskander-M cũng có khả năng vượt qua biên giới giữa NATO và Nga để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ châu Âu.

Iskander-M

Iskander-M

Tên lửa Iskander-M có khả năng thay đổi mục tiêu trong khi bay, giúp nó có thể tấn công các mục tiêu di động bao gồm tàu chiến mặt nước. Nó cũng sử dụng các kỹ thuật bay linh hoạt để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Tên lửa Iskander có thể tạo sức ép lên các hệ thống phòng thủ tên lửa và lực lượng không quân của NATO. Các máy bay chiến đấu hoạt động tại các căn cứ tiền tuyến sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công trực tiếp hay ít nhất cũng bị tê liệt. Nếu được triển khai tại Kaliningrad, các tên lửa Iskander có thể đe dọa nhiều mục tiêu chính trị và quân sự của NATO.

Đáp lại, NATO sẽ tìm cách phá hủy các hệ thống phóng tên lửa Iskander trong giai đoạn đầu của bất cứ cuộc xung đột nào. Mặc dù đã có kinh nghiệm tìm kiếm và phá hủy các hệ thống tên lửa di động nhưng NATO vẫn lo lắng về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sự thành công của các cuộc tấn công phá hủy các hệ thống phóng tên lửa Iskander phụ thuộc vào việc chiếm ưu thế trên không.

2. Gia đình Su-27 Flanker

Được thiết kế như câu trả lời của Liên Xô đối với tiêm kích F-15 của Mỹ, những chiếc Flanker đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 1985. Các máy bay của gia đình Flanker là sự kết hợp các ưu thế về kích cỡ, tầm bay, tốc độ và khả năng linh hoạt. Flanker không phải là một chiến đấu cơ có thiết kế đẹp mắt nhưng hình dạng của nó cho thấy sự nguy hiểm. Trục trặc về sản xuất khiến số lượng máy bay này ở mức thấp cho tới đầu những năm 1990. Tại thời điểm đó, sự tan rã của Liên Xô đã làm giảm lượng sản xuất Flanker.

Sau khi Liên Xô tan rã, Không quân Nga tiếp tục vận hành vài trăm máy bay chiến đấu Flanker với nhiều biến thể khác nhau. Bộ khung cơ bản của Flanker rất linh hoạt để nâng cấp và trở thành nền tảng phát triển những máy bay chiến đấu thế hệ mới hơn. Nhiều biến thể của Flanker đã được phát triển, bao gồm tiêm kích đa nhiệm Su-30, tiêm kích trên hạm Su-33, máy bay chiến đấu-ném bom Su-34, tiêm kích Su-35 và nhiều phiên bản của Trung Quốc.

Flanker chưa bao giờ đối đầu với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 4++ hiện đại nhất trong một cuộc chiến và nó cũng chưa bao giờ giao chiến với tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có thể kỳ vọng các tiêm kích Flanker sẽ gây hoang mang cho phi công của chiến đấu cơ Eagle, Viper, Typhoon, cũng như gây ra nhiều khó khăn cho F-22.

Không quân Nga đã phát triển những chiến thuật sử dụng các tiêm kích Flanker để chiến đấu với các tiêm kích tàng hình, dựa trên những ưu thế về khả năng linh hoạt của máy bay để sống sót trong cuộc tấn công tên lửa đầu tiên của đối phương. Hơn nữa, các chiến đấu cơ Flanker đủ nặng và nhanh để tấn công, sau đó trở về an toàn trước khi các chiến đấu cơ của NATO có thể theo kịp.

3. Hệ thống phòng không S-400

Cách tham chiến của phương Tây phụ thuộc vào sức mạnh không quân. Lực lượng NATO đã không chiến đấu chống lại hệ thống phòng không hiện đại nào trong thời gian rất dài. Trong khi đó, chi phí của các máy bay chiến đấu-ném bom của NATO đã tăng lên chóng mặt, khiến một chiếc chiến đấu cơ bị bắn hạ cũng có thể là thảm họa tài chính đối với quốc gia thành viên.

S-400

S-400

Một tổ hợp S-400 có 3 loại tên lửa, mỗi loại có nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách khác nhau. Tên lửa có tầm bắn xa nhất có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 400km, trong khi những tên lửa tầm ngắn hơn đánh chặn các mục tiêu bay linh họat và nhanh. S-400 cũng có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo, cho dù ít khả năng NATO sử dụng những vũ khí như vậy. Hệ thống cảm biến của S-400 được cho là cực kỳ hiệu quả, đặc biệt khi Nga có thể lập nhiều lớp phòng thủ S-400 tại những vùng xảy ra chiến sự. Triển khai S-400 tại Kaliningrad, hệ thống này có thể đe dọa hoạt động của không quân NATO ở sâu trong lãnh thổ châu Âu.

Kết hợp với tên lửa Iskander và các chiến đấu cơ Flanker, hệ thống S-400 sẽ gây khó khăn cho hoạt động của Không quân NATO trong những ngày đầu của một cuộc xung đột. Các hệ thống cảm biến của Nga vượt trội so với bất kỳ quốc gia thành viên nào của NATO trong 25 năm qua. Ít nhất trong thời gian đầu của một chiến tranh, S-400 và các hệ thống liên quan có thể làm suy yếu không lực của NATO, một trong những trụ cột quan trọng trong chiến tranh kiểu phương Tây.

4. Tàu ngầm lớp Akula

NATO đã phát triển một hệ thống chống ngầm vô cùng hiệu quả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bao gốm máy bay chiến đấu, tàu ngầm tấn công, thiết bị cảm biến và tàu mặt nước. Sự tan rã của Liên Xô đã làm giảm đáng kể mối đe dọa từ tàu ngầm, dẫn tới sự suy giảm về khả năng tác chiến chống ngầm (ASW) của NATO. Trong khi các lực lượng NATO, đặc biệt là quân đội Mỹ, tiếp tục theo đuổi ASW, họ không thể thu hút được những nguồn lực như thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trong khi đó, Nga vẫn duy trì phát triển tàu ngầm. Trong những năm 1980 và 1990, Liên Xô và Nga đã chế tạo 15 tàu ngầm lớp Akula (tên phiên âm tiếng Nga là Shchuka-B), 9 chiếc trong số này vẫn đang hoạt động. Hải quân Nga sau đó đã nâng cấp các tàu ngầm lớp Akula với công nghệ tĩnh tối tân nhất. Có lẽ khả năng quan trọng nhất của tàu ngầm lớp Akula là có thể mang theo một lượng lớn vũ khí, bao gồm ngư lôi và tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất và biển, đe dọa bờ biển của các nước thành viên NATO.

Tàu ngầm lớp Shchuka-B (NATO định danh là Akula)

Tàu ngầm Project 971 Shchuka-B (NATO định danh là Akula)

Các tàu ngầm tốt nhất của NATO vẫn có thể truy tìm và đánh bại tàu ngầm lớp Akula, bất chấp tàu ngầm có khả năng di chuyển với tốc độ cao. Nhưng cho dù NATO có thể đánh đắm các tàu ngầm Nga, chúng vẫn có thể gây thiệt hại nặng nề cho đối phương trước khi bị tiêu diệt. Nó có thể phá hủy một tàu sân bay hay tàn phá các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bờ.

Mặc dù các tàu ngầm lớp Akula đang dần được thay thế nhưng nhìn chung tính năng tàng hình và khả năng mang nhiều vũ khí của tàu ngầm lớp Akula vẫn còn là mối đe dọa không chỉ tới chiến hạm mà còn cơ sở hạ tầng trên bờ của NATO.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Robert Farley, một phó giáo sư tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), với nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, các vấn đề an ninh quốc gia và hàng hải.

Sức mạnh tên lửa Iskander-M

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại