Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên chỉ trích chính sách của phương Tây đối với Moscow sau khi kết thúc “chiến tranh lạnh”.
Ông cho rằng, những sai lầm chính của NATO là việc mở rộng về phía đông và sự hình thành một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.
NATO liên tục tiến về phía đông bao vây Nga
Tổng thống Putin cho rằng, 25 năm trước, bức tường Berlin đã sụp đổ, nhưng sự rạn nứt của châu Âu vẫn không được khắc phục, những bức tường vô hình đang di chuyển về phía Đông, bao vây lãnh thổ nước Nga, tạo nên sự đối đầu mới giữa Nga và NATO.
Các chuyên gia và chính khách Nga nhiều lần cáo buộc, mặc dù Liên Xô đã sụp đổ, thế giới không còn sự đối đầu thời chiến tranh lạnh, nhưng NATO không những không chịu giải tán mà đang làm mọi cách cách mở rộng thêm và tìm lí do bao biện cho sự tồn tại của khối này.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đã từng cáo buộc: "NATO không chỉ được duy trì mà còn liên tục dịch chuyển về phía Đông.
Chúng ta từng biết, khi thống nhất nước Đức và khi Nga tách ra từ Liên bang Xô viết, người ta từng hứa với Liên Xô và Nga rằng, NATO không bao giờ mở rộng về phía Đông”.
Ông chỉ rõ rằng, có những tài liệu lưu trữ của Nga và tài liệu hết hạn (bảo mật) của phương Tây đã thể hiện điều này.
Nhà ngoại giao Nga cho biết, tài liệu giữa NATO-Nga ký năm 1997 đã chỉ rõ, trên lãnh thổ các thành viên mới của NATO không được phép bố trí lực lượng chiến đấu dài hạn.
NATO đã liên tục tiến về phía đông để bao vây Nga
"Cuối cùng, khi nhận thấy rõ rằng, bất chấp những lời hứa và bảo đảm, họ đang đẩy mạnh việc mở rộng NATO.
Chúng tôi đã ký với họ Hiệp ước về mối quan hệ lẫn nhau, về sự hợp tác và an ninh giữa Liên bang Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vào năm 1997” - ông Lavrov nói.
Tài liệu này đã ghi rõ, NATO không được bố trí căn cứ quân sự và vũ khí hạng nặng trên lãnh thổ các nước thành viên mới.
Thế nhưng hiện nay, các nước Baltic, Ba Lan và một số thành viên khối này muốn phá vỡ Hiệp ước để triển khai các lực lượng quân sự thường xuyên trong lãnh thổ của họ.
Hôm 11-1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antony Macherevich đã đưa ra tuyên bố rằng, nước này sẽ thảo luận việc lập căn cứ NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối, sẽ được tổ chức ở Warsaw vào ngày 8-9 tháng 7 tới.
Ba Lan đang đòi hỏi một quy chế thành viên bình thường, có đầy đủ quyền lợi của tổ chức NATO, được áp dụng các quy tắc tương tự như với Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và các nước khác - những nước có triển khai căn cứ quân sự và vũ khí hạng nặng của khối này.
Trong động thái mới nhất, NATO đã mời Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của Liên minh, tiếp tục phá vỡ cam kết không tiến về phía đông bao bằng cả văn bản và lời nói, nhằm đẩy mạnh âm mưu bao vây, cô lập nước Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Trước sự bành trướng “không ngừng nghỉ” của NATO, Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt chiến lược an ninh quốc gia mới.
Trong đó chỉ ra rằng, việc mở rộng lực lượng của khối này và triển khai sát lực lượng quân sự gần biên giới Nga đang đe dọa an ninh quốc gia của nước này.
Moscow đã tuyên bố rằng, những hành động này đã đe dọa đến an ninh quốc gia Nga, chắc chắn sẽ dẫn đến hành động trả đũa từ phía Nga, nhằm đảm bảo lợi ích an ninh và duy trì ưu tiên lợi ích của mình.
Nguy cơ từ các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và NATO
Ngoài việc khối này không ngừng mở rộng về phía đông, chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga cũng chỉ ra rằng, mối nguy hiểm thứ 2 đối với an ninh quốc gia Nga đến từ việc Mỹ và NATO đang nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa bao quanh đất nước.
Tổng thống Nga Putin nói rằng, Mỹ và châu Âu đang triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa dưới chiêu bài ngăn ngừa mối đe dọa hạt nhân Iran, trong khi đó các hệ thống này lại được triển khai ở các quốc gia lân cận với Nga.
Trong những năm gần đây, việc triển khai NMD ở châu Âu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa Washington và Moscow, mặc dù Nhà Trắng luôn cam kết rằng, lá chắn tên lửa sẽ không hướng vào Nga mà nhằm chống các mối đe dọa từ Iran.
Mới đây, Mỹ đã công bố rằng, một hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đặt tại căn cứ Deveselu của Romania sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016.
Căn cứ này sẽ là cơ sở phòng thủ tên lửa đầu tiên của Mỹ ở Đông Âu, cơ sở tương tự thứ hai dự kiến sẽ được mở ở Ba Lan vào năm 2018.
Trong thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa được đưa đến bao gồm các bệ phóng tích hợp Mk-41, được sử dụng trên các chiến hạm Aegis của Hải quân Mỹ, có thể phóng các tên lửa đánh chặn cũng như các tên lửa hành trình Tomahawk.
Việc triển khai các thành tố của hệ thống Aegis trên đất liền ở căn cứ Romania bị Nga coi là hành động vi phạm trực tiếp các điều khoản của Hiệp ước về xóa bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc.
Tổng thống Nga Putin cũng nhắc lại lời tuyên bố của ông Barack Obama, được đưa ra trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình rằng, nếu như mối đe dọa hạt nhân của Iran không còn tồn tại, khi đó sẽ chẳng có bất cứ động cơ nào cho việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD).
Tên lửa hạt nhân của Iran chỉ là cái cớ để NATO lập lá chắn quanh Nga
Tuy nhiên, ông John Heffern, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Âu-Á tuyên bố rằng, các thỏa thuận với Tehran không bao gồm tên lửa, các mối đe dọa vẫn còn.
Do đó, đến năm 2018 Mỹ sẽ xây dựng thành công hệ thống phòng thủ tên lửa tại Redzikovo, khu vực phụ cận Slupsk.
Ngoài các hệ thống trên đất liền, Mỹ cũng tập trung cải tiến đại trà các tàu hải quân, đến trước năm 2020 sẽ trang bị thêm cho khoảng 49 tàu các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis thế hệ mới nhất, nâng số lượng lá chắn tên lửa hiện đại lên trên 200 đơn vị.
Các quan chức Mỹ cũng không dấu giếm ý định triển khai các hệ thống phòng thủ ngay sát nách Nga như ở các quốc gia Baltic, trên biển Đen hay trên lãnh thổ Ukraine.
Quan chức Mỹ không ngần ngại tuyên bố thẳng trước Hội đồng Đại Tây Dương về khả năng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại biển Đen (trên các chiến hạm Aegis), nếu nảy sinh nhu cầu “bảo vệ các đồng minh khỏi sự đe dọa của những tên lửa đạn đạo”.
Hơn thế nữa, NATO cũng không ngần ngại cổ vũ ý tưởng của chính quyền Kiev về khả năng triển khai các thành tố của hệ thống lá chắn tên lửa ở Ukraine để bảo vệ “trước mối đe dọa hạt nhân từ phía Nga.
Mỹ-NATO không dấu giếm ý định triển khai khu trục hạm Aegis trên biển Đen
Các nhà lãnh đạo Nga đã gọi tuyên bố của NATO về sự cần thiết để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và châu Á là sự dối trá trắng trợn.
Toàn bộ những nguy cơ tên lửa hạt nhân từ Iran và Triều Tiên chỉ là những lời lẽ ngụy biện nhằm che dấu âm mưu đối phó với Nga.
Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia quân sự Nga khẳng định rằng, Moscow không muốn và sẽ không lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, nhưng nước này có thừa phương tiện kỹ thuật thích hợp để đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Mỹ-NATO không phải đợi lâu để biết câu trả lời của Moscow. Hàng năm, Nga đưa vào trong hệ thống chiến đấu khoảng 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời cải tạo nâng cấp các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân, kể cả tên lửa hành trình, trong bộ 3 răn đe chiến lược.
Ngoài ra, Moscow còn đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa siêu thanh mang mật danh “Đối tượng 4202”, có khả năng xuyên phá qua bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Những tên lửa này sẽ được sử dụng làm các đầu đạn hạt nhân phân hướng, khiến không một lá chắn nào có thể đứng vững.
Ông Putin tuyên bố rằng hiện tại Moscow chưa xem khả năng triển khai vũ khí hạng nặng ở châu Âu là vấn đề nguy cấp đối với nước này, nhưng việc bố trí hệ thống NMD dọc biên giới Nga chính là mối đe dọa thực sự và hành động đáp trả của Nga là hợp lý và hoàn toàn có cơ sở.