Phi công tiêm kích Việt Nam ăn, mặc, tập luyện ra sao?

Trở thành phi công tiêm kích đã khó, để giữ gìn được phong độ phi công tiêm kích còn khó hơn nhiều. Việc này đòi hỏi một chế sinh hoạt điều độ, tập luyện thường xuyên, liên tục.

Ăn ngon…

Trước giờ tôi vẫn nghe nói “Ăn sướng như phi công”. Nhưng “sướng” như thế nào thì phải đến khi ghé bếp bay của Trung đoàn 935, tôi mới cảm nhận được vì... chỉ cần nhìn vào bảng thực đơn là đã đủ thèm rồi.

Theo tính toán của các nhà khoa học dinh dưỡng, một người hoạt động bình thường mỗi ngày tiêu tốn từ 1.500-1.800 calo, nhưng một phi công tiêm kích phải gấp 3 lần: 4.860 calo. Như thế một phi công tiêm kích phải cần nạp năng lượng gấp 3 lần người bình thường.

Thiếu tá Phạm Hữu Thắng, Trợ lí Quân nhu Trung đoàn 935 nói rằng, dù thị trường có nóng lạnh thế nào thì vẫn phải đảm bảo đủ lượng calo theo yêu cầu cho phi công chứ không có mức tiền ăn cố định như các binh chủng khác. Để có được lượng lương thực thực phẩm chứa 4.860 calo không khó. Cái khó cho những người làm công tác hậu cần ở đơn vị không quân là phải chọn được thức ăn “ngon – bổ - sạch” để phi công có thể “ăn đúng – ăn đủ - ăn hết” tiêu chuẩn.

Bữa ăn của phi công

Mỗi khi có dịch cúm gà, bò điên, sữa độc, rau bẩn… là những người làm hậu cần chúng tôi lo toát mồ hôi để tìm thực phẩm thay thế”, Thiếu tá Thắng bộc bạch.

Tôi may mắn được dự những bữa ăn phi công thật ngon. Bữa sáng với một tô phở bò tơ ngọt lừ cộng thêm một quả trứng vịt lộn và một li sữa tươi. Bữa trưa và bữa chiều với cơm gạo tám thơm, canh rau "sạch", thịt gà đồi luộc vàng ươm rắc lá chanh, cá chép sông rán giòn, sườn non chiên tẩm bột, tráng miệng bằng cam sành...

Nhưng tôi vẫn cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đấy. Mãi sau tôi mới nhận ra, bữa ăn phi công "mồi" rất ngon, rất nhiều dưỡng chất, nhưng thiếu chất... cay. 24 giờ trước khi bay, phi công tuyệt đối không uống rượu.

Mặc diện…

Phi công tiêm kích người nào cũng đẹp, cái đẹp không chỉ hiển lộ từ dáng vóc thanh thoát mà còn toát ra từ khí chất, trí lực. Người đã đẹp, phi công tiêm kích còn được ưu tiên mặc đẹp nên cái đẹp được nhân đôi.

Có thể nói, họ là những người ăn mặc “thời trang” nhất trong các quân binh chủng. Khi sinh hoạt bình thường trong doanh trại, họ trang nhã với quân phục áo sơ mi màu xanh da trời, quần âu màu ô liu. Khi hội họp họ chững chạc trong bộ lễ phục màu xanh dương. Nhưng đúng “chất pilot” nhất là khi họ mang trên mình bộ đồ bay chỉ lúc đó họ mới hiện hết vẻ đẹp. Đó là một vẻ đẹp vừa "ngầu" vừa hào hoa.

Phi công tiêm kích trong bộ đồ bay

Bộ đồ bay của phi công tiêm kích siêu âm khác với đồ bay của phi công thường ở chỗ, ngoài quần áo bay liền thân, mũ bay, găng tay, giầy lái... còn có thêm một bộ mặt nạ dưỡng khí và một bộ đồ kháng áp bên ngoài. Những thứ này được nối với khoang lái qua những ti-ô.

Khi bay lên độ cao trên 10.000m, mặt nạ dưỡng khí giúp phi công có ôxy để thở. Và khi phi công thực hiện những động tác bay khoan, bay xoắn, bay cắm đầu, bay lộn ngửa, bay dựng ngược… bộ đồ kháng áp sẽ tự động được bơm phồng để bảo vệ cơ thể phi công trước những thay đổi trọng lực đột ngột.

Được khoác lên mình bộ đồ bay, điều khiển những chiếc chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới vùng vẫy trên bầu trời là mơ ước của biết bao người. Nhưng ít ai biết được rằng, để mang những bộ đồ ấy người phi công cũng phải tập cho mình một sức chịu đựng ghê gớm.

Những bộ đồ bay được thiết kế dành cho bay trong điều kiện lạnh, nếu bay ở các nước châu Âu  thì sẽ vô cùng thoải mái. Nhưng trong điều kiện thời tiết Việt Nam nóng ẩm thì… Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy trước khi đội mũ bay, các phi công tiêm kích đã phải lót thêm một chiếc khăn bông trên đầu. Và khi họ hạ cánh trở về, cả chiếc khăn và bộ đồ bay của họ ướt sũng mồ hôi. Ở điều kiện khí hậu Việt Nam, trung bình sau mỗi một giờ bay, phi công sút từ 1,5 đến 2kg.

…Tập luyện quanh năm

Khi đã trở thành phi công, ngoài các chế độ ăn, ngủ, các phi công vẫn phải duy trì chế độ rèn luyện thể lực. Phi công trẻ Nguyễn Văn Thướng nói: “Khi về đơn vị bọn em không còn phải tập những môn thể thao hàng không như quay đu, lắc lồng…nữa, bởi vì thường xuyên nhào lộn trên máy bay rồi. Mỗi người sẽ tìm cho mình một môn thể thao phù hợp với sở thích như bóng rổ, ten nít, bóng chuyền…, trừ bóng đá, vì lo ngại chấn thương”. Tuy chế độ rèn luyện thể lực có phần giảm đi, nhưng chế độ rèn luyện bay thì tăng lên.

Những ngày ở Trung đoàn 935, tôi được mời tham quan “phòng tập nguội”. Những chiếc ca bin được thiết kế hiện đại, cài những phần mềm chuyên dụng có đủ âm thanh, ánh sáng, hệ thống đồng hồ điện tử, các tình huống giả định...

Phi công trẻ Đặng Đức Công nói: “Luyện tập trên ca bin điện tử hàng ngày là một chế độ bắt buộc của mỗi phi công. Nó giúp cho bọn em rèn luyện phản xạ chớp nhoáng, kĩ năng xử lí các tình huống trên không rất hữu ích”.

Còn phi công trẻ Nguyễn Văn Thướng thì văn vẻ: “Phi công bọn em có một bệnh rất lạ, đó là bệnh… nhớ trời. Hôm nào không được bay là thấy người bứt rứt nôn nao lắm! Việc tập trên ca bin điện tử cũng giúp nguôi đi phần nào…

Tôi được ngồi thử vào ca bin, tai đeo cáp nghe, máy khởi động, một vòm trời bao la bất ngờ vụt hiện trước mắt tôi với đủ hìnhh ảnh mặt đất, bầu trời. Đặng Đức Công bắt đầu tăng tốc. Tiếng động cơ phản lực rít rền và tôi cảm nhận chính xác mình bị nhấc hẫng lên không. Chốc lát, tôi rơi vào một vùng trời tím sẫm le lói những vì tinh tú. Sau một loạt thao tác nhào lộn, bầu trời trước mắt tôi quay cuồng. Mắt tôi hoa lên. Hai tai ong ong. Trán vã mồ hôi. Mới bay "ảo" mà đã ‘nhọc’ thế này…

Phi công học bay trong buồng lái mô phỏng.

Ngoài chế độ "bay ảo", các phi công tiêm kích còn thêm một chế độ bay rất… vui! Sau khi quan sát một buổi nhận nhiệm vụ bay trên hệ thống máy tính kết mạng LAN, tôi thấy các phi công cặm cụi dùng thước kẻ, êke… đọ đạc, tính toán làm bài trên vở cả tiếng đồng hồ rồi một vài người xếp vở, ra sân.

Tôi đã sửng sốt khi thấy họ hợp thành từng cặp và bắt đầu… múa! Những “cặp song vũ” với  bàn tay mềm mại cầm những chiếc máy bay mô hình nhỏ xíu chao lên lượn xuống, lúc tách ra, lúc quện vào, chân di chuyển nhịp nhàng, miệng lẩm nhẩm như… hát. Nếu không được giải thích thì tôi đã nghĩ họ đang tập một tiết mục múa cho hội diễn văn nghệ nào đó!

Thượng tá Tham mưu trưởng Ngô Đức Hiền nói: “Trong mỗi bài bay có rất nhiều nội dung như đoạn đường bay, tốc độ bay, động tác bay, hướng bay, độ cao, các tình huống phối hợp biên đội tác chiến…, phi công bắt buộc phải thuộc lòng. Thế nên họ phải “bay nguội” dưới mặt đất cho thành thục trước một ngày để hôm sau “bay thật”.

Hôm tôi tới Trung đoàn 935 thì Thượng tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Tuyến, Thượng tá Chính ủy Trần Trọng Tuyến, Thượng tá Tham mưu trưởng Ngô Xuân Hiền, ba ông “to” nhất Trung đoàn đều bay.

Theo dõi những buổi huấn luyện bay ở Trung đoàn 395, tôi phát hiện ra một điều rất lạ: Không quân nghĩa là lực lượng tác chiến trên không. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa là “không có quân” thì… cũng có phần đúng! Một đơn vị không quân được biên chế theo tổ chức biên đội, phi đội, trung đoàn, sư đoàn..., có hệ thống chỉ huy từ trên xuống dưới. Nhưng khi bay thì khác, không có binh chủng nào mà các mối quan hệ lại…"chồng chéo" như không quân.

Lúc  dưới mặt đất các ông Trung đoàn trưởng, Chính ủy trung đoàn, Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị… có quyền ra lệnh cho cả ngàn người. Nhưng khi đã bước lên máy bay thì các ông lại chỉ là những… chiến sĩ, phải chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của đài mặt đất do những cán bộ, nhân viên cấp dưới của mình chỉ huy.

Trong các loại giấy phép điều khiển phương tiện cơ giới thì bằng lái máy bay là loại… nhanh hết hạn nhất, chỉ 30 ngày! Vì thế có một qui định đối phi công đó là khoảng Giãn cách bay. Bất kể anh giữ chức vụ gì, nhưng nếu đã là phi công thì cứ sau 30 ngày ít nhất phải bay một lần.

Thượng tá Đào Quốc Kháng nói: “Ngay cả Sư đoàn trưởng, dù bận trăm công ngàn việc thì cũng phải chấp hành qui định này. Nếu quá thời hạn Giãn cách bay, phi công phải thi lại”.

Bởi thế, nhiều phi công cấp 1 nhưng giữ chức vụ quản lí, do điều kiện công tác mà quá “nhịp giãn cách” thì cũng phải chấp nhận làm học trò, phải ngồi ghế trước để các phi công trẻ cấp 2 cấp 3  ngồi ghế sau “kèm cặp”. Và ngay cả những người tháng này làm thầy nhưng tháng sau lại xuống làm trò. Và ngược lại. Sự hoán vị thường xuyên liên tục như thế nhằm duy trì “trạng thái bay” và giữ gìn phong độ cho tất cả phi công tiêm kích.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại