Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) có bài viết nhận định những sát thủ từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc xung đột ở bán đảo Triều Tiên, nhưng vai trò lịch sử của họ cho đến nay vẫn bị xem nhẹ.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Kang Min-cheol bị xem là một tên giết người hàng loạt vì đã sát hại hàng chục người trong một âm mưu đặt bom ám sát Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan và phái đoàn của ông năm 1983 tại Rangoon, Miến Điện (nay là Myanmar). Kang là thành viên của đơn vị Kang Chang-su, một đơn vị đặc nhiệm khét tiếng của Triều Tiên được đặt theo tên sĩ quan chỉ huy, chuẩn tướng Kang Chang-su.
Tuy nhiên, trong một cuốn sách xuất bản hồi tháng 10 năm ngoái nhân dịp kỷ niệm 30 vụ đặt bom, ông Ra Jong-yil, cựu phó giám đốc cục tình báo Hàn Quốc, đã mô tả Kang như là một trong những nạn nhân của cuộc xung đột dai dẳng giữa 2 miền Triều Tiên. Trong cuốn sách này, ông Ra còn đề cập đến số phận của hàng nghìn thanh niên khác như Kang, được cả Triều Tiên và Hàn Quốc huấn luyện cho những nhiệm vụ tối mật và nguy hiểm, nhưng không được lịch sử nhắc đến.
Ông Ra Jong-yil hiện là giáo sư một đại học tại Seoul, cũng như từng là đại sứ tại Nhật và Anh. Việc một cựu quan chức Hàn Quốc có cái nhìn cảm thông đối với một sát thủ Triều Tiên có thể xem là xưa nay hiếm có.
Thoát chết trong gang tấc
Trong lịch trình chuyến thăm Miến Điện, Tổng thống Chun Doo-hwan dự kiến sẽ đặt vòng hoa tại khu bia mộ của Aung San, người sáng lập ra nhà nước Myanmar và là cha của Aung San Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình.
Sáng Chủ nhật ngày 9 tháng 10 là thời điểm diễn ra sự kiện này. Trước đó, Kang và 2 đặc vụ Triều Tiên khác đã đặt một quả bom trên trần của khu bia mộ. Giờ đây cả 3 người, hóa trang như dân địa phương, đang chờ đợi mục tiêu của mình bên ngoài con đường dẫn vào khu vực làm lễ.
May mắn đã đứng về phía Tổng thống Hàn Quốc khi ông này phải đợi ngoại trưởng Miến Điện để cùng đi vào khu bia mộ. Đại sứ Hàn Quốc tại Myanmar, Lee Gye-chol, tiến vào bên trong trước. Đội kèn danh dự, nhầm tưởng đó là Tổng thống Chun Doo-hwan, đã phát hiện lệnh bắt đầu nghi lễ chính thức. Từ bên ngoài, nhóm của Kang cho kích nổ quả bom từ xa. Vụ nổ tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và thương tâm, với vô số mảnh vụn và các phần thi thể rải rác khắp hiện trường. Trong số những người thiệt mạng có 17 người Hàn Quốc, bao gồm nhiều quan chức cấp cao của chính phủ và quốc hội.
"Không phải bức tranh toàn cảnh"
“Vụ khủng bố trên không thể được xem xét riêng lẻ mà phải đặt trong bối cảnh chung của bán đảo Triều Tiên khi đó. Chúng ta không thể chỉ tách riêng vụ việc trên để tuyên bố những điều đại loại như Triều Tiên lại gây ra một tội ác man rợ. Nó không cho thấy bức tranh toàn cảnh của cuộc xung đột tại bán đảo Triều Tiên trong những năm 80.” Đó là lời ông Ra trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến cuốn sách của mình.
Triều Tiên phủ nhận mọi cáo buộc về vụ đánh bom, trong khi tại Hàn Quốc, nó bị lên án là tàn ác, vô nhân tính. Năm 2008, Kang qua đời trong cô độc tại Rangoon vì ung thư gan sau 25 năm ngồi tù, không người thân thích và không quê hương.
Ông Ra viết cuốn sách về Kang như là một cách để đem lại sự công nhận cho hàng nghìn thanh niên ở cả 2 miền, những người đã được dùng cho những chiến dịch tối mật và sau đó bị lịch sử lãng quên. Theo ông Ra, chính phủ cả 2 bên đều không thừa nhận sự tồn tại của các chiến dịch trên, lừa dối gia đình những người lính và công luận.
Theo ước tính, từ năm 1951 đến 1994, Cục tình báo quân sự Hàn Quốc đã đào tạo 13.000 đặc vụ để chống phá Triều Tiên. Trong số đó, khoảng 7.800 người không bao giờ trở về sau khi được gửi đi thực hiện nhiệm vụ.
Cuốn sách của Ra Jong-yil, "Tên khủng bố tại Aung San", ra đời sau một cuốn sách về đề tài tương tự của cựu nghị sĩ Kim Seong-ho phát hành năm 2006. Mặc dù vậy, vẫn chưa có sự công nhận hay đền bù chính thức nào từ chính phủ cho những người này.
Kế hoạch bất thành
Kang cùng 2 đặc vụ khác, Kim Jin-su và Shin Ki-chul, cố gắng trong tuyệt vọng để trốn thoát sau vụ nổ. Họ chạy về phía bờ sông, nơi đáng lẽ phải có 1 xuồng máy để đưa họ ra một tàu chở hàng ở cảng Rangoon. Nhưng chiếc xuồng không có ở đó và cả nhóm phải tách ra, đi bộ dọc bờ sông để tìm đường đến cảng.
Shin bị cảnh sát Myanmar chặn lại và bị bắn chết trong cuộc đấu súng sau đó. Kang và Kim thì bị bắt, Kang bị mất một cánh tay khi lựu đạn của mình tự phát nổ. Tuy vậy những nỗ lực của họ là vô ích vì con tàu chở hàng thì đã không vào cảng theo kế hoạch. Bình Nhưỡng không thông báo cho những người này vì lo ngại sẽ làm họ không toàn tâm với chiến dịch.
Tòa án Myanmar tuyên xử tử Kim, nhưng tha mạng cho Kang để đổi lại việc người này khai ra quá trình lên kế hoạch. Theo Kang, chủ đích của Bình Nhưỡng là rất tham vọng. Họ cho rằng bằng việc ám sát Tổng thống Chun, cách mạng sẽ nổ ra ở Hàn Quốc.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan
Tổng thống Chun trước đó 3 năm đã lên nắm quyền sau một vụ đảo chính đẫm máu, và sau đó đã thẳng tay đàn áp một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền tại Gwangju, với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, bị giết.
Không chỉ thiếu sự ủng hộ trong nước, chính quyền Hàn Quốc khi đó cũng không có nhiều sự ủng hộ từ nước ngoài. Đó là lí do vì sao Tổng thống Chun muốn thắt chặt quan hệ với những nước không liên kết như Miến Điện. Chuyến thăm của ông tới nước này là một chặng trong chuyến công du đến nhiều nước khác gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Brunei, Úc và New Zealand. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khi đó đang là trợ lý cho ngoại trưởng Lee Beom-seok, một trong những người thiệt mạng trong vụ đánh bom, gọi đó là "chiến lược ngoại giao hoa cúc", do loại hoa này nở vào tháng 10.
Vụ ám sát đã gây tác dụng ngược. Myanmar cắt đứt toàn bộ quan hệ với Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế đồng thanh lên án vụ đánh bom. Ngay cả đồng minh Trung Quốc cũng nổi giận trước hành động này. Tuy vậy, sau đó quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên lại được cải thiện. Lãnh đạo 2 nước, Kim Nhật Thành và Chun Doo-hwan, cùng đồng ý bắt đầu một giai đoạn hòa hoãn. Nhưng trong những cuộc đàm phán của 2 bên, số phận của những người như Kang không bao giờ được nhắc đến.
Và đó cũng là số phận chung của nhiều người khác. Một ví dụ là khi đội tìm kiếm hài cốt của quân đội Mỹ vô tình phát hiện khoảng 23 đến 24 hài cốt lính Triều Tiên. Họ liên lạc với chính quyền cả 2 miền, nhưng cả 2 đều không muốn nhận lại số hài cốt này. Cuối cùng đội tìm kiếm phải tự thực hiện nghi thức an táng. Ông Ra nói: “Tôi rất tức giận khi nghe tin này. Chúng ta có xứng đáng để thống nhất khi vẫn đang thờ ơ với số phận đồng bào của mình?”