Nga: Su-30SM đưa Assad sang Iran “bàn việc lớn”, Mỹ tránh xa

Thiên Nam |

Truyền thông Ả Rập vừa cho biết, đích thân các máy bay chiến đấu Nga sẽ hộ tống chuyên cơ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sang thăm Iran.

Nga điều tiêm kích hộ tống chuyên cơ Tổng thống Syria

Hãng thông tấn FarsNews ngày 20-12 cho biết, 4 máy bay chiến đấu của Nga (có thể là Su-30SM) sẽ hộ tống chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm đến Iran. Chuyến bay của người đứng đầu nhà nước Syria sẽ bay qua lãnh thổ Iraq.

Trước đó, chính quyền Damascus đã ra thông báo rằng, Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Syria Bashar al-Assad dự kiến sẽ đến thăm Iran vào cuối tháng 12-2015, hoặc đầu tháng 1-2016.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình Syria sẽ diễn ra ở Viena, sau đây khoảng một tháng nữa (vào ngày 22-01-2016) thì rất có thể ông Assad sẽ sang thăm Iran trong thời gian sớm nhất.

Tờ Al Diyar, tờ nhật báo có uy tín nhất ở Lebanon cũng khẳng định, Nga đã thông báo về lịch trình chuyến bay cho liên minh quân sự 64 nước do Mỹ đứng đầu, hiện đang tiến hành chiến dịch không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria.

Nguồn tin còn cho biết, Moscow đã đưa ra cảnh báo với Washington rằng, đích thân các tiêm kích Nga sẽ hộ tống chuyên cơ của ông Assad bay qua không phận Iraq để sang Iran và yêu cầu máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ không được tiếp cận máy bay chở Tổng thống Syria để tránh va chạm.


Tiêm kích Su-30SM Nga sẽ hộ tống ông Assad sang thăm Iran

Tiêm kích Su-30SM Nga sẽ hộ tống ông Assad sang thăm Iran

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, giới chức quân sự Nga chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên nhưng điều này có lẽ là đúng sự thật do các hoạt động trên không ở khu vực không phận Syria và Iraq rất hỗn loạn, đặc biệt là Iraq với đủ loại máy bay chiến đấu, ra vào không cần xin phép.

Hơn nữa, vừa qua Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố đóng cửa không phận của họ đối với các với máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga, cất cánh từ các sân bay nội địa sang tấn công vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Thiếu tướng Anatoly Konovalov nói với các phóng viên hôm 20-12 rằng, Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không phận đối với máy bay ném bom tầm xa của Liên bang Nga, do đó, phi công Nga xuất phát từ các sân bay phía bắc như Olenegorsk buộc phải bay vòng tránh châu Âu.

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, việc Nga điều 4 chiến đấu cơ đa năng Su-30SM hộ tống chuyên cơ của Tổng thống Syria cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với đó, Moscow cũng có thể phối hợp với Tehran điều các tiêm kích F-14 Tomcat của Iran đón ở khu vực không phận giáp biên giới Iraq.

Được biết, chuyến thăm của ông Assad tới Tehran là chuyến công du nước ngoài thứ hai của người đứng đầu nhà nước Syria trong ba tháng qua, sau chuyến thăm đến Moscow hồi cuối tháng 10 năm nay - tuyên bố của chính quyền Syria nêu rõ.

Ông Assad sang Iran bàn về cuộc đàm phán tháng 1-2016?

Ngày 20-10 vừa qua, Tổng thống Syria đã bất ngờ tới thăm Moscow để gặp Tổng thống Nga Putin.

Đây là chuyến thăm nước ngoài được biết đến đầu tiên của ông Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ ở nước này vào năm 2011 và cũng là chuyến thăm không có kế hoạch từ trước.

Giới phân tích lúc đó cho rằng, sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Syria ở Điện Kremlin cho thấy rõ mối bất hòa ngày càng lớn giữa các cường quốc thế giới xung quanh cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này, mà đại diện tiêu biểu là 2 phe Nga và Mỹ.

Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, điều kiện bắt buộc là Tổng thống Assad phải từ chức.

Các nước này cũng cáo buộc các cuộc không kích Nga chỉ đang nhằm vào các đối thủ của Assad chứ không phải là tấn công IS.

Còn Nga cho rằng, giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng Syria đòi hỏi một tiến trình hòa giải với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị, các nhóm dân tộc và tôn giáo.

Moscow nhấn mạnh, Washington không được áp đặt dân chủ cho nước khác, quyết định cuối cùng phải do người dân Syria tự quyết.


Sau chuyến thăm Nga, Tổng thống Assad sẵn sàng bàn về một cuộc bầu cử sớm

Sau chuyến thăm Nga, Tổng thống Assad sẵn sàng bàn về một cuộc bầu cử sớm

Giới chuyên gia cho rằng, mục đích chuyến thăm Moscow hồi tháng 10 là nhằm xác định tương lai của ông Assad và Syria.

Sau chuyến thăm, Tổng thống Assad đã cho biết ông “sẵn sàng thảo luận về việc thay đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống mới, nếu đây là nguyện vọng của người dân Syria”.

Việc đã đạt được mục tiêu là giữ ghế cho ông Assad và xây dựng được lộ trình hòa giải là cuộc đàm phán giữa chính phủ và các phe nhóm “đối lập ôn hòa” vào ngày 22-01-2016, cho phép Nga và Iraq tiếp tục đi bước thứ 2 là tìm kiếm những chiến thắng mới trên bàn đàm phán sắp tới.

Hiện Nga đang hỗ trợ hết mức cho quân chính phủ Syria và các tay súng Iran, cùng với lực lượng Hezbollah của Lebanon giành thêm nhiều chiến thắng trên chiến trường, mở rộng vùng giải phóng để chiếm lợi thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Việc Nga trói chân được máy bay Mỹ ở phía Bắc Syria đồng thời với việc quân chính phủ giành chiến thắng liên tiếp trên chiến trường có thể dồn phe đối lập vào thế yếu, mất niềm tin vào sự hậu thuẫn của Washington và buộc phải chấp nhận vai trò lớn hơn của chính quyền Damascus trong “Hội đồng hòa hợp dân tộc” (nếu đàm phán thành công).


Sau chuyến thăm Iran, ông Assad sẽ tuyên bố điều gì? (Ảnh: Máy bay F-14 Tomcat của Iran)

Sau chuyến thăm Iran, ông Assad sẽ tuyên bố điều gì? (Ảnh: Máy bay F-14 Tomcat của Iran)

Do đó, chuyến thăm sắp tới của ông Assad đến Tehran trước hết là nhằm thắt chặt sự liên kết của Liên minh quân sự Nga-Iran-Syria và tăng cường các hoạt động quân sự nhằm mở rộng vùng kiểm soát của quân chính phủ Syria, đồng thời tham vấn Tehran về vai trò của các nhóm vũ trang người Shia trong tương lai.

Ngoài ra, ông Assad có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Iran về vấn đề hậu thuẫn cho người Kurrd ở Iran, Iraq và Syria đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là việc cho phép họ thành lập khu tự trị ở khu vực phía bắc Syria, tạo thành vùng đệm chống sự xâm lấn của Ankara.

Lực lượng rất mạnh của người Kurd ở Syria là sự hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền Damascus chống lại IS và các phe nhóm vũ trang thân Ankara, đồng thời uy tín của các nhóm vũ trang này đang ngày càng lên cao trong con mắt cộng đồng quốc tế, qua cuộc chiến chống IS.

Dự kiến là YPG có thể giữ vai trò khá quan trọng trong tiến trình đàm phán hòa bình sắp tới.

Sự liên kết giữa chính quyền Damascus và người Kurd khiến họ có thể áp đảo được các phe nhóm “đối lập ôn hòa” do Mỹ hậu thuẫn. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với tương lai của chính quyền Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại