Thanh kiếm sắc S-300PMU-1
Hệ thống phòng không quốc gia đang được hiện đại hóa mạnh mẽ. Những dàn tên lửa tầm trung trứ danh S-75, S-125 đã được nâng cấp với các trang thiết bị điện tử thế hệ mới, đảm bảo nâng cao hiệu quả chiến đấu. Song song với đó là việc đưa vào trang bị nhiều hệ thống phòng không thế hệ mới. Việc có trong biên chế tổ hợp phòng không tầm xa S-300PMU-1 là bước tiến vượt bậc của phòng không Việt Nam.
Tổ hợp S-300PMU-1 được coi là "át chủ bài" trong hệ thống phòng không quốc gia Việt Nam
Được đánh giá là tổ hợp phòng không uy lực nhất thế giới hiện nay, S-300 của Việt Nam đã trở thành "át chủ bài" trong hệ thống phòng không quốc gia. Với hệ thống radar BIG BIRD tối tân, Su-300PMU-1 của Việt Nam có thể phát hiện ra các tên lửa đạn đạo ở cách xa 1.000km, tên lửa hành trình ở khoảng cách 300 km, có khả năng đánh dấu và theo dõi cùng lúc đến 350 mục tiêu và theo dõi sát sao đến 150 mục tiêu có khả năng tấn công nguy hiểm nhất.
Bên cạnh đó, S-300 Việt Nam được trang bị radar 30N6 FLAP LID B, có thể dẫn đường cùng lúc cho 12 tên lửa và tấn công 12 mục tiêu.
Hệ thống S-300PMU-1 được trang bị nhiều loại đạn tên lửa khác nhau gồm: 5V55R (tầm bắn 90 km), 48N6E (tầm bắn 150 km), 48N6E2 (tầm bắn 195 km), 9M96E1 (tầm bắn 40 km), 9M96E2 (tầm bắn 120 km). Trong cả 4 ống phóng luôn được nạp sẵn 2 loại chính là 48N6E và 48N6E2. Tất cả đều có vận tốc bay kinh hoàng là 1.700m/s, thậm chí 48N6E2 đạt tốc độ 2.000m/s.
Với sức mạnh khủng khiếp như vậy, S-300PMU-1 của Việt Nam chính là thanh kiếm sắc nhọn trong cuộc chiến với lực lượng tập kích đường không của đối phương.
Kiếm sắc nhưng phải có khiên dày
Như người đấu sĩ ra trận, trong tay ngoài thanh kiếm sắc cần phải có tấm khiên dày. S-300PMU-1 của Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tổ hợp S-300 khá cồng kềnh, mỗi tổ hợp S-300 có hơn 10 xe tải cỡ lớn 4 trục, dài 12m, nặng hơn 40 tấn. Các xe trong tổ hợp là một thành phần trong hệ thống liên hoàn, bao gồm xe chỉ huy, xe điều khiển, xe radar, xe bệ phóng, các trạm nguồn điện, khí nén…khó có thể phân tán một cách nhỏ lẻ như các máy bay hay pháo binh..., khi cơ động cũng rất dễ bị phát hiện.
Cụ thể, biên chế của mỗi tiểu đoàn S-300PMU-1 gồm: hệ thống điều khiển và chỉ huy 83M6E, đài radar điều khiển hỏa lực 30N6E(1), đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E và 12 xe mang phóng tự hành 5P85SE (mỗi xe chở 4 đạn) cùng các thành phần hỗ trợ khác.
Do vậy, với các phương pháp tình báo, trinh sát bằng con người hay các phương tiện kỹ thuật, đối phương có thể xác định được vị trí bố trí các tổ hợp S-300. Đặc biệt, nếu đối phương là những nước đã từng sở hữu S-300 thì càng hiểu về nguyên tắc tổ chức trận địa S-300.
Trận địa tên lửa S-300PMU-1 của Trung Quốc được chụp từ vệ tinh
Hệ thống radar chính là yếu huyệt của S-300. Với phương châm tấn công phủ đầu, hệ thống phòng không và lực lượng không quân chính là những mục tiêu đầu tiên. Trong đó, việc tiêu diệt các đài radar của tổ hợp phòng không là nhiệm vụ của loạt đạn đầu tiên trong đợt tấn công đầu tiên. Khi không có radar điều khiển, không chỉ riêng S-300 mà toàn bộ các hệ thống phòng không khác đều bị vô hiệu hóa nhanh chóng.
Theo thông số kỹ thuật, S-300PMU1 có thể tiêu diệt mục tiêu trong độ cao từ 10m đến 27 km, tầm xa hiệu quả 150 km, nhưng điều ai cũng biết là có "vùng chết", tùy thuộc vào từng loại đạn, từng loại radar, địa hình và cách bố trí của tổ hợp. Đối phương có thể lợi dụng điều này, sử dụng lực lượng đột kích, dùng tên lửa chống bức xạ tiêu diệt radar của tổ hợp S-300PMU-1.
Mặc dù S-300 có thể chống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhưng xác suất chỉ là 0,7. Xác suất này được tính với số lượng đạn lớn và cho tên lửa hành trình chứ không phải loại tên lửa có tốc độ bay nhanh như các tên lửa chống bức xạ. Với một tổ hợp chỉ có thể chiến đấu với 6 mục tiêu, nếu đối phương sử dụng lực lượng đông, nhiều tên lửa cùng lúc thì việc bảo vệ cho một tổ hợp S-300 đơn độc sẽ khá khó khăn.
Do vậy, hơn khi nào hết cần phải trang bị cho tổ hợp S-300PMU-1 tấm khiên dày để tránh bị tiêu diệt trước các tên lửa của đối phương.
Khiên dày Pantsir-S1
Theo những thông tin được công bố gần đây, hệ thống pháo/tên lửa phòng không kết hợp 96K6 Pantsir-S1 đã được Việt Nam lựa chọn là tấm khiên cho S-300.
Vào cuối tháng 3/2013, một vài nguồn tin quân sự Nga đã hé lộ về việc Việt Nam cử học viên sang Nga đào tạo chuyển loại, làm chủ trang bị vũ khí hiện đại, trong đó có cả tổ hợp pháo/tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 tối tân.
Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không kết hợp Pantsir-S (NATO gọi là SA-22 Greyhound) do Cục thiết kế kỹ thuật KBP của Nga nghiên cứu, chế tạo. Hệ thống Pantsir dùng để bảo vệ các mục tiêu tĩnh, trong đó có các hệ thống phòng không tầm xa, chống các phương tiện tiến công đường không.
Hệ thống pháo/tên lửa phòng không kết hợp 96K6 Pantsir-S1 sẽ là tấm khiên cho S-300.
Đây là một trong những sản phẩm quốc phòng “độc đáo“ của Nga. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất, với diện tích phản xạ radar nhỏ nhất là 2cm² tới 3cm², và tốc độ lớn nhất lên tới 1.300 m/s, tổ hợp này có tầm bắn tối đa là 20 km và đạt trần bắn là 15 km, ngay cả khi hệ thống đang di chuyển.
Vũ khí chính của Pantsir-S là 2 khẩu pháo tự động 2A72 cỡ nòng 20mm và 12 ống phóng với 12 quả tên lửa phòng không tầm gần dẫn đường bằng vô tuyến 57E6-1. Pháo tự động 2A72 có thể tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 5km, còn tên lửa 57E6-1 có tầm bắn xa nhất là 20km, vận tốc Mach 4, trần bắn 15km, cùng lúc có thể theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu với kiểu bắn đồng loạt hoặc bắn từng quả.
Sức mạnh và tính hiệu quả của Pantsir-S đã được kiểm chứng. Ngày 19/10/2012, lực lượng phòng không Nga đã thử nghiệm tính năng của Pantsir-S tại trường bắn Pemboy ở bắc Nga. Hai quả tên lửa 57E6-1 của hệ thống này đã đánh chặn thành công một quả tên lửa hành trình phóng từ máy bay Tu-95MS từ khoảng cách 800 km. Thử nghiệm hoàn hảo này đã kiểm chứng khả năng phòng không đa năng của Pantsir-S, dập tắt những nghi ngờ về tính năng của nó.
Với hệ thống Pantsir-S đóng vài trò là tấm khiên dày, thanh gươm sắc S-300 sẽ có thể phát huy tối đa khả năng chiến đấu, tiêu diệt các mục tiêu tầm xa, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.