Putin: Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân mới để chống Mỹ và NATO

Nga sẽ dùng một loạt vũ khí hạt nhân mới cùng vũ khí quy ước, để chống lại các động thái quân sự của Mỹ và NATO, là tuyên bố ngày 10.9 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi quân đội Nga phóng thử thành công một tên lửa liên lục địa từ một tàu ngầm hạt nhân.

Cùng lúc, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ không nhảy vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, sẽ siết chặt ngân sách quân sự để không là gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông Putin cáo buộc phương Tây lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để củng cố NATO, cảnh cáo rằng Nga sẽ tung ra một phản ứng trước việc NATO quyết định lập đội phản ứng nhanh “mũi giáo” để bảo vệ Đông Âu.

Tuyên bố của ông Putin xem ra phát tín hiệu ông Putin quyết tâm theo đuổi đường lối cứng rắn trước việc phương Tây chồng thêm mức trừng phạt kinh tế-tài chính Nga với lý do Nga “chống lưng” cho phe đòi ly khai ở đông Ukraine, điều khiến quan hệ Nga-phương Tây giảm xuống mức thấp nhất từ sau Thế chiến 2 kết thúc.

Nga đã luôn bác bỏ cáo buộc này.

Tái cơ cấu Ủy ban công nghiệp quốc phòng

Những tuyên bố của ông Putin được đưa ra vào thời điểm EU đang tính chuyện áp thêm các mức trừng phạt Nga, nhằm buộc Nga tuân thủ vai trò trong lệnh ngưng bắn đã ký ngày 5.9. Có lẽ EU sẽ công bố các mức cấm vận mới vào cuối tuần này.

Ông Putin cũng nhấn mạnh việc hiện ông đích thân nắm Ủy ban công nghiệp quốc phòng thuộc chính phủ, để giám sát mảng này chặt chẽ hơn.

Nạn tham nhũng tràn lan, làm việc không hiệu quả và lãnh đạo bất tài ở ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã khiến Ủy ban trên khó bảo đảm giao hàng đúng thời hạn và không làm phát sinh chi phí, từ đó buộc phải có sự tái cơ cấu. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin sẽ thôi làm chủ tịch Ủy ban, chuyển xuống làm phó.

Tân chủ tịch ủy ban Putin nói: “Tôi hy vọng quy chế chịu sự quản lý của tổng thống sẽ cho phép có sự phối hợp tốt hơn giữa Bộ quốc phòng cùng các cơ quan đơn vị khác của tổ hợp quốc phòng-công nghiệp. Việc tái cơ cấu này sẽ tăng hiệu quả thực hiện chủ trương nhà nước ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và trong việc bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tổng thống Putin họp với Ủy ban công nghiệp quốc phòng

Đặt hàng vũ khí mới, “phương Tây chớ hoảng loạn”

Khi họp tại Điện Kremlin về chương trình hiện đại hóa vũ khí, ông Putin nghiêm mặt cảnh báo phương Tây “chớ nên hoảng loạn” trước nỗ lực tái vũ trang của Nga vì những kế hoạch phòng thủ tên lửa cùng các quyết định của Mỹ mà ông Putin nói là thách đố sự an toàn của Nga.

Ông Putin nói: “Chúng ta đã cảnh báo nhiều lần, rằng chúng ta sẽ có những biện pháp tương ứng để bảo đảm an ninh quốc gia. Tôi muốn nói rõ là chúng ta sẽ chỉ thực hiện các bước trả đũa”.

Ông nói một số nước phương Tây muốn lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng “chúng ta sẽ không nhảy vào cuộc đua ấy, hoàn toàn loại trừ việc đó”.

Ông Putin nói Nga cần nâng cấp kho vũ khí, để thay thế các mẫu mã thiết kế từ thời Liên Xô nay đang sắp hết tuổi thọ.

Ông Putin nói chương trình hiện đại hóa kho vũ khí của Nga từ năm 2016 đến năm 2025 nên tập trung vào việc sản xuất các loại vũ khí tấn công mới, để “bảo đảm có một khả năng phòng thủ hạt nhân, nâng cấp máy bay chiến lược và máy bay tầm xa, lập một hệ thống phòng thủ không gian và phát triển các loại vũ khí quy ước có độ chính xác cao.

Ông Putin không nói chi tiết về các loại vũ khí này, nhưng ông cùng các quan chức Nga từng nói về khả năng tên lửa hạt nhân Nga xuyên thủng bất kỳ hàng rào tên lửa nào.

Nga đã tăng khoản chi quốc phòng từ vài năm qua, trong một chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tham vọng với tổng kinh phí 700 tỉ USD cho đến năm 2020.

Nay ông Putin nói vào tháng 10 tới, Ủy ban sẽ lập đơn đặt hàng quốc phòng từ năm 2016 đến năm 2025 với khoản chi khoảng 540 tỉ USD, phù hợp với điều kiện an ninh-kinh tế hiện tại.

Phải thôi lệ thuộc nhập khẩu, phát huy nội lực quốc gia

Ông Putin còn nói ngành công nghiệp quốc phòng Nga phải chấm dứt sự lệ thuộc vào mảng nhập khẩu, để nhanh chóng có khả năng tự sản xuất các linh kiện chủ lực.

Đối mặt với phe đòi ly khai ở miền đông, Ukraine đã ngưng xuất khẩu vũ khí qua Nga, gồm các phụ tùng tên lửa, động cơ trực thăng, turbin cho các tàu chiến mà các nhà sản xuất vũ khí Nga khó thể tìm được nguồn thay thế.

Các nước phương Tây cũng cắt giảm xuất khẩu linh kiện quân dụng qua Nga. Trong điều kiện này, ông Putin chỉ đạo: ngành công nghiệp quốc phòng Nga phải sẵn sàng sản xuất các phương tiện cực kỳ quan trọng, phụ tùng và đủ khả năng sản xuất, công nghệ, nghiên cứu và tiềm năng kỹ thuật.

Theo hãng tin AP, quân đội Nga thừa hưởng kho vũ khí thời Liên Xô và đã chật vật phát triển các vũ khí mới sau khi ngành công nghiệp quốc phòng hậu Liên Xô bị suy thoái. Với hàng trăm nhà thầu phụ ngưng sản xuất, các đơn vị cung ứng vũ khí Nga thường phải tự sản xuất linh kiện, khiến tăng giá thành và tác động đến chất lượng sản phẩm.

Những khó khăn của kỹ nghệ vũ khí Nga đã được minh họa bằng việc quá cực và mất quá nhiều thời gian vào việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, vốn bị phóng thất bại 8 lần trong khoảng 20 lần phóng thử kể từ năm 2004.

Xem ra các nhà thiết kế đã khắc phục được những yếu kém, và sáng ngày 10.9 qua, hải quân Nga đã phóng thành công một chiếc Bulava từ một tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân Vladimir Monomakh trên biển Bạch Hải.

Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hãng tin ITAR-TASS biết: chiếc Bulava đã phóng trúng mục tiêu ở bãi thử Kura ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga. Dự kiến sẽ còn 2 lần phóng thử nữa.

Từ tháng 9.2013 đến nay, Nga không phóng tên lửa Bulava nào, sau khi chiếc tàu ngầm Alexandr Nevsky phóng chiếc đầu tiên không thành công khiến phải ngưng chạy thử các tàu ngầm hạt nhân mới cho đến khi phóng thử thành công Bulava.

Chiếc Vladimir Monomakh được hạ thủy hồi tháng 12.2012, chạy thử trên biển Bạch Hải từ tháng 6.2014. Nga tính đóng 8 chiếc thuộc lớp Borey này cho đến năm 2020. Chiếc đầu tiên là Yury Dolgoruky sau 12 năm đóng và chạy thử đã được giao cho Hạm đội Bắc Hải hồi đầu năm 2013.

Cả hai chiếc Vladimir Monomakh và Alexandr Nevsky sẽ được giao cho Hạm đội Thái Bình Dương và có căn cứ ở Vilyuchinsk ( Kamchatka).

Tên lửa Bulava được phóng từ dưới biển

Ông Putin nhấn mạnh vũ khí quy ước chính xác cao, phản ánh nỗi lo của chính phủ Nga về việc Mỹ và các nước NATO đang có lợi thế về lĩnh vực này.

Sự yếu kém về kho vũ khí quy ước đã buộc Nga ngày càng trông cậy vào vũ khả năng hạt nhân, với học thuyết quân sự nhắm đến khả năng Nga có thể lần đầu tiên dùng vũ khí hạt nhân để phản ứng trước một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước.

Khi nói chuyện về những mối đe dọa tiềm năng, ông Putin đặc biệt lưu ý về chương trình tên lửa phòng thủ của Mỹ, cùng kế hoạch phát triển các loại vũ khí qui ước mới của Mỹ, nhằm có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong một giờ, với độ chính xác cực kỳ.

Sau cuộc họp, phó thủ tướng Rogozin cho các nhà báo biết: Nga sẽ phản ứng với sự thách thức của Mỹ, bằng cách phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược và hệ thống phòng không.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov nói quân đội sẽ tập trung phát triển hệ thống phòng thủ để chống chương trình “Tấn công toàn cầu lập tức” (Prompt Global Strike) của Mỹ.

Theo hãng tin Interfax, ông Borisov cũng nói Nga có thể lập chương trình tương tự.

Nga bắn thử tên lửa Bulava (Ngày 10/9/2014)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại